Sự kiện hot
6 năm trước

Tác hại của chảo chống dính giá rẻ

Chảo chống dính thật tiện dụng, thế nhưng nếu không sử dụng đúng cách hoặc sản phẩm kém chất lượng, bong tróc thì liệu có ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ?

Chảo chống dính là dụng cụ nhà bếp vô cùng quen thuộc và được sử dụng hàng ngày trong các gia đình giúp cho công việc nấu ăn của chị em nhanh chóng và thuận lợi hơn rất nhiều. Hiện nay, trên thị trường có bán nhiều dụng cụ nấu ăn có tráng lớp chống dính. Theo chuyên gia về hóa học, chất chống dính bản chất hóa học là một loại polyme chịu nhiệt. Bản chất polyme là không gây độc. Nhưng vì là chất chống dính, khó kết dính ngay cả với bề mặt kim loại của nồi, chảo nên nhà sản xuất cần dùng một lớp keo tổng hợp để kết kính lớp chống dính này với bề mặt chảo.Lớp keo này độc, nếu lớp chống dính trên bề mặt chảo bị trầy xước, bong tróc để lộ lớp keo kết dính này, thì khi nấu nướng nó có khả năng phân hủy và phát tán chất độc hại, gây nguy hiểm đến sức khỏe người sử dụng

Trong đó, phổ biến và hay được nhắc đến nhất là hợp chất Teflon. Teflon là tên thương mại của 2 hợp chất PTFE và PFOA, được phủ lên bề mặt của nhiều loại chảo chống dính. Thực chất, đây là polime chịu nhiệt. Ở những sản phẩm chảo chống dính kém chất lượng, còn tồn dư hóa chất độc hại, khi đun nấu ở nhiệt độ cao, Teflon sẽ sinh ra khói độc, gây ra các triệu chứng ho, tức ngực, khó thở…, thậm chí có nguy cơ gây ung thư hoặc sảy thai.

Trong đó, PFOA là một hóa chất dạng lỏng, không màu, có nhiệt độ nóng chảy 40-50 độ C. PFOA có thể dẫn tới các chứng bệnh nguy hiểm liên quan đến tuyến giáp, trong đó có ung thư. Một số nghiên cứu khoa học còn cho thấy PFOA liên quan đến sự sảy thai, tăng tỷ lệ ung thư và thay đổi mức độ lipid, hệ miễn dịch và gan. Theo Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ EPA, đây là chất hữu cơ sinh tụ, tích tụ trong cơ thể người và gây ung thư.

Còn PTFE là một chất bột dẻo tổng hợp có đặc tính tự nhiên trơn. Chất này có thể gây nguy hiểm cho chế biến vì sẽ phân hủy ở nhiệt độ 260-350 độ C, thải ra các khí độc hại, có thể gây bệnh viêm phổi. Ngoài ra, khí này còn gây xuất huyết phổi và làm rối loạn dịch thể, với các triệu chứng hụt hơi, khó thở, tức ngực, rùng mình, ớn lạnh, ho, đau họng và sốt cao. Khí độc từ PTFE cũng tiềm ẩn nguy cơ gây ung thư cho động vật, có thể tác động tới các loài vật nhỏ và trẻ em nhanh hơn ở người lớn.

Trên thực tế, Teflon là vật liệu thông dụng, khá rẻ tiền nhưng không bền. Nó bị mòn đi theo thời gian và rất dễ trầy xước. Khi đó, các hợp chất chống dính này sẽ dễ dàng bị phân hủy, trộn lẫn vào thức ăn và gây tác động trực tiếp lên sức khỏe con người. Điều này còn trở nên nguy hiểm hơn khi người tiêu dùng mua phải loại chảo chống dính không thương hiệu, không có giấy kiểm định an toàn.

Bên cạnh đó, để tiết kiệm chi phí, nhiều hãng sản xuất còn sử dụng chất chống dính bằng silicon có màu đen bóng và rất mỏng. Loại chất này có độ bền rất thấp nên chỉ sau một thời gian rất ngắn hay chỉ cần vài lần cọ sát, chúng sẽ từ từ bong ra và dính vào thức ăn. Đến khi teen nhận ra chảo, nồi mất khả năng chống dính thì cơ thể các ấy đã phải tiếp nhận một lượng lớn chất độc hại này rồi. Đặc biệt, nhiều nhà sản xuất còn làm loại chảo, nồi chống dính giả. Thay vì sử dụng hợp chất, họ thường làm chảo bằng các loại sơn kém chất lượng nên chỉ cần tiếp xúc với nhiệt độ cao, sơn nóng chảy sẽ đi thẳng vào thực phẩm và tạo ra hợp chất cực độc đối với cơ thể.

Hiện nay, ở các nước châu Âu và Mỹ, người tiêu dùng có xu hướng lựa chọn các sản phẩm thay thế, đặc biệt là chảo chống dính Ceramic. Tại Việt Nam, một số sản phẩm chảo Ceramic nhập khẩu cũng đã xuất hiện. Tuy nhiên do rào cản giá rất cao nên mặt hàng chưa phù hợp với đại bộ phận các gia đình.

Để sử dụng an toàn các sản phẩm chống dính, cần lưu ý: không nên nấu nướng ở nhiệt độ quá cao, không dùng các vỉ nướng trực tiếp trên bếp để nướng thực phẩm; không đốt nóng nồi, xoong... không trên bếp mà luôn phải có thực phẩm hoặc dầu ăn đựng trong đó; các sản phẩm không dính khi đã tróc xước thì không nên dùng để nấu nướng nữa

Nếu bạn sử dụng chảo chống dính chất lượng tốt, thì khi lớp chống dính chỉ bị trầy xước nhẹ, bạn vẫn có thể sử dụng tiếp nhưng cần cẩn thận hơn trong khi dùng, vệ sinh và bảo quản, đảm bảo chảo không bị trầy thêm, kéo dài tuổi thọ sử dụng¬¬¬. Chảo cần thay mới khi lòng chảo bị trầy xước hoặc sát dính thức ăn, thường là 1-2 năm sử dụng, hoặc 3 năm nếu lớp chống dính vẫn được bảo toàn.

Trường hợp lớp chống dính đã hư hại nặng, để lộ lớp keo, tệ hơn là chiên xào bị dính cháy thì nên bỏ ngay và nên thay mới. Chảo chống dính khi bị hư hại lớp chống dính sẽ kém an toàn cho sức khỏe người dùng. Vậy nên nếu chiếc chảo chống dính nhà bạn cũng đang gặp tình trạng tương tự, hãy kiểm tra và có quyết định loại bỏ, thay mới nếu cần nhé!

Hồng Anh
Theo Báo Đời sống & Tiêu dùng

Từ khóa: