Sự kiện hot
7 năm trước

Tại Việt Nam còn bao nhiêu cá thể voi hoang dã?

Trong những năm qua việc bảo tồn quần thể voi rừng tại Việt Nam đang được chú trọng, số lượng voi rừng tại Tây Nguyên chiếm 70% số lượng voi rừng trên cả nước và đang có dấu hiệu phục hồi.

Nhân kỷ niệm Ngày của Loài Voi Thế giới, chiều (11/8), Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội sẽ tổ chức một cuộc thảo luận về loài voi tại Việt Nam và những nỗ lực bảo tồn nhằm làm giảm nhu cầu tiêu thụ ngà voi bất hợp pháp cũng như các sản phẩm khác từ động, thực vật hoang dã.

Cuộc thảo luận sẽ có sự tham gia của Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam - Ngài Ted Osius, đại diện Quỹ quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF), TRAFFIC và Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên Việt Nam (ENV).

Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam - Ngài Ted Osius phát biểu tại cuộc thảo luận cuộc về loài voi tại Việt Nam. (Ảnh Chí Hiếu)

Trong cuộc thảo luận Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam - Ngài Ted Osius phát biểu: "Voi là loài động vật biểu trưng cho sự đa dạng sinh học và văn hoá độc đáo của Đông Nam Á. Ở Việt Nam, voi đóng một vai trò đặc biệt trong hành trình lịch sử từ triều đình nhà Nguyễn, đến những nỗ lực bảo tồn tại Vườn Quốc gia Yok Don ngày nay.

Thật không may, trong cuộc sống của chúng ta voi đang gặp nguy cơ tuyệt chủng do mất môi trường sống, bị bắt và săn bắt trái phép lấy ngà và da".

Trích thông tin từ Quỹ Bảo vệ Động vật Hoang dã Thế giới, ngài Ted Osius nhận định: "Chỉ có 7.000 đến 10.000 con voi châu Á tồn tại trong tự nhiên. Chúng ta có thể đảm bảo rằng loài voi tiếp tục là một điều độc đáo của Việt Nam và di sản thiên nhiên ở Đông Nam Á. Cùng nhau, chúng ta có thể ngăn chặn tội phạm buôn bán động vật hoang dã và bảo vệ loài voi, cũng như tất cả các loài sinh vật quý hiếm khác ở Việt Nam".

"Nhiệm vụ này không hề dễ dàng. Không một quốc gia hay một cá nhân nào có thể một tay ngăn chặn được tình trạng buôn bán động vật hoang dã. Hãy lên tiếng và tham gia các hoạt động bảo vệ loài động vật này", ngài đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam gửi lời kêu gọi trong buổi thảo luận nhân dịp Ngày của Loài Voi Thế giới.

Buổi trao đổi có sự tham gia của các chuyên gia thuộc tổ chức quốc tế như ENV, WWF... (Ảnh Chí Hiếu)

Cũng xoay quanh vấn đề về bảo tồn và phát triển loại voi, bà Nguyễn Đào Ngọc Vân - Quản lý dự án bảo tồn voi vườn Quốc gia Yok Don của WWF (Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới) đã chia sẻ về thực trạng buôn bán trái phép sản phẩm về voi tại Việt Nam: "Việc đã có những luật định được ban hành đã rõ ràng, thế nhưng việc thực hiện các quy định về bảo tồn voi vẫn còn nhiều điều đáng bàn. Chính vì vậy thị trường ngà voi và sừng tê giác vẫn diễn ra.

Việc không ngăn chặn được nạn buôn bán các sản phẩm từ động vật hoang dã, không ngăn chặn được sẽ dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng như tê giác Java tại Việt Nam, những loài có nguy cơ tuyệt chủng sau đó là hổ và voi...".

Bà Nguyễn Đào Ngọc Vân - Quản lý dự án bảo tồn voi vườn Quốc gia Yok Don của WWF. (Ảnh Chí Hiếu)

Trên thế giới việc bảo tồn động vật hoang dã đã trở thành "trào lưu" nhiều quốc gia, sau khi họ phải trả giá khi phá rừng làm mất đi sinh cảnh của loại động vật hoang dã. Riêng bảo tồn voi ở Ấn Độ và Thái Lan các nhà chức trách đã chuyển những nơi có voi hoang dã thành nơi du lịch sinh thải mang lại hiệu ứng tốt, đồng thời người dân địa phương có sinh kế riêng là du lịch sinh thái.

Cùng với những mô hình "kiểu mẫu" đã có những thành công trong công tác bảo tồn động vật hoang dã, WWF còn có những chiến dịch nâng cao ý thức bảo vệ động vật hoang dã nói chung và loài voi nói riêng: "Chúng tôi có những chiến dịch nâng cao nhận thức cho người dân, quần chúng bằng các chương trình cụ thể.

WWF nhận thấy trong việc giảm cầu về sản phẩm động vật hoang dã phải nhắm tới một nhóm đối tượng là doanh nhân, WWF còn có những buổi thảo luận ở những đại sứ quán, gần hơn nữa chúng tôi đã tổ chức những buổi văn nghệ ngay tại Yok Don để cho người dân ở đó có thể thấy họ tự hào khi nơi đây còn voi, còn rừng", Vị Quản lý dự án bảo tồn voi vườn Quốc gia Yok Don của WWF tại Việt Nam chia sẻ thêm.

Đánh giá về mức độ phục hồi đàn voi rừng đã một thời gian dài đương đầu với nguy cơ tuyệt chủng, bà Nguyễn Đào Ngọc Vân - Quản lý dự án bảo tồn voi vườn Quốc gia Yok Don của WWF đánh giá: "Chúng tôi ghi nhận được việc voi hoang dã đang sinh sản tốt ở vườn quốc gia Yok Don, bởi chúng đang sống theo cấu trúc đàn (có voi bố, voi mẹ, voi con và voi đang trong độ tuổi sinh sản).

Thời điểm hiện tại voi hoang dã ở Việt Nam có khoảng hơn 100 cá thể, tập trung đông nhất ở vườn quốc gia Yok Don với khoảng 70 cá thể".

Chí Hiếu
Theo ĐSPL, Vietnammoi

Từ khóa: