Sự kiện hot
7 năm trước

Thác Háng Tề Chơ - chốn 'bồng lai tiên cảnh' thách thức các phượt thủ

Háng Tề Chơ (huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái) là ngọn thác kì vĩ nhất, đẹp nhất, hoang sơ nhất. Nó là một hành trình chinh phục đầy gian khổ, một thử thách chông gai với những người ước muốn được một lần tắm dưới dòng nước "thiêng" của núi rừng Tây Bắc.

Háng Tề Chơ là tên của thác cũng là tên của  bản làng người Mông thuộc xã Làng Nhì, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái, nơi đây quanh năm mây mù bao phủ.

Nằm ở độ cao khoảng 1800 m so với mực nước biển, ngọn thác Háng Tề Chơ (còn có tên gọi Háng Đề Chơ) được đánh giá là ngọn thác hùng vĩ nhất và hung hiểm nhất Tây Bắc.

 Lịch trình xuất phát từ Hà Nam-Hòa Bình- Hà Nội - Sơn Tây – cầu Trung Hà – Thanh Sơn – Thu Cúc – Văn Chấn - Phình Hồ - Làng Nhì-Bản Đề Chơ . 

Chặng đầu: Những con đường quanh co và cao vút từ trung tâm huyện Văn Chấn lên xã Phình Hồ dài gần 10km,  nhiều khúc cua quanh co nhưng đều đã được trải bê tông nên chúng tôi vượt qua khá dễ dàng. Quang cảnh trên đường đi rất thơ mộng, những đồi chè xanh bát ngát, lên cao dần là những đồi thông, đồi trúc nối tiếp nhau ,đằng xa xa mây trắng bao phủ những ngọn núi. Từ trên cao nhìn xuống sẽ bao quát hết được trung tâm của Văn Chấn với những ngôi nhà bé xíu ẩn hiện giữa những đồi cây.

Chặng hai:  Từ xã Phình Hồ đến xã Làng Nhì là nơi bắt đầu của những thử thách. Chặng này dài khoảng 9km nhưng chúng tôi đi mất gần một tiếng để vượt qua những dốc thăm thẳm đầy đá dăm, đá tảng, ổ gà, ổ voi. Tuy nhiên, đường vẫn khá to nên đoàn xe vượt qua không mấy khó khăn. Càng lên cao, chúng tôi càng choáng ngợp bởi cảnh đẹp hoang sơ của núi rừng hiện ra ngày một rõ nét, các nóc nhà của người Mông thưa dần, ruộng bậc thang nối tiếp nhau xanh mướt như dẫn lên đến tận trời cao.

Chặng 3: Chúng tôi đánh vật với con đường tử thần từ Làng Nhì vào bản Đề Chơ. Con đường dốc thẳng đứng, trơn, ướt nhoét  do mới mưa xog. Đường lên bản toàn là đường đất bám sát vào vách núi, hẹp chừng mấy gang tay men theo sườn núi với lổn nhổn sỏi đá và những con suối nhỏ chảy ngang qua đường, những cây cầu được làm từ các tấm gỗ mục ghép vào với nhau bắc ngang qua suối, nếu tay lái không vững,tinh thần không tỉnh táo và không đủ dũng cảm thì khó mà qua được.

Chặng cuối: Chúng tôi đi bộ men theo triền núi từ bản Đề Chơ vào đến thác. Thác tuy đã hiện ra trước mắt nhưng phải đi khoảng hơn một tiếng mới vào đến nơi. Men theo những nương ngô, vách núi, lội qua những con suối hiểm trở, đi qua những cây cầu được làm bằng hai cây gỗ nhỏ xíu nằm chênh vênh bên những tảng đá lớn, đu theo những rễ cây để xuống thác. Quả thực đoạn đường này không chỉ đi bằng hai chân mà phải dùng đến cả tay và sự tập trung cao độ mới có thể đi qua được. 

Khi đến được chân thác cảm xúc như vỡ òa, sung sướng và hạnh phúc. Nhìn lên, thác cao tầm hơn 50m nước được dội từ trên cao xuống bọt nước li ti bay theo gió mát lạnh.

Chẳng ai nói với ai, tất cả nhìn nhau, bỏ hết đồ đạc trên tay đang cầm và cùng chạy xuống thác để thưởng thức cái điều mong ước, khát khao bấy lâu nay. Mọi mệt mỏi, căng thẳng ở các đoạn đường trước dường như đều tan biến hết, niềm vui, hạnh phúc, những tiếng cười sảng khoái được thiên nhiên ghi nhận và đáp lại bằng những tiếng vọng về. 


Chu Hằng

Ảnh: Phan Định

Từ khóa: