Sự kiện hot
7 năm trước

Thấy sốt, háo nước, đau người, chớ dại làm những điều này

Theo các chuyên gia y tế dự phòng, khi thời tiết vào giữa mùa hè, nắng nóng kết hợp với mưa lớn trên diện rộng, là điều kiện lý tưởng để phát triển nhiều bệnh dịch như: Cúm, sốt xuất huyết, viêm não, ho gà… Cần lưu ý những khuyến cáo của bác sĩ để không rước nguy hiểm.


Chăm sóc bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa Đống Đa (Hà Nội). Ảnh: T.Nguyên

Cả nhà mắc cúm

Cách đây hơn 1 tuần, chị Hoài Anh (ở khu đô thị Văn Phú, Hà Đông, Hà Nội) thấy đau họng, sau đó đêm về chị bắt đầu sốt trên 38 độ C, đầu đau khiến chị mất ngủ. Ngày hôm sau, chị thấy họng đau rát không nuốt được thức ăn hay nước uống, toàn thân đau nhức như bị đánh đòn, ê ẩm khó nhấc người, cảm giác kiệt sức. Liên tiếp trong 2 ngày sau, chị bị sốt 39,5 độ C kèm rét từng cơn, kèm cảm giác biếng ăn.

Đi khám ở viện, chị Hoài Anh được chẩn đoán bị viêm họng cấp, cảm cúm, và nhận đơn thuốc có kháng sinh về uống, kèm thêm bù nước, bù điện giải. Khoảng 2 ngày sau đó thì cơn sốt lui dần. Nhưng ngay khi chị đỡ bệnh, mẹ và chồng chị đều “nối nhau” lây bệnh với những triệu chứng tương đồng. Thậm chí, “ổ cúm” nhà chị còn lây sang cả hàng xóm, phải nhập viện điều trị truyền dịch.

Theo ThS.BS Nguyễn Như Vinh - Trung tâm Chăm sóc hô hấp (Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM), cúm là bệnh viêm đường hô hấp cấp tính do nhiều loại virus cúm gây ra và có khả năng lây nhiễm cao. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và thường xảy ra theo mùa. Cúm thường lây nhiễm từ người sang người qua đường hô hấp khi người bệnh hít phải virus có trong các luồng khí từ đường hô hấp của người bị cúm khi người đó ho hay hắt hơi. Bệnh cũng có thể lây truyền qua tiếp xúc với mầm bệnh như tay dính virus qua bắt tay, sử dụng chung điện thoại, điều khiển tivi… rồi đưa lên mắt, mũi hay miệng của mình.

Theo BS Như Vinh, khi mắc cúm, triệu chứng có thể rất khác nhau giữa người này và người khác, nhưng thường bao gồm các biểu hiện như: Sốt (nhiệt độ thường cao hơn 38 độ C); nhức đầu và đau cơ; mệt mỏi, biếng ăn; ho và đau họng cũng có thể gặp…

“Người bị cúm thường sốt 2-5 ngày. Điều này khác với các bệnh do virus khác của đường hô hấp thường hết sốt sau 24 - 48 giờ. Nhiều người bị cúm có sốt và đau cơ và một số người khác có triệu chứng cảm lạnh như chảy mũi và đau họng. Các triệu chứng cúm thường cải thiện sau 2-5 ngày mặc dù bệnh có thể kéo dài một tuần hoặc hơn. Các triệu chứng mệt mỏi hay yếu cơ có thể kéo dài hàng tuần”, BS Như Vinh cho biết.

Cũng theo BS Như Vinh, cúm có thể gây ra các biến chứng như viêm phổi, viêm xoang và viêm tai. Trong đó, viêm phổi hay gặp nhất ở trẻ em, người già trên 65 tuổi, người mắc bệnh mãn tính như đái tháo đường, bệnh ảnh hưởng đến tim và phổi,người có hệ miễn dịch suy giảm.

Các bác sĩ lưu ý, bệnh cúm đã có vaccine phòng ngừa, trong đó, mọi người từ 6 tháng tuổi trở lên đều cần tiêm. Về việc điều trị triệu chứng cúm có thể giúp bệnh nhân cảm thấy khỏe hơn nhưng không thể giúp bệnh cúm hết nhanh hơn. Bệnh nhân cần được nghỉ ngơi cho đến khi bình phục hoàn toàn; nhất là khi bệnh nặng. Đặc biệt, cần uống đủ nước để không bị mất nước.

Tuyệt đối không tự ý dùng Aspirin, truyền dịch ở nhà

Các bác sĩ cho biết, khi bị cúm, dùng Acetaminophen (còn gọi là Paracetamol) có thể hạ sốt, giảm nhức đầu và đau cơ. Thuốc Aspirin cũng có thể giảm đau và hạ sốt nhưng không được khuyên dùng phổ biến vì nhiều tác dụng phụ.

Cũng liên quan đến thuốc Aspirin, các bác sĩ cho biết, đây là loại thuốc không ít người mắc sốt xuất huyết đã tự ý dùng để điều trị tại nhà. Nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết đã nhầm tưởng là mình bị cảm cúm nên đã tự ý dùng thuốc Aspirin, mà không biết rằng đây là cách tự hại mình nhanh nhất. Khi bị sốt xuất huyết, người bệnh có hiện tượng chảy máu. Trong khi đó, Aspirin lại có tác dụng ngăn sự tập kết tiểu cầu, chống đông máu. Theo các bác sĩ, đây là điều tối kỵ và người bệnh cần sử dụng loại thuốc hạ sốt an toàn hơn. Ngoài ra, thuốc phối hợp chữa cảm cúm, giảm đau có chứa kháng viêm không steroid như là Ibuprofen cũng không có lợi trong điều trị sốt xuất huyết.

Một sai lầm khác là nhiều người khi thấy mệt mỏi, chán ăn, sốt hao nước đã “gọi” người đến truyền dịch, bù nước. BS Nguyễn Hồng Hà (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) phân tích, bệnh sốt xuất huyết thường kéo dài 7 - 10 ngày và chia làm ba giai đoạn. Giai đoạn đầu, khi bệnh nhân đang sốt cao, người mệt mỏi, nếu truyền dịch sẽ rất dễ bị sốc, lên cơn co giật. Giai đoạn hai, bệnh nhân sẽ xuất hiện nhiều triệu chứng nguy hiểm như tụt huyết áp, đau bụng, chảy máu bất thường, tràn dịch màng phổi… Đây là giai đoạn tăng thấm, rất dễ bị thoát dịch qua màng bụng nên phải truyền dịch với tốc độ nhanh hơn tốc độ thấm ra ngoài của cơ thể, nhưng phải theo chỉ định và được bác sĩ theo dõi chặt chẽ. Giai đoạn cuối là phục hồi, sẽ diễn ra quá trình tái hấp thu dịch. Việc truyền dịch trong giai đoạn này sẽ dẫn tới thừa dịch, gây biến chứng phù phổi.

Các bác sĩ khuyến cáo, tuyệt đối không được tự ý truyền dịch tại nhà. Chỉ truyền dịch theo chỉ định của bác sĩ đối với các trường hợp nôn, không thể ăn uống. Cần báo ngay cho bác sĩ để cấp cứu khi thấy xuất hiện các dấu hiệu của tiền sốc do truyền dịch như da nổi vân tím, đầu, chân tay lạnh khi nhiệt độ cơ thể vẫn cao, tụt huyết áp, người bệnh rơi vào trạng thái lơ mơ, sốt li bì hoặc vật vã, kích thích.

Tuyệt đối không được truyền dung dịch đạm, pha vitamin cho bệnh nhân sốt xuất huyết vì rất dễ dẫn tới sốc. Tốt nhất chỉ truyền dung dịch nước muối sinh lý. Giải pháp bù nước cho bệnh nhân sốt xuất huyết hiệu quả và an toàn nhất là tăng cường chế độ dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả, uống nhiều nước và nghỉ ngơi hợp lý.

ThS.BS Nguyễn Như Vinh - Trung tâm Chăm sóc hô hấp (Bệnh viện ĐH Y Dược TPHCM) cho biết: Điều đáng lưu ý là hầu hết bệnh nhân bị cúm tự hết sau 1-2 tuần mà không cần điều trị, tuy nhiên, các biến chứng nghiêm trọng vẫn có thể xảy ra. Khi thấy khó thở, thấy đau hay đè ép lồng ngực hoặc dạ dày, có dấu hiệu mất nước như chóng mặt khi đứng hay không đi tiểu, thấy lơ mơ, nôn liên tục hay không thể uống đủ nước… thì phải đi khám ở cơ sở y tế ngay. Còn ở trẻ em, cha mẹ cũng cần đưa con đi khám ngay nếu thấy con có một trong các triệu chứng trên hoặc nếu thấy trẻ có biểu hiện da xanh tái, rất bức rứt, khóc không có nước mắt (ở trẻ sơ sinh), sốt kèm nổi ban, đánh thức không dễ dàng.

Thu Nguyên
Theo GĐ&XH

Từ khóa: