Sự kiện hot
6 năm trước

Thí điểm 'taxi công nghệ': Không quy định rõ cơ chế xử lý vi phạm?

Theo Sở GTVT Hà Nội, Quyết định 24 của Bộ GTVT về thí điểm "taxi công nghệ" không quy định rõ cơ chế xử lý vi phạm.

Theo Sở GTVT Hà Nội, Quyết định 24 của Bộ GTVT về thí điểm "taxi công nghệ" không quy định rõ cơ chế xử lý vi phạm. Ảnh minh họa

Không quy định rõ cơ chế xử lý vi phạm?

Liên quan đến "cuộc chiến taxi công nghệ - truyền thống", mới đây, Sở GTVT Hà Nội đã có thông tin về một số khó khăn khi thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng trên địa bàn TP.

Cụ thể, theo Sở này, từ khi mô hình ứng dụng công nghệ hợp đồng vận chuyển của Grab, Uber được Bộ GTVT cho phép tham gia thí điểm thí số lượng xe kinh doanh vận tải dưới 9 chỗ tại Hà Nội đã "gia tăng nhanh chóng, vượt quá yêu cầu mà TP mong muốn".

"Điều này cũng gây ảnh hưởng đến đề án phát triển vận tải hành khách công cộng của TP, đặc biệt là việc quản lý hạn chế xe taxi và phương tiện giao thông cá nhân", Sở GTVT Hà Nội cho biết.

Đáng chú ý là việc thí điểm cũng gặp khó khăn khác như các đơn vị vận tải taxi có nhiều kiến nghị, một số xe taxi dán logo phản đối; phương tiện tham gia thí điểm không dán phú hiệu, gây khó khăn khi xử lý vi phạm.

"Nội dung Quyết định 24 của Bộ GTVT quy định không rõ cơ chế xử lý vi phạm đối với các đơn vị vi phạm và không quy định số lượng phương tiện đưa vào hoạt động thí điểm đã gây khó khăn cho công tác quản lý hoạt động", Sở GTVT thông tin.

Đề nghị biện pháp xử lý "taxi công nghệ" vi phạm

Theo Sở GTVT Hà Nội, các phương tiện tham gia thí điểm hoạt động tương tự xe taxi, do đó đề nghị Bộ GTVT ban hành quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải đối với loại hình vận tải này tương tự điều kiện kinh doanh vận tải khách bằng taxi để tạo sự bình đẳng giữa các loại hình vận tải.

Sở này cũng đề nghị bổ sung quy định về nghĩa vụ của người cung cấp dịch vụ trực tuyến như công khai giá cước vận chuyển, chế độ bồi hoàn...

Bổ sung các quy định về kết nối tự động phần mềm tính cước với việc in hóa đơn điện tử; hệ thống dữ liệu về hóa đơn tính tiền được lưu trư, cung cấp khi có yêu cầu; định kỳ gửi báo cáo số lượng xe cho cơ quan thuế và Sở GTVT địa phương.

"Tạm dừng hoặc dừng vĩnh viễn việc cung cấp ứng dụng phần mềm hỗ trợ hoạt động vận tải đối với lái xe vi phạm quy định hiện hành.

Thanh lý hợp đồng cung cấp ứng dụng phần mềm hỗ trợ hoạt động vận tải đối với đơn vị vận tải tham gia thí điểm vi phạm quy định tại Quyết định 24/QĐ-BGTVT hoặc các quy định khác của pháp luật có liên quan", Sở GTVT Hà Nội đề nghị thêm.

Hiện tại, Hà Nội có 7 đơn vị được Bộ GTVT phê duyệt Đề án hoạt động thí điểm theo Quyết định 24/QĐ- BGTVT trên địa bàn TP.

Tính đến hết tháng 9/2017, số lượng xe tham gia thí điểm trên địa bàn Hà Nội là: 14.495 xe thuộc 242 đơn vị vận tải. Trong đó, Công ty TNHH Uber Việt Nam: 2.282 xe (khoảng 15,74%), Công ty TNHH Grabtaxi: 11.116 xe (khoảng 76,69%).

Hiện nay, xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi trên địa bàn là 21.800 xe, xe taxi là 19.265 xe. Từ đầu năm 2017 đến nay, lực lượng Thanh tra Sở GTVT đã phát hiện, xử lý 41 trường hợp xe tham gia thí điềm vi phạm các quy định trong quản lý vận tải.

Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho biết mới đây Bộ GTVT có trả lời đơn vị này về kiến nghị dừng thí điểm "taxi công nghệ". "Tuy nhiên, Bộ GTVT vẫn trả lời chung chung, không làm rõ kiến nghị của Hiệp hội", ông Bình nói.

Di Linh
Theo ĐSPL, Vietnammoi

Từ khóa: