Sự kiện hot
7 năm trước

Thị trường thế giới ngày 9/8: Giá vàng chạm đáy 2 tuần sau khi USD lên đỉnh hơn 1 tuần

Giá vàng giảm trong phiên giao dịch ngày hôm qua vì đồng USD phục hồi. Trong khi đó, giá dầu ghi nhận ngày giảm thứ hai liên tiếp vì sản lượng tại các nước xuất khẩu dầu lớn gia tăng.

Bảng cập nhật tình hình thị trường thế giới (giá dầu, vàng, USD và chứng khoán Mỹ). Tổng hợp: Tố Tố.

Trên thị trường vàng, giá chạm đáy 2 tuần trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (8/8), vì đồng USD lên cao nhất hơn 1 tuần trên thị trường tiền tệ, sau khi số liệu mới công bố cho thấy nhu cầu tuyển dụng của Mỹ tăng cao kỷ lục trong tháng 6.

Chỉ số USD, đo sức mạnh của đồng USD thông qua diễn biến tỷ giá giữa đồng bạc xanh và 6 đồng tiền chủ chốt khác, tăng 0,21% lên 93,632 điểm. Trong phiên giao dịch, có lúc chỉ số USD lên đến 93,876 điểm.

Báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ công bố hôm thứ Ba cho biết, số việc làm được đăng tuyển, thước đo nhu cầu lao động, tăng 461.000 lên 6,2 triệu công việc, mức cao nhất kể từ tháng 12/2000.

Theo bà Minh Trang, nhà giao dịch tiền tệ cấp cao của ngân hàng Silicon Valley ở Santa Clara, California nhận định số liệu này đã củng báo cáo bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ công bố vào thứ Sáu (4/8) tuần trước.

Đồng bạc xanh bắt đầu suy yếu kể từ đầu năm đã nhận được sự hỗ trợ trong phiên giao dịch thứ Sáu tuần trước, nhờ báo cáo bảng lương phi nông nghiệp trong tháng 7 của Mỹ giúp tăng kỳ vọng vào khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ.

Đồng euro giảm 0,39% xuống 1,1747 USD, những vẫn gần đỉnh 2,5 năm lập được vào tuần trước ở 1,1909 USD.

Trong khi đó, USD giảm 0,35% so với yen Nhật ở 110,34 yen. Nguyên nhân là vì Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Ba đã cảnh báo Triều Tiên sẽ phải trả giá đắt nếu dám đe dọa Mỹ. Trước đó, Bình Nhưỡng nói, đã sẵn sàng cho Mỹ một bài học nếu quân đội Mỹ có bất cứ hành động quân sự nào đối với quốc gia này.

Bên cạnh đó, đồng bảng Anh xuống đáy 10 tháng so với euro, trong bối cảnh các nhà đầu tư gia tăng lo ngại về triển vọng kinh tế của Anh sau khi chi tiêu tiêu dùng giảm tháng thứ 3 liên tiếp trong tháng 7.

Trên thị trường dầu, giá dầu thô giao tương lai tiếp tục giảm, vì sản lượng tăng lên ở các nước xuất khẩu dầu lớn đã cân bằng báo cáo cho biết Arab Saudi đang lên kế hoạch giảm xuất khẩu sang châu Á trong tháng tới.

Theo một số nguồn tin, Arab Saudi, nhà xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, được dự báo sẽ giảm tới 10% lượng dầu xuất sang châu Á trong tháng 9, để hạn chế nguồn cung dư thừa toàn cầu.

Giá dầu đảo chiều tăng, vì lo ngại về cuộc họp diễn ra trong 2 ngày của OPEC và các thành viên ngoài OPEC, liên quan đến sự tuân thủ cam kết giảm sản lượng.

Trong tháng 5, OPEC và các thành viên ngoài OPEC đồng thuận kéo dài thời gian giảm sản xuất thêm 9 tháng, sang tháng 3/2018 nhưng duy trì mức cắt sản lượng là 1,8 triệu thùng/ngày như thỏa thuận đạt được vào tháng 11/2016.

Bên cạnh đó, đầu tuần, công ty Dầu khí Quốc gia Libya cho biết, sản lượng ở mỏ dầu Sharara đã trở lại bình thường sau sự gián đoạn ngắn bởi một nhóm biểu tình có vũ trang ở thành phố ven biển Zawiya.

Đây là ngày thứ hai giá dầu đi xuống trước khi báo cáo dự trữ dầu tồn kho Mỹ từ Viện Dầu khí Mỹ được công bố vào chiều muộn ngày thứ Ba, và một báo cáo khác từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) dự kiến được đưa ra vào ngày thứ Tư.

Các chuyên gia phân tích dự báo dự trữ dầu thô tồn kho Mỹ giảm 2,7 triệu thùng trong tuần tính đến hết ngày 4/8, ghi nhận tuần giảm thứ 6 liên tiếp.

Thị trường chứng khoán Mỹ kết thúc phiên giao dịch ngày hôm qua với các chỉ đồng loạt giảm điểm, vì cổ phiếu ngành vật liệu cơ bản, viễn thông và chăm sóc sức khỏe mất điểm. Bên cạnh đó, phát biểu cứng rắn của Tổng thống Trump đối với vấn đề Triều Tiên cũng ảnh hưởng tiêu cực tới cảm nhận của thị trường.

Cụ thể, chỉ số S&P 500 tăng 0,24% xuống 2.474,92 điểm.

Dow Jones dứt chuỗi tăng kéo dài, giảm 0,15%, nhưng vẫn kết thúc phiên với mức kỷ lục mới ở 22.085,34 điểm; chỉ số Nasdaq giảm 0,21% lên 6.370,46 điểm.

Tố Tố

Theo Kinh tế & Tiêu dùng

Từ khóa: