Sự kiện hot
6 năm trước

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao nhiệm vụ cho tân Tổng Thanh tra Chính phủ

Chiều 1/11, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã làm việc với Thanh tra Chính phủ. Cuộc làm việc này đánh dấu sự ra mắt của tân Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái với cán bộ chủ chốt của ngành.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo chủ chốt Thanh tra Chính phủ. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

Tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận những thành tích ngành Thanh tra đạt được trong 72 năm xây dựng và trưởng thành; đồng thời nhấn mạnh cơ quan thanh tra là nơi nhân dân đặt niềm tin, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, xây dựng bộ máy liêm chính.

Nêu một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục, Thủ tướng đề nghị trong thời gian tới, ngành Thanh tra tập trung đánh giá, tổng kết, tham mưu cho Đảng, Nhà nước, nhất là cấp ủy chính quyền cơ sở về nguyên nhân, gốc rễ của tình trạng khiếu kiện hiện nay, từ đó, yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương phải có biện pháp cụ thể, phù hợp, kịp thời để chấn chỉnh công tác giải quyết khiếu nại tố cáo. Thanh tra các cấp cần chủ động hơn trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, làm tận gốc từ cơ sở một cách thấu tình đạt lý để thuyết phục người dân. Cán bộ, công chức ngành thanh tra phải đặt mình vào vị trí của người dân, giải quyết đến tận cùng vụ việc.

Về công tác thanh tra, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần minh bạch, khách quan, vô tư, thực hiện đúng quy chế làm việc của ngành; có cơ chế kiểm tra, giám sát hiệu quả hoạt động của các đoàn thanh tra. Kết luận thanh tra phải sát, đúng, chặt chẽ, đảm bảo về thời hạn, nhằm không gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Qua thanh tra đề xuất, kiến nghị xử lý nghiêm túc, ngoài xử lý về tiền, tài sản, cần theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc xem xét trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan việc sửa đổi cơ chế, chính sách.

Đề cập đến công tác phòng chống tham nhũng, Thủ tướng đề nghị ngành Thanh tra tăng cường tham mưu chủ trương, chính sách qua thanh tra. Ngành tiếp tục tập trung vào một số lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng như xây dựng cơ bản, đất đai, công tác cán bộ…

Lưu ý công tác xây dựng ngành là vấn đề lớn, Thủ tướng đề nghị phải tăng cường quản lý, sử dụng cán bộ công khai, minh bạch, đánh giá đúng cán bộ. Bản thân từng đơn vị, từng cán bộ phải thực hiện nghiêm túc công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ ngành thanh tra, xây dựng môi trường làm việc lành mạnh, đoàn kết. Chỉ còn hai tháng nữa kết thúc năm 2017, Thủ tướng chỉ đạo ngành tập trung xử lý dứt điểm những vụ việc theo kế hoạch thanh tra năm nay đã giao để hoàn thành nhiệm vụ đặt ra.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, tân Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái khẳng định, ngành Thanh tra ý thức được rằng cần nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn tình hình đất nước hiện nay để quyết tâm cao hơn, tiếp tục phát huy ưu điểm, kết quả đạt được, khắc phục tồn tại, hạn chế. 

Theo đó, ngành sẽ quan tâm đẩy mạnh công tác xây dựng thể chế, đề cao kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm công vụ, phát huy hơn nữa vai trò của thanh tra; không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo, phòng chống tham nhũng. Hoạt động thanh tra phải thực sự đáp ứng yêu cầu đổi mới và nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước; là một trong những công cụ hữu hiệu phát hiện, xử lý tiêu cực, tham nhũng; bảo vệ lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân; góp phần tích cực hơn nữa vào xây dựng Chính phủ kiến tạo, phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân.

Theo Đời sống & Pháp luật

Từ khóa: