Sự kiện hot
8 năm trước

Thực phẩm bẩn - vấn đề gây nhức nhối trong cuộc sống hiện đại

ĐS&TD - Ngày nay, đất nước ta đang trong thời kì công nghiệp hóa- hiện đại hóa phát triển, bên cạnh những đóng góp tích cực mà cơ chế thị trường mang lại cho sự phát triển đời sống kinh tế- xã hội thì còn có những tiêu cực ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân. Một trong số những hậu quả đang ngày ngày tấn công, trực tiếp ăn mòn gây ảnh hưởng nặng nề đến đời sống của người dân hiện nay chính là vấn đề thực phẩm bẩn ngày càng xuất hiện tràn lan trên thị trường tiêu dùng.

Thực trạng tình hình thực phẩm bẩn hiện nay

Có thể nói chưa bao giờ người tiêu dùng trở nên hoang mang đối với vấn đề an toàn thực phẩm như bây giờ. Tình trạng ô nhiễm môi trường đang ngày càng trầm trọng và tạo nên vòng nhân – quả đối với các loại thực phẩm.

Tại các chợ, hàng quán… có đầy rẫy loại thực phẩm “tươi sống” không hề tươi sống, mà được ủ bằng các loại hóa chất tạo màu bắt mắt. Đáng buồn thay, những thương lái vì ham lợi mà đem sức khỏe khách hàng của mình để đổi những loại hóa chất độc hại có xuất xứ từ Trung Quốc.

Phát biểu tại buổi Diễn đàn "Đón sóng thực phẩm sạch" diễn ra sáng 23/8/2016, TS, thầy thuốc ưu tú Hoàng Đình Chân - Giám đốc Bệnh viện ung bướu Hưng Việt cho biết, đối với ngành thực phẩm, chúng ta thấy có 40/120 mẫu rau chứa tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép; 455/ 735 mẫu thịt gia sức, gia cầm không an toàn cho người sử dụng.

TS Chân cũng dẫn báo cáo của Cục Bảo vệ Thực vật, hơn 2.000/11.000 cơ sở sản xuất và buôn bán thuốc kém chất lượng; hơn 2.500/11.000 cơ sở sản xuất và buôn bán vi phạm quy trình chuẩn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.


Bì lợn ngâm hóa chất tẩy trắng và làm nở

"Phải nói rằng đây là con số hết sức báo động nếu chúng ta không quan tâm tới thực phẩm sạch. Dưới góc độ người làm y tế, có 1 câu nói rất nổi tiếng là: “Cái chết đang rình rập trên từng mâm cơm gia đình, thậm chí ngay trong từng bữa ăn của trẻ nhỏ”, ông nói.

TS Chân cho biết: "Việc tham gia vào quản lý, sử dụng các sản phẩm sạch sẽ rất quan trọng vì điều đó quyết định tới sức khoẻ, nòi giống, tương lai của chúng ta. Bởi chỉ chưa tới 30% mắc ung thư là do kém may mắn còn lại là tỷ lệ người mắc ung thư do sử dụng thực phẩm bẩn chiếm khoảng 35%, kế đến là hút thuốc lá 30%. Trước chỉ thấy ở người già, trên 45 tuổi mắc ung thư, giờ trẻ hoá, như vậy không còn là yếu tố về tuổi tác nữa, nó liên quan rất nhiều tới yếu tố môi trường".

Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) cho biết, Luật an toàn thực phẩm ban hành năm 2010 đến nay đã qua 5 năm triển khai, chính phủ, các ngành bộ, địa phương đã có nhiều nỗ lực trong tổ chức thực hiện như ban hành đầy đủ các văn bản quy định của pháp luật. Chỉ đạo và tổ chức triển khai, tuyên truyền, tổ chức kiểm tra trên thực tế và kết quả có nhiều diễn biến tích cực.

Tuy nhiên, gần đây, nhiều vụ việc vi phạm về quy định về an toàn thực phẩm vẫn liên tiếp được phát hiện. Kết quả giám sát phát hiện kết quả không đạt yêu cầu quy định an toàn thực phẩm vẫn còn ở mức cao. Vấn đề an toàn thực phẩm có nhiều bất cập, vấn đề then chốt là làm thế nào để có những giải pháp hữu hiệu để thúc đẩy công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, có những chuyển biến yêu cầu rõ nét đáp ứng yêu cầu của người dân, đảm bảo sức khỏe người dân và yêu cầu đòi hỏi của thị trường xuất khẩu.

Theo đại diện lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, tăng trưởng và giá trị gia tăng trong ngành nông nghiệp những năm gần đây có xu hướng giảm trong khi vấn đề mất vệ sinh, an toàn thực phẩm thực phẩm không an toàn sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy trầm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh lương thực, sinh kế, đời sống và sức khỏe của người dân.

Thậm chí, vấn đề mất an toàn trong vệ sinh thực phẩm còn ảnh hưởng đến chất lượng giống nòi Việt Nam, hơn nữa là niềm tin của người tiêu dùng trước những giá trị về kinh tế, văn hóa và đạo đức của các sản phẩm do con người tạo ra và tác động đến quyết định đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp.


Người ta có thể bảo quản măng tươi trong 2 năm mà không bị thối rữa hay phân hủy...

Trên thị trường xuất khẩu, một thực trạng đáng lo ngại là tình trạng vi phạm các quy định về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm diễn ra kéo dài và không giảm bớt ở hầu hết các thị trường chủ yếu. Điển hình là thủy sản xuất sang Nhật Bản thường xuyên gặp khó khăn, phía Nhật Bản đã nhiều lần đe dọa đình chỉ nhập khẩu tôm do vượt dư lượng kháng sinh cho phép, bị bơm nước hay tạp chất vào tôm để tăng trọng, kể cả nhét đinh vào đầu tôm để tăng trọng lượng.

"Theo Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi năm có khoảng 10% dân số thế giới bị ngộ độc do ăn thức ăn nhiễm độc, trong số đó có hàng trăm nghìn người bị chết vì nguyên nhân thực phẩm không an toàn. Ở Việt Nam, tỷ lệ thực phẩm chưa an toàn còn rất cao. Số lượng các vụ ngộ độc thực phẩm cũng như số người bị nhiễm độc thực phẩm do các tác nhân nấm mốc, vi sinh vật, thuốc tăng trọng, thuốc kích thích sinh trưởng, kháng sinh, thuốc trừ sâu, thuốc bảo quản, thuốc chống ẩm mốc… còn xuất hiện, tồn dư trong thực phẩm sử dụng hàng ngày của người tiêu dùng còn khá cao, đặc biệt là các trường hợp mắc bệnh nhiễm trùng bởi thực phẩm", ông Phạm Xuân Đương - Phó trưởng Ban thường trực Ban Kinh tế Trung ương cho biết.

Những khó khăn trong công cuộc chống lại thực phẩm bẩn

Ngày 9/5/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 13 yêu cầu các cơ quan và địa phương tăng cường quản lý nhà nước để phối hợp đảm bảo an toàn thực phẩm, thực hiện nguyên tắc an toàn thực phẩm là đảm bảo chuỗi cung ứng từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ, đây được coi là giải pháp hữu hiệu và bền vững để đảm bảo quản lý tốt chất lượng an toàn thực phẩm, đảm bảo đáp ứng tốt yêu cầu của người tiêu dùng.

Theo đại diện Viện Kinh tế Việt Nam, đại bộ phận nông sản nước ta là do các hộ tiểu nông sản xuất theo cách thức truyền thống do có vốn liếng ít ỏi, không có điều kiện tích tụ vốn hoặc vay vốn lớn để đầu tư trang thiết bị hiện đại. Tình trạng chạy theo lợi ích cục bộ, ngắn hạn của cả hai bên liên kết - doanh nghiệp và các hộ nông dân - dẫn đến việc tự ý phá vỡ các hợp đồng cam kết về sản xuất và cung ứng nông phẩm “sạch” và làm cho các hộ tiểu nông quay trở lại với phương thức sản xuất nhỏ.

Chỉ tính riêng chi phí để chứng nhận tiêu chuẩn GAP cho mỗi “cánh đồng lớn” do vài chục hộ nông dân canh tác cũng lên tới hàng chục thậm chí hàng trăm triệu đồng. Khoản này đội giá thành lên vài trăm đồng trên mỗi kilô thóc. Trong khi đó, nông sản trồng theo GAP như lúa, cây ăn trái, chè… ở một số địa phương do không có đầu mối đưa đến tận tay người tiêu dùng nên khi được bán ra chợ hoặc thu gom bởi các thương lái, thì lại hòa lẫn với các nông sản trồng theo phương thức thông thường, vì vậy cũng chỉ bán với giá thông thường. “Đầu ra tiêu thụ” là trở ngại lớn hiện nay làm tiêu tan sự hào hứng của người sản xuất đối với nông sản sạch.

Một điểm hạn chế đó là số đông người tiêu dùng chưa nhận thức đầy đủ về an toàn thực phẩm và vì vậy chưa có lối sống tiêu dùng thực phẩm sạch và chưa đòi hỏi nghiêm khắc đối với chất lượng an toàn. Trong mua bán thực phẩm, những tiêu chuẩn tươi, đẹp, bắt mắt, thơm ngon và rẻ thường được người tiêu dùng coi là ưu tiên hơn, thậm chí đồng nghĩa với sạch, an toàn. Vì vậy, nông sản mà sản xuất và chế biến không an toàn vẫn được tiêu thụ phổ biến ở chợ, trên đường phố, các hàng quán bình dân, thậm chí được đưa vào tiêu thụ ở những siêu thị, nhà hàng cao cấp.

Để xảy ra tình trạng mất an toàn thực phẩm tràn lan như hiện nay, một bộ phận nông dân đang tự làm hại mình và làm hại nông dân cả nước. Việc lạm dụng chất tạo nạc của các trại nuôi heo, việc lạm dụng hóa chất độc hại để thúc đẩy quá trình sinh trưởng hay làm chín trái cây làm mất niềm tin của người tiêu dùng, đẩy người tiêu dùng đi tìm kiếm nông sản nhập khẩu.

Vai trò của Nhà nước từ trung ương đến địa phương là cực kỳ quan trọng trong công cuộc chống lại thực trạng thực phẩm bẩn. Các cơ quan nhà nước cần tiếp tục giảm bớt các chi phí về thời gian và tiền bạc cho nông dân và doanh nghiệp, giảm bớt các loại thủ tục, phí, lệ phí để doanh nghiệp và nông dân có thể giảm chi phí sản xuất và hạ giá thành. Đồng thời có công tác kiểm soát, ngăn chặn lạm dụng hoá chất công nghiệp trong sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản, tăng cường công tác giám sát, thanh tra đột xuất đối với sản phẩm, công đoạn rủi ro cao về an toàn thực phẩm nhằm kịp thời phát hiện, cảnh báo và xử lý các trường hợp vi phạm.

Thùy Linh

Từ khóa: