Sự kiện hot
6 năm trước

Thưởng thức vị ngọt chè Tuyết ở Suối Giàng

Trà Suối Giàng (Yên Bái) cùng với các vùng trà Tà Xùa (Sơn La), Tây Côn Lĩnh (Hà Giang) và Tân Cương (Thái Nguyên) hợp thành “tứ đại danh trà” mà người yêu trà Việt không ai không biết tới.

Suối Giàng là một xã vùng cao thuộc huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Nằm trên độ cao gần 1.400 m, được ví như Sa Pa, Tam Đảo, Đà Lạt bởi khí hậu trong lành, mát mẻ quanh năm. Tuy nhiên du khách đến với Suối Giàng không phải để nghỉ dưỡng mà chủ yếu để được thưởng thức thứ trà đặc sản mang tên Shan Tuyết từ những cây chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi.

Bất kỳ ai khi đến với Suối Giàng đều ấn tượng những cây chè Shan Tuyết to lớn thân nhuộm màu trắng mốc, uốn lượn nhiều cành buộc người hái phải trèo lên mới thu hoạch được. Thừa hưởng khí hậu núi cao quanh năm mát mẻ, nhiều ngày có mây mù nên chè ở đây búp to, phủ một lớp lông tơ mịn như nhung, trắng như tuyết. Chè Shan Tuyết là loại cây mọc tự nhiên trên vùng núi cao, được nuôi dưỡng bằng sinh khí của đất, trời nên búp và lá chè rất to, có màu xanh đậm; trên mặt lá phủ một lớp lông tơ mỏng trắng như tuyết. Vì vậy mà chè có tên Shan Tuyết (chè được ngậm tuyết trên núi cao). Vùng chè Shan Tuyết ở Suối Giàng trải rộng trên diện tích khoảng 393ha, trong đó diện tích cây mọc tự nhiên là 293ha, chủ yếu ở các thôn Giàng Cao, Giàng B, Păng Cáng, Tập Lăng I, Tập Lăng II, Suối Lóp… với hơn 4 vạn cây có tuổi đời từ trên 100 đến 300 năm. Chè Shan Tuyết cổ thụ có thân cây to bằng vài người ôm, màu trắng mốc; tán cây rộng khoảng 20m²; lá màu xanh đậm.

Shan Tuyết Suối Giàng xưa nay được xếp hàng “đầu bảng” các loại chè. Mọi người vẫn bảo đây là loại chè “năm cực”. “Cực khổ” - khi trồng và thu hái; “cực sạch” - vì những điều kiện khí hậu, môi trường và cả công chăm giữ của người trồng; “cực hiếm” - vì sản lượng ít (đến nay, dù đã tăng thêm diện tích trồng nhưng mỗi năm nhiều lắm cũng chỉ mới thu hái được chừng 200 tấn chè búp); “cực ngon” - với đủ các phẩm chất đỉnh cao mà mỗi chén trà phải có như hương thơm, vị đậm, nước xanh. Và vì cả bốn “cực” trên nên đương nhiên, có thêm “cực đắt”.

Một năm chè Shan Tuyết được thu hoạch thành 3 vụ trong đó vụ cuối thường vào khoảng tháng 8 đến tháng 9 âm lịch. Khi đến mùa thu hoạch, bạn sẽ bắt gặp hình ảnh cô gái Mông trong chiếc váy xòe bắt mắt trèo lên những cây chè cổ thụ hái búp xanh non. Chè Shan Tuyết càng già càng quý, càng nhiều tuyết trắng thì tính dược liệu càng mạnh. Bởi vậy những đôi bàn tay thoăn thoắt ngắt từng búp nõn nhưng vẫn nhẹ nhàng để không làm mất lớp tuyết trắng phủ bên trên.

Chè được hái, được sao bằng kinh nghiệm và bàn tay khéo léo của người Mông. Búp chè shan mầu trắng xám, bọc một lớp phấn trắng mờ như tuyết nên được gọi là chè shan tuyết. Để hái được những búp chè non nhiều khi phải trèo lên cành cao của cây chè cổ thụ. Mùa đông ở Suối Giàng thường chẳng thấy mặt trời. Còn buổi sáng mùa hè, búp chè ngậm sương, hái vẫn lạnh buốt tay.

Chè Shan Tuyết Suối Giàng – Yên Bái được chế biến rất công phu. Củi dùng để sao chè nhất định phải là loại củi đã được phơi khô cháy đượm. Khi sao chè, người sao phải luôn hơ tay trần vào chảo nóng để ước lượng nhiệt độ. Trong quá trình sao lửa lúc nào cũng phải liu riu thật đều. Khi chè sao xong được đưa ra vò bằng tay, trong quá trình vò người làm phải khéo léo để trà không bị nát, không làm mất hương và làm rơi hết những tuyết trắng còn bám trên búp trà. Thành phẩm cuối cùng là những búp trà săn lại bằng hạt đỗ xanh, tuyết phủ trắng, mang trong mình sự tinh túy của núi ngàn Tây Bắc.

Để pha trà Shan Tuyết, phải dùng nước nguồn trên núi chảy về thì chén trà mới có hương vị đậm đà và mầu sắc tươi hơn. Nước đã sôi già, tráng qua một lượt để cánh chè giãn ra, loại bỏ chút bụi còn vương lại. Chế nước sôi đầy ấm đến mức bọt trào ra ngoài rồi mới đậy nắp chờ vài phút. Ấm pha trà chọn loại sứ nung già lửa sẽ có hương thơm đúng vị.

Chè Shan Tuyết có tác dụng tốt cho cơ thể, chống ôxy hoá, giúp mọi người tỉnh táo, sảng khoái… Nước chè sóng sánh như mật ong rừng, sau khi uống vị ngọt, đượm cảm nhận được vị của chè rất lâu như hương của núi rừng tan dần trong miệng.

Hồng Anh
Theo Báo Đời sống & Tiêu dùng

Từ khóa: