Sự kiện hot
6 năm trước

Tín dụng tiêu dùng: thị trường vẫn rất tiềm năng

Kết thúc 06 tháng đầu năm 2017, tổng dư nợ tín dụng của Việt Nam đạt được 6.001.383 tỷ đồng, tăng 9,1% so với cuối năm trước. Trong đó thị phần cho vay tiêu dùng chiếm một tỷ lệ rất nhỏ chỉ khoảng từ 5% so với con số trên, ước tính khoảng hơn 300.000 tỷ đồng

Đối với các quốc gia phát triển, tỷ lệ này là rất lớn, chiếm tới 30%-40% tổng dư nợ. Đối với Mỹ con số kết thúc năm 2016 cũng đạt mức 39% (3,6 nghìn tỷ đô tín dụng tiêu dùng so với 9,3 nghìn tỷ đô tổng dư nợ) .

Nếu xét về thị trường tiêu dùng ở Việt Nam năm 2016 thì tỷ lệ tiêu dùng chiếm tới 78% so với tổng GDP toàn quốc, tương đương khoảng gần 4.000.000 tỷ đồng. Với giá trị tiêu dùng như vậy thì dư nợ tín dụng tiêu dùng là rất nhỏ so với cả một thị trường rất rộng lớn, chỉ chiếm có 7,5% so với tổng giá trị thị trường. Nhìn tổng thể có thể nhận thấy đây là một miếng bánh hết sức tiềm năng khi mà việc cho vay thế chấp bất động sản (BĐS), cho vay doanh nghiệp đã trở nên hết sức khó khăn và cạnh tranh rất mạnh mẽ bởi toàn bộ các tổ chức tài chính đều tập trung khai thác.

Thực tế có thể nhìn nhận thấy việc vận động của thị trường cho vay tiêu dùng đã có những thay đổi rất mạnh mẽ trong những năm gần đây. Từ định hướng của Chính phủ với việc thống nhất và ra văn bản thông tư 43/2016/TT-NHNN ngày 30.12.2016 về việc quy định cho vay tiêu dùng với các công ty tài chính. Thông tư là hành lang pháp lý cơ bản để điều chỉnh và định hướng tín dụng tiêu dùng phát triển đúng hướng. Thêm vào đó chúng ta có thể nhìn nhận rất rõ với sự tham gia của các tổ chức tài chính mới vào thị trường và việc phát triển mạnh mẽ của các tổ chức đã có tiếng trên thị trường. Nổi bật có thể kể đến như Homecredit, HDSaison, Prudential Finance, Toyota Finance, JACCS và đặc biệt là FECredit được mệnh danh là con gà đẻ trứng vàng của VPBank đang dẫn đầu về việc triển khai cho vay tiêu dùng trên cả nước.

Theo thông tin công bố của VPBank khi chính thức lên sàn giao dịch chứng khoán ngày 17/08/2017, FECredit đóng góp lãi lên đến 40% cho VPBank và đang chuyển mình để chiếm lĩnh thị trường hơn nữa với định hướng và cách thức triển khai rất rõ ràng. Hiện tại FECredit có tới hơn 14.600 nhân viên và với các đại lý có mặt hầu hết trên tất cả các tỉnh thành mà đặc biệt là gần như toàn bộ các siêu thị đã có mặt của FECredit để phục vụ khách hàng. Đến hết năm 2016, tổng dư nợ của FECredit lên đến hơn 30.000 tỷ đồng và với số lượng khách hàng lên tới 3.000.000 người cùng 5.800 điểm bán hàng trên toàn quốc. Tính đến hết tháng 06 năm 2017, tổng dư nợ của FECredit đã đạt 36.000 tỷ đồng và cuối năm sẽ còn tăng trưởng hơn nữa. Đây là con số hết sức ấn tượng sau 06 năm hoạt động (02.11.2010 thành lập khối Tín dụng tiêu dùng VPBank – FECredit).

Cũng chính từ việc nhìn nhận thị trường vẫn rất tiềm năng này mà nhiều tổ chức tài chính mới đã tham gia khai thác từ đầu năm 2017, điểm nhấn chính của sự góp mặt này là công ty tài chính Quân đội MCredit. Được thành lập 04.02.2016 nhưng chính thức triển khai phát triển tín dụng tiêu dùng vào đầu năm 2017, tuy nhiên tính tới hết tháng 08.2017, dư nợ của MCredit đã đạt gần 1.000 tỷ đồng. Các tổ chức tài chính nước ngoài cũng thực sự đang có nhiều động thái triển khai phát triển tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam, MCredit chính là một cách thức mà đối tác tài chính Nhật Bản đã cùng góp vốn để tham gia thị trường.

Như vậy nếu nhìn tổng quan, thị trường tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam là rất lớn, chúng ta vẫn chỉ khai thác được một phần rất nhỏ. Thời gian tới chắc hẳn sẽ có một cuộc chơi khá “nhộn nhịp” với sự tham gia của nhiều gương mặt mới với công nghệ và tiềm lực tài chính. Đó cũng chính là tín hiệu tốt cho thị trường tiêu dùng Việt Nam phát triển, đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

Văn Toàn - Phạm Duy 

Từ khóa: