Sự kiện hot
9 năm trước

Tranh cãi xoay quanh “cơn sốt” Taxi Uber

Dựa trên phương pháp định vị khách hàng, ứng dụng gọi taxi Uber trên điện thoại thông minh đang “làm mưa làm gió” trên toàn thế giới nhờ nhiều tiện ích hơn hẳn taxi thông thường. Tuy nhiên, vẫn xuất hiện không ít ý kiến trái chiều về tính hợp pháp cũng như an toàn đối với người sử dụng.

Đa dạng loại xe, trong đó có cả xe siêu sang như Mercedes-Benz, BMW là điểm thu hút khách hàng của dịch vụ Uber

Các ứng dụng gọi Taxi ngày một phổ biến tại Việt Nam

“Nở rộ” nhiều dịch vụ vận tải dựa trên việc định vị người dùng

Uber, GrabTaxi, Easy Taxi là những phần mền ứng dụng gọi taxi mới được phát triển tại Việt Nam trong 1 năm trở lại đây. Những ứng dụng này chỉ sử dụng được trên các smartphone (điện thoại thông minh) với nguyên tắc hoạt động dựa trên việc định vị người dùng qua GPS, thiết lập nơi đến và tiến hành vận chuyển. Hệ thống sau đó sẽ thông báo về số tiền cần phải trả và hình thức thanh toán (tiền mặt, thẻ ATM, Visa, Mastercard…).

Có giai đoạn phát triển từ năm 2009 - 2011, ứng dụng Uber (tên gọi cũ là UberCab) nhanh chóng nhận được mối quan tâm của các lập trình viên trên thế giới. Tuy nhiên, Uber cũng vấp phải không ít khó khăn trong việc triển khai ứng dụng, ngay cả tại những nước phát triển. Chính quyền Vancouver (Canada), Berlin, Hamburg (Đức) đã cấm hoàn toàn việc sử dụng Uber tại các thành phố này vì những lo ngại về an toàn cho hành khách. Tuy nhiên, Uber tiếp tục phát triển và hiện có mặt tại hơn 200 thành phố thuộc 51 quốc gia với giá trị ứng dụng được định giá trên 18 tỷ USD.

Dù chính thức hoạt động tại Việt Nam tương đối muộn hơn so với những ứng dụng khác, Uber đã tạo “cơn sốt” với người tiêu dùng, đặc biệt là giới văn phòng, doanh nhân - những người thường xuyên phải di chuyển bằng taxi. Điều này là do giá sử dụng dịch vụ Uber thấp hơn hẳn các công ty vận tải đang hoạt động trên địa bàn TP.HCM. Cụ thể, với giá mở cửa 5.000 đồng, 10.000 đồng cho mỗi km, mỗi phút trên xe giá 600 đồng, hành khách chỉ phải thanh toán 117.000 đồng đối với chặng đường 10 km (kéo dài 20 phút). Như vậy, sử dụng dịch vụ Uber sẽ giúp tiết kiệm 20 - 30% so với taxi thông thường.

Người dùng “thích thú” trước dịch vụ mới

Giá dịch vụ rẻ, đa dạng loại xe, hệ thống định vị chính xác để đo quãng đường đang là những điểm thu hút khá nhiều người dùng trên địa bàn TP.HCM.

Anh Minh Quân (25 tuổi), kinh doanh vàng tại Q.5, hào hứng chia sẻ: “Ban đầu có chút khó sử dụng vì còn mới mẻ nhưng tôi thấy dịch vụ này khá tiện lợi. Giá cả rẻ hơn khoảng 30% so với dịch vụ taxi thông thường mà lại được đi nhiều loại xe, trong đó có cả những xe sang như BMW, Mercedes… Điều này cho tôi cảm giác như đi xe riêng”.

Đồng quan điểm taxi Uber là hình thức tiên tiến và tiện lợi hơn cho người dùng, chị Thanh Giang (21 tuổi), sinh viên năm 3 Đại học Quốc tế, cho biết: “Điều tôi thích nhất khi sử dụng Uber là việc chấm điểm tài xế và việc đo quãng đường qua hệ thống định vị. Do đó, tôi rất hiếm gặp các tài xế khó chịu. Một số thông tin của tài xế và chủ xe được công bố trước mỗi chặng đi cũng giúp tôi yên tâm hơn khi sử dụng”.

Tuy nhiên, dịch vụ này vẫn còn đối mặt với một số nhược điểm. Chị Hằng (30 tuổi), quản lý kinh doanh của một công ty tại Q.1, chia sẻ: “Dịch vụ thì tôi thấy ổn. Tuy nhiên, lượng xe còn hơi ít và tập trung chủ yếu ở khu vực Q.1, Q.3. Các khu vực khác lượng xe còn khá ít. Nhiều lần tôi phải đợi đến hơn 15 phút mới nhận được tín hiệu xe trống ngay cả ở Q.Bình Thạnh, Q.Phú Nhuận, những quận không quá xa trung tâm thành phố”.

Nhiều ý kiến trái chiều

Tuy nhận được nhiều ý kiến phản hồi tích cực từ người dùng, dịch vụ taxi Uber hiện đang được đặt dấu hỏi lớn về tính hợp pháp. Cụ thể, theo công văn gửi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Sở GTVT TP.HCM đã nêu thực trạng hoạt động không có phù hiệu taxi, không logo, không đồng hồ tính cước như các xe taxi khác, không đóng thuế… Theo đó, Sở kiến nghị Bộ, Tổng cục làm rõ tính pháp lý đối với loại hình dịch vụ này.

Mới đây, Hiệp hội Taxi TP.HCM cũng đã có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải và Chính phủ đề nghị chấm dứt hoạt động với Uber Việt Nam trong thời điểm hiện tại vì những sai phạm so với Nghị định 86/2014 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô.

Ông Tạ Long Hỷ - Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM, cho biết: “Uber tiếp nhận yêu cầu của hành khách, điều xe, thu tiền cước khi kết thúc hành trình và ăn chia với chủ xe. Rõ ràng hành vi trên là hoạt động điều hành vận tải hành khách chứ không phải là môi giới”. Ông Hỷ cũng cho rằng, việc Uber không tốn nhiều loại phí như bảo hiểm, gắn hộp đen, thiết bị in hóa đơn… mà vẫn hoạt động như một công ty taxi là không công bằng. “"Nếu các hãng taxi truyền thống được ưu đãi như Uber thì chúng tôi cũng có thể xây dựng giá cước rẻ như Uber đang áp dụng" - Chủ tịch Hiệp hội khẳng định.

Trái với các ý kiến trên, Bộ trưởng Đinh La Thăng tại cuộc họp Bộ GTVT ngày 2/12 đã cho rằng đây là loại hình dịch vụ có giá rẻ hơn taxi truyền thống, điều này có lợi cho người dân. Nếu trên thế giới đã có nhiều nước sử dụng thì Việt Nam cũng cần triển khai. “Nếu loại hình kinh doanh bằng phần mềm Uber chưa được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật, các Nghị định, Thông tư, hướng dẫn, mình có trách nhiệm bổ sung để hợp pháp hoá. Phải làm sao để thuận cho quản lý nhưng tiện lợi cho người dân" - Bộ trưởng Đinh La Thăng nêu rõ.

Tính pháp lý của hình thức sử dụng phần mềm Uber hiện vẫn chưa được làm rõ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy dịch vụ này đang được lòng đại đa số người dân. Phải chăng việc đàm phán giữa công ty Uber và các cơ quan ban ngành Việt Nam là hết sức cần thiết để đảm bảo lợi ích chung của Nhà nước cũng như quyền lợi người tiêu dùng.

Nguyên Quân

Từ khóa: