Sự kiện hot
7 năm trước

Trẻ chậm nói - Dấu hiệu của những hội chứng tự kỉ, tăng động giảm chú ý

Theo các chuyên gia tâm lý, phụ huynh không nên chủ quan khi trẻ trong độ tuổi từ 12 – 36 tháng tuổi có biểu hiện chậm nói bởi đó có thể là dấu hiệu của trẻ tự kỷ hoặc tăng động giảm chú ý.

Phụ huynh bé Hoàng Hải (Thanh Trì, Hà Nội) cho biết ở giai đoạn phát triển của con từ 2 -3 tuổi con có biểu hiện chậm nói, chưa nói được từ đơn, thích xem tivi và hầu như không giao tiếp với ai, không theo kịp các bạn ở lớp mầm non, tuy nhiên gia đình chủ quan và nghĩ con chỉ bị chậm nói bình thường như anh của bé, đến 4 tuổi mới biết nói và hiện tại đang học bình thường lớp 2.

Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, Bé H đã 5 tuổi nhưng hầu như không có kỹ năng chơi, không hòa nhập được mầm non, có biểu hiển hành vi lặp lại, chỉ nói nhại lời một số từ đơn khi bố mẹ nói. Gia đình mới vội vàng cho con đi kiểm tra tâm lý phát triển tại Trung tâm Giáo dục trẻ em Ngày Mới và được kết luận con bị mắc hội chứng tự kỷ. Lúc này gia đình mới lo lắng, bàng hoàng và tìm kiếm các phương án hỗ trợ cho con.

Tuy nhiên việc gia đình chủ quan và cho con đi thăm khám tâm lý muộn có thể khiến các liệu pháp can thiệp sớm cho con bị hạn chế cũng như mất đi rất nhiều cơ hội hòa nhập của con.

Phụ huynh không nên chủ quan khi trẻ trong độ tuổi từ 12 – 36 tháng tuổi có biểu hiện chậm nói.

Th.S Nguyễn Thị Hà – Giảng viên Trường Đại học Thủ Đô Hà Nội cho biết: Trong độ tuổi từ 12 đến 36 tháng tuổi là giai đoạn quan trọng nhất với việc hình thành và phát triển ngôn ngữ ở trẻ em. Trẻ hình thành một cách tự nhiên những nền tảng ngôn ngữ hiểu, hệ thống vốn từ khoảng hơn 200 từ đơn, hiểu và giao tiếp đơn giản với những tình huống thực tế.

Tuy nhiên nhiều bậc phụ huynh chỉ chú ý đến các chăm sóc thể chất hơn là các yếu tố phát triển tâm lý ở trẻ, đặc biệt là khả năng ngôn ngữ. Ở độ tuổi này, nếu các bé chưa phát triển ngôn ngữ nói một cách có hiệu quả hoặc có các biểu hiện hành vi lặp lại, thiếu tương tác, thiếu tập trung, gia đình cần cho bé đi thăm khám ở các cơ sở y tế hoặc trung tâm chuyên biệt. Vì việc thăm khám tâm lý cho trẻ ở giai đoạn này cũng quan trọng như việc thăm khám thực thể và điều trị các bệnh hoặc việc tiêm phòng cho trẻ vậy.


Đánh giá tâm lý để phát hiện kịp thời các biểu hiện chậm nói của trẻ.

Trẻ chậm nói cũng có thể là dấu hiệu của trẻ tự kỷ hoặc tăng động giảm chú ý.

Trao đổi với báo Đời sống & Tiêu dùng, ông Hoàng Văn Quyết – Giám đốc Trung tâm Giáo dục trẻ em Ngày Mới (Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam) cho biết: Theo các tiêu chuẩn Quốc tế về đánh giá và phát hiện trẻ tự kỷ cho thấy, để phát hiện trẻ có bị tự kỷ hay không, cần theo dõi và quan sát các biểu hiện như: Trẻ có biểu hiện giảm tương tác, Trẻ chưa có ngôn ngữ hoặc ngôn ngữ hạn chế, Trẻ có nhiều dấu hiệu hành vi lặp lại, rập khuôn, bất thường so với các trẻ khác.

“Các biểu hiện này của trẻ thường lặp đi lặp lại và kéo dài trong thời gian ít nhất 3 tháng để có thể đưa ra những kết luận về Hội chứng tự kỷ ở trẻ. Trong khi đó ở trẻ tăng động giảm chú ý, các chuyên gia cũng cần quan sát thường xuyên trong thời gian ít nhất 6 tháng để đưa ra các kết luận về Hội chứng tăng động với hệ thống các biểu hiện như: Tay chân ngọ nguậy, hay vặn vẹo khi ngồi; Thường rời bỏ chỗ ngồi trong các tình huống đòi hỏi phải ngồi yên; Thường chạy nhảy hoặc leo trèo quá mức trong những tình huống không thích hợp (ở thiếu niên và người lớn, điều này có thể giới hạn ở mức họ cảm giác bồn chồn); Thường khó tham gia những trò chơi hoặc hoạt động giải trí chỉ cần các hoạt động nhẹ nhàng; Thường luôn di chuyển hoặc hành động như thể "đang lái môtô"; Thường nói quá nhiều”, ông Quyết đánh giá.

Cũng theo vị chuyên gia tâm lý, các Hội chứng tăng động giảm chú ý và Hội chứng tự kỷ ở trẻ em thường có thể có những biểu hiện rất sớm từ 12 tháng tuổi cho đến 3 tuổi. Ở giai đoạn này, trẻ đã có nhiều biểu hiện khác thường về sự phát triển tâm sinh lý và hành vi bất thường. Một trong những biểu hiện rõ nét là trẻ có thể bị chậm nói, rất hạn chế khả năng tương tác, giao tiếp, thích chơi một mình, hoạt động tự do và ít nghe theo sự hướng dẫn hoặc bắt chước làm theo sự hướng dẫn người khác, hạn chế khả năng học hỏi, khám phá môi trường xung quanh,…

Đối với các trẻ chậm nói, các con cũng thường xuất hiện những biểu hiện trên. Do đó có thể nhiều gia đình chủ quan cho rằng trẻ chỉ bị chậm nói, hoặc do “gen” di truyền, anh cháu bị chậm nói, nên cháu cũng bị chậm nói, đến 4-5 tuổi các con sẽ tự phát triển ngôn ngữ…. Với những nhận thức sai về sự phát triển ngôn ngữ dẫn đến trẻ không được phát hiện sớm, can thiệp sớm khiến các trẻ tự kỷ, tăng động giảm chú ý mất đi rất nhiều cơ hội hòa nhập và học tập ở trường mầm non cũng như Tiểu học.

Từ đó, ông Hoàng Văn Quyết đưa ra lời khuyên cho các bậc cha mẹ, ở độ tuổi từ 12 đến 36 tháng tuổi, nếu cha mẹ phát hiện con có biểu hiện chậm nói kèm theo các biểu hiện hành vi bất thường, gắn bó quá mức với một đồ vật hoặc người nào, gia đình cần cho con đi thăm khám tâm lý để phát hiện các triệu chứng của con và có những phương pháp trị liệu kịp thời.

"Với những trẻ chậm nói, có thể cho con can thiệp sớm từ 3 - 6 tháng giúp con phát triển nhanh ngôn ngữ bằng độ tuổi. Còn với những trẻ chậm nói có nguyên nhân do hội chứng tự kỷ hay tăng động giảm chú ý cũng cần phát hiện sớm và can thiệp sớm. Cũng cần nói thêm, Chứng tự kỷ là một Hội chứng tâm lý ảnh hưởng suốt đời của mỗi đứa trẻ, hiện chưa có phương pháp hiệu quả trị liệu dứt điểm cho trẻ, nhưng việc phát hiện sớm và trị liệu sớm giúp con có khả năng phát triển được một số năng lực về ngôn ngữ, nhận thức và điều chỉnh được hành vi cho con, giúp con có những cơ hội nhất định hòa nhập với môi trường xã hội và  học tập những kỹ năng cơ bản", chuyên gia Hoàng Văn Quyết lưu ý.

Minh Minh

 

Từ khóa: