Sự kiện hot
7 năm trước

Trẻ dưới 6 tháng tuổi nên hay không nên cho tiếp xúc với nắng?

Gần đây, có thông tin cho rằng trẻ dưới 6 tháng tuổi không nên cho tiếp xúc với nắng. Vậy thông tin này có chính xác?

Bệnh còi xương là bệnh lý thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, nguyên nhân chủ yếu do thiếu vitamin D. Từ trước đến nay, việc phơi nắng cho trẻ, kể cả trẻ sơ sinh được khuyến cáo và hướng dẫn chi tiết trong các tài liệu y khoa. Thế nhưng gần đây có thông tin cho rằng không nên cho trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi tắm nắng, thay vào đó là bổ sung vitamin D với liều 400UI một ngày. Thực tế thông tin này có chính xác?

Trẻ dưới 6 tháng tuổi nên hay không nên cho tiếp xúc với nắng? (Ảnh: Gia đình)

Trẻ dưới 6 tháng tuổi nên hay không nên cho tiếp xúc với nắng?

Về thông tin mới đây nói rằng trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi không nên cho tiếp xúc với nắng, và khuyên nên cho trẻ dùng vitamin D bổ sung liều 400UI một ngày. Có vài điểm cần lưy ý như sau:

Thông tin này có từ việc dịch tài liệu của Mỹ. Mỹ hoặc một số nước châu Âu và Việt Nam có một số điểm khác nhau về điều kiện sống, về địa lý, thời tiết, khí hậu, văn hoá, cấu trúc cơ thể, cấu trúc của làn da, lối sinh hoạt, ăn uống...

Ở Mỹ cũng như nhiều nước phương tây khác, nhiều người mê phơi nắng, hưởng ánh nắng mặt trời, cũng như ở Việt Nam, chúng ta thường mơ về thời tiết ôn hoà, mát mẻ của họ vậy.

Chính vì mê nắng, và nhiều lúc quá thích làn da nâu khoẻ mạnh, nên nhiều người lớn thích phơi nắng. Và thế là khi có con, nhiều cha mẹ vác luôn cả con đi du lịch từ lúc còn bé xíu, bất chấp nắng mưa. Và đến lúc cha mẹ phơi nắng thì nhiều người cũng cho con ra phơi cùng luôn.

Từ hiện tượng tỷ lệ trẻ bị bỏng nắng, cháy nắng ngày càng nhiều, các hiệp hội nhi khoa mới đưa ra khuyến cáo cho cha mẹ, là không được vác trẻ con dưới 6 tháng, thậm chí dưới 1 tuổi đi phơi nắng một cách thái quá. Sau đó, cho đến 2 tuổi, thì cũng chỉ được cho trẻ phơi nắng/ ra nắng trong khoảng thời gian nhất định thôi.

Vì vậy nếu bố mẹ Việt lấy khuyến cáo vốn dành cho trẻ ở các nước châu Âu, áp dụng cho con em mình, thì đó là cách áp dụng máy móc. Trên thực tế ngành nhi khoa ở Việt Nam, từ mấy chục năm nay đều đã có hướng dẫn phơi nắng cho trẻ con rất cụ thể. Trong khi đó, kinh nghiệm dân gian từ cha mẹ, ông bà cũng đều biết là phải cho trẻ ra phơi nắng, và bảo vệ trẻ lúc phơi nắng như thế nào.

Từ lúc khoảng 1-2 tuần đến 6 tháng tuổi mỗi ngày cho trẻ ra sưởi nắng hai lần, vào đầu buổi sáng, lúc nắng chưa gắt quá, và cuối giờ chiều, lúc nắng đã dịu. (Ảnh: Việt báo)

Phòng còi xương cho trẻ

Để phòng bệnh còi xương cho trẻ, nên bổ sung canxi và vitamin D cho mẹ ở cuối thai kì nếu cần thiết. Thường việc này sẽ dựa vào kết quả xét nghiệm máu và khám lâm sàng ở tháng thứ 5 của thai kì.

Ngoài ra, cho trẻ ở nơi thoáng mát, nhiều ánh sáng, phơi nắng đúng và đủ. Cụ thể về phơi nắng như sau:

- Không nên cho trẻ con dưới 2 tuổi ra nắng, phơi nắng trong khoảng thời gian từ 11-16 giờ nếu nắng vừa hoặc 10-17 giờ nếu là giữa mùa hè nắng gắt quá.

- Khi cho trẻ phơi nắng, có thể cởi bớt quần áo hoặc mặc quần áo mỏng nếu trời ấm, mùa đông chỉ cần để hở chút chân tay là được. Bố mẹ cần nhớ đội mũ và bảo vệ mắt cho con nếu nắng hơi mạnh.

- Từ lúc khoảng 1-2 tuần đến 6 tháng tuổi mỗi ngày cho trẻ ra sưởi nắng hai lần, vào đầu buổi sáng, lúc nắng chưa gắt quá, và cuối giờ chiều, lúc nắng đã dịu.

- Thời gian phơi nắng nên tăng dần, những ngày đầu chỉ cần khoảng 5 phút, sau tăng dần lên, có thể đến 15-20 phút.

- Lúc con trên 6 tháng và có sức khoẻ bình thường, thì cho ra ngoài trời chơi nhiều nhất có thể được vào đầu giờ sáng và cuối giờ chiều.

- Cho trẻ bổ sung thêm vitamin D. Liều lượng và thời gian cần bổ sung vitamin D nên theo đúng hướng dẫn của bác sĩ.

- Chế độ ăn uống cân bằng, đầy đủ

- Mát xa cho trẻ, tập cho trẻ vận động từ nhỏ.

- Khi nào thấy có các dấu hiệu nghi ngờ còi xương thì nên cho con đi khám bác sĩ ngay.

Thời gian phơi nắng cho trẻ nên tăng dần. (Ảnh: Journey in Life)

Những dấu hiệu nghi ngờ trẻ bị còi xương

- Phòng ngủ, giường ngủ đã mát mẻ, thông thoáng, mà trẻ vẫn hay quấy khóc, ngủ không yên giấc, hay giật mình, ra nhiều mồ hôi khi ngủ (gọi là mồ hôi trộm).

- Các biểu hiện ở xương: thóp rộng, bờ thóp mềm, thóp lâu kín, có các bướu đỉnh, bướu trán (trán dô), đầu bẹp cá trê.

- Răng mọc chậm, cơ nhẽo.

- Hay bị táo bón.

- Chậm phát triển vận động: chậm biết lẫy, biết bò, đi, đứng…

- Có dấu hiệu thiếu vitamin D như bị rụng tóc một cách bất thường khắp đầu, hoặc điển hình là rụng ngang đầu tạo thành hình vành khăn.

- Trong trường hợp còi xương cấp tính: trẻ có thể bị co giật do hạ canxi máu.

Những trẻ dễ có nguy cơ bị còi xương

- Trẻ sinh non, đẻ sinh đôi.

- Trẻ hoặc ăn bổ sung quá sớm, hay bị rối loạn tiêu hoá, ăn uống mất cân bằng, hoặc thiếu ăn.

- Trẻ quá bụ bẫm.

- Trẻ sinh vào mùa đông/ không hoặc thiếu phơi nắng.

- Trẻ không được bú mẹ.

Nguyễn Thu Hằng (Hiệp hội chăm sóc sức khỏe tại nhà tại Paris - Pháp)
Theo ĐSPL, Vietnammoi

Từ khóa: