Sự kiện hot
6 năm trước

Trường học không chỉ là nơi để dạy và để học mà còn là một thế giới để sống

Tập 2 của “Thầy cô chúng ta đã thay đổi” phát sóng trên VTV tìm hiểu lớp học của cô giáo Trần Thị Minh Ngọc - một giáo viên dạy Công Nghệ, trường THPT Xuân Đỉnh, Hà Nội.

Với 15 năm kinh nghiệm dạy học, trước khi lên lớp, cô Ngọc luôn chuẩn bị bài giảng một cách kĩ lưỡng. Cô cũng luôn được yêu mến bởi phong cách giảng dạy mới lạ. Lớp học của cô thú vị là vậy, điều gì đã thôi thúc cô tham gia chương trình này?

Cô Trần Thị Minh Ngọc, giáo viên dạy Công Nghệ tại trường THPT Xuân Đỉnh, Hà Nội (Ảnh: VTV)

“Để mong muốn đem lại cho các con những tiết học vui vẻ hơn, hứng thú hơn, tràn trề nhiệt huyết quyết tâm, vì vậy tôi muốn tham gia chương trình này”, cô Ngọc chia sẻ.

Dù ít được chú ý hơn các bộ môn khác, nhưng trong các tiết học của mình cô Ngọc luôn chú ý truyền cảm hững cho các em học sinh bằng sự sáng tạo, hài hước, vui vẻ bởi các phương pháp học hiện đại đã được cải tiến.

Cô Ngọc tham gia chương trình “Thầy cô chúng ta đã thay đổi” (Ảnh: VTV)

Tuy nhiên, không phải tiết học nào của cô Ngọc cũng truyền tải được năng lượng cũng như kiến thức đến cho học sinh. Trong lúc giảng bài, nhiều khi cô không đứng ở trung tâm của lớp học mà cô chỉ đứng ở góc lớp. Nhiều lúc, cô giáo chỉ tập trung vào 1/5 lớp học chỉ để tương tác với 1 bạn hoặc 2 bạn học sinh.

Cô Ngọc xúc động khi kể lại những cảm xúc mỗi ngày đến trường. (Ảnh: VTV)

TS Nguyễn Văn Hoà, Chủ tịch HĐQT trường THCS&THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội, người đã từng là hiệu trưởng trường cô Ngọc đang công tác hiện nay nêu quan điểm: “Cô Ngọc rất nhiệt tình với bộ môn mà cô đang giảng dạy. Tuy nhiên nếu như lúc nào cũng cố quá, thì cũng sẽ ảnh hưởng nhiều đến việc duy trì chất lượng dạy học của cô”.

Nhìn cô như bị mất đi năng lượng để truyền cho học sinh. Theo bản khảo sát từ phía học sinh, nhiều em cho biết cô Ngọc rất hay cáu giận vì một vài lí do nào đó mà các con không biết. Lớp học vì vậy mà rơi vào trạng thái buồn ngủ, học sinh không muốn học và giáo viên cũng rất mệt mỏi.

Tham gia chương trình, cô Ngọc đã thay đổi. (Ảnh: VTV)

Bên cạnh đó, cô Ngọc cũng chia sẻ thêm: “Mọi người nhận xét tôi lập dị, nhưng vì tôi sẵn sàng làm mọi thứ. Tôi không có nhiều quan niệm sống giống với mọi người. Tôi muốn bứt phá để tạo ra khác biệt nhưng lại luôn gặp rào cản trong môi trường truyền thống này”.

Suốt chương trình, cô Ngọc đã khóc rất nhiều. “Đôi khi tôi không biết lí giải thế nào. Trước đây tôi khá quan tâm đến việc mọi người nghĩ gì. Tất cả đến từ sự khác biệt. Đôi khi người ta lấy ý kiến chung và áp đặt lên tôi. Thời điểm đó tôi ấm ức vô cùng. Sau khi dần vượt qua, tôi tự tạo cho mình cái vỏ bọc và rất nhiều điều khác. Từ đó tôi lại càng ngang tàn và bất cẩn hơn”.

Cô hoà mình hơn với học sinh (Ảnh: VTV)

Tại chương trình, cô Ngọc đã thực sự mở lòng chia sẻ: “Tôi có thể không nhìn thấy, không cầm nắm, nhưng nó làm tôi đau khổ. Tôi có thể ngang tàn, tôi không quan tâm. Nhưng sâu thẳm tôi vẫn muốn thay đổi”.

“Tôi vẫn luôn mong 1 lớp học hạnh phúc, hạnh phúc toàn diện. Tôi sẽ không đổ lỗi mà thay vào đó tôi sẽ cố gắng”.

Những giọt nước mắt cho thấy cô Ngọc đã tổn thương thế nào. Sự tổn thương từng ngày đã bào mòn sức khoẻ của cô, tinh thần của cô. Thực ra cô nhìn thấy vấn đề của mình, tuy nhiên cô không biết phải bắt đầu từ đâu.

Chương trình “Thầy cô chúng ta đã thay đổi” thật sự đã giúp cô Ngọc thay đổi.( Ảnh: VTV)

Sau thử thách đầu tiên của chương trình đó là “Đi du lịch đến Mộc Châu”, cô Ngọc đã thay đổi. Đây là khoảng thời gian giúp cho cô thư giãn và cân bằng lại cuộc sống.

Trở lại với mái trường, cô đã mở lại bài kĩ thuật công nghệ của mình để dạy học sinh. Niềm vui của cô đã lan toả đến tất cả mọi người. Học sinh vì vậy mà cũng chăm chú hơn, say mê nghe cô giảng bài”.

Cô Ngọc đã chấp nhận sự khác biệt. “Tốt thì giữ, chưa tốt hoặc không phù hợp thì tôi sẽ thay đổi”. Cô đã nhận ra cần phải điều chỉnh bản thân mình thế nào cho phù hợp. Tôi sẽ thay đổi để không lập dị trong mắt mọi người. Tôi cũng sẽ đồng điệu với tất cả các em học sinh nhiều hơn”, cô giáo nói.

Cô Ngọc đã cởi mở và chân thành hơn, lấy lại được sự tự tin cần có. Trước đây năng lượng của cô lên xuống thất thường khiến cho học sinh mất tập trung và uể oải trong lớp, thì hiện tại cô luôn truyền năng lượng, ánh mắt và nụ cười đến với tất cả mọi người.

Chuyến tàu này đã khiến cô Ngọc thay đổi. Đến trường là niềm vui, làm cái gì đó khiến cho học sinh vui vẻ, sôi nổi đấy là nguồn động viên lớn nhất của cô.

Cô giáo Lê Thu Nga, một giáo viên từng tham gia chương trình ở tập đầu tiên chia sẻ: “Tập phát sóng này mang đến cho tôi một triết lí sâu sắc, rằng trường học là một thế giới để sống. Bài học của cô Ngọc cũng là một bài học sâu sắc cho tôi”.

Anh Sa
Theo ĐSPL, Vietnammoi

Từ khóa: