Sự kiện hot
6 năm trước

Tử tù trước giờ thi hành án: Bí ẩn những dòng thư nhạt nhòa nước mắt

Những lá thư viết vội của các tử tù trước giờ thi hành án đều bày tỏ sự ăn năn và những tình cảm, lo lắng dành cho cha mẹ và người thân yêu. Các dòng chữ xô đẩy nhau, run rẩy và nhòe đi trong nước mắt.

Trước đó, sáng 17/11, tử tù Nguyễn Hải Dương đã bị thi hành án tiêm thuốc độc sau vụ thảm án cách đây hơn 2 năm ở tỉnh Bình Phước.

Sau 2 năm bị biệt giam, Dương nói với phóng viên rằng anh ta rất hối hận. Tử tù phạm tội Giết người và Cướp tài sản bảo sẽ không hành động như vậy nếu có cơ hội trở lại quãng thời gian đó.

Tử tù Nguyễn Hải Dương (Ảnh: Dân Trí)

Một người thân của Dương cho biết, Dương có 3 điều mong mỏi trước khi thi hành án. Đó là mong muốn gia đình Vũ Văn Tiến thứ lỗi; Vũ Văn Tiến được giảm án, không bị tử hình; và cuối cùng, gia đình khoẻ mạnh và được thi hành án càng sớm càng tốt.

Không chỉ riêng Dương, mà có lẽ, vào những thời khắc cuối cùng của cuộc đời, những tử tù mới cảm nhận được tột cùng giá trị của sự sống. Bởi vậy, trong tất cả những lá thư để lại cho người thân của họ đều có chung sự ân hận muộn màng trước khi về với đất.

Những bức thư viết vội trên những trang vở học sinh, họ muốn dành những lời cuối cùng cho người thân. Có lẽ điều mà những tử tù mong muốn lớn nhất trong những thời khắc cuối cùng đó là sự tha thứ. Sự tha thứ không chỉ tới từ gia đình người mà những tử tù gây ra tội ác, mà họ còn rất cần sự tha thứ từ những người thân.

Những lời nói ấy luôn day dứt, ám ảnh, là những tiếng nói cuối cùng của một con người trước khi rời xa vĩnh viễn cuộc đời thực tại. Dẫu biết rằng đó là lời nói của những kẻ đã từng gây ra tội ác, nhưng trong thẳm sâu con người họ chắc chắn vẫn còn le lói một phần nào đó gọi là “phần người”.

Như bức thư của tử tù Nguyễn Thế Đô, kẻ đang tâm giết bà lão bán ma túy để cướp đi một nhẫn vàng được viết khá dài với những nỗi niềm chồng chất.

Cuộc đời Đô cũng khá cơ cực, vợ anh ta bỏ đi để lại 2 đứa con gái thơ dại. Chỉ vì lòng tham, anh ta đã xuống tay sát hại cụ già để rồi phải trả giá bằng án tử hình, để lại bà mẹ già và hai đứa con.

Trong lá thư viết vội trên trang vở học sinh, Đô viết những dòng chữ xô đẩy nhau, run rẩy và nhòe đi trong nước mắt. "Mẹ và gia đình kính nhớ! Hôm nay con phải đi xa mẹ và gia đình mãi mãi rồi.

Con nhớ mẹ, thương mẹ và các cháu cùng em P nhiều lắm. Con ngàn lần xin gia đình tha lỗi cho con. Mẹ nhớ giữ gìn sức khỏe để nuôi dạy các cháu cho con, đừng để các cháu phải khổ mẹ nhé. Sau khi con đi rồi, mẹ xin xác con về cho con ở gần bố mẹ nhé. P em! Anh thương nhớ em nhiều lắm, hãy tha thứ cho anh, thay anh phụng dưỡng mẹ và nuôi dưỡng 2 cháu cho anh em nhé. Ngày cưới của em anh không có mặt được, tha lỗi cho anh em nhé…".

Khi còn sống trong trại tạm giam, Đô từng tâm sự điều mà anh ta day dứt, ân hận nhất là chưa làm gì được cho hai đứa con gái. Trong dòng thư cuối cùng, Đô dặn dò hai con với những lời lẽ chứa chan tình cảm: "Hai con thương! Bố ân hận khi không không giúp gì các con trong quãng đường còn lại của các con lắm, các con tha thứ cho bố nhé, bố thương 2 con nhiều, 2 con nhớ phải nghe lời bà, các bác, các chú nhé, ở cõi khác bố sẽ luôn phù hộ cho 2 con. Hai con phải thương yêu đùm bọc nhau nhé".

Hay đó những dòng tâm sự ngắn ngủi trong bức thư cuối cùng của tử tù Nguyễn Đức Nghĩa. Nhiều năm trước (tháng 7/2014), Nguyễn Đức Nghĩa (quê Hải Phòng) cũng phải thi hành án tử hình. Tử tù sinh năm 1988 là hung thủ sát hại bạn gái, chặt xác phi tang trong tòa chung cư ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) vào giữa năm 2010.

Theo cán bộ trại giam, suốt từ lúc bị bắt cho đến khi ra tòa, Nghĩa lạnh lùng, vô cảm. Trong phòng biệt giam, Nghĩa có những biểu hiện khó nắm bắt và sống khép kín. Mang án tử nhưng Nghĩa cho rằng mình có học nên tỏ ra trịnh thượng với các phạm nhân khác.

Sau khi đơn xin ân giảm bị bác và biết mình phải chịu tử hình bằng tiêm thuốc độc, Nghĩa càng tỏ ra buồn chán, đêm thường không ngủ, hoặc ngủ rất ít. Có thời điểm khoảng 2- 3h, tử tù này lại thức dậy ngồi trầm tư.

Trong thời khắc chờ thi hành án, Nghĩa đã viết vài dòng gửi về cho gia đình. Trong khổ giấy ngang với 8 dòng chữ, tử tù 30 tuổi viết những lời rỉ máu: “Mẹ, anh chị và các con thân yêu. Vậy là sau hơn bốn năm dài chờ đợi, cuối cùng cũng đến ngày con được trở về bên gia đình. Mọi người hãy mừng cho con nhé”. Bằng nét chữ run rẩy, Nghĩa cũng bảo: “Yêu mẹ, anh, các chị và các con vô cùng”. Cuối thư, cựu sinh viên đại học Ngoại thương viết: “Con của mẹ - Nguyễn Đức Nghĩa”. Dừng bút, Nguyễn Đức Nghĩa được cán bộ quản giáo bê cho bát phở gà nhưng anh ta cũng chỉ ăn được vài gắp rồi buông đũa.

Cũng cùng một nỗi niềm trước khi rời xa nhân thế, trong ba bức thư tử tù Nghiêm Văn Min (41 tuổi, cư trú tại phường Quang Trung, TP.Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) gửi cho người thân, từng câu từng chữ đều thấm đậm sự ân hận, nuối tiếc. Min và đồng bọn đã tham gia vụ nổ sung giết người thuê trên địa bàn huyện An Dương, tỉnh Hải Phòng vào tháng 2/2011 với giá khoảng 30 triệu đồng.

Thư tử tù Min gửi vợ. Ảnh: báo Tri thức trực tuyến

Trong lá thư gửi bố của mình, Min xin được tạ tội vì làm xấu mặt gia tộc và cầu xin được tha thứ: “Bố kính yêu!... Giây phút cuối của cuộc đời, con chỉ biết nói lời tạ tội với toàn gia tộc họ Nghiêm, hãy cho con một lời tha thứ… Và con xin nguyện vẫn luôn được là đứa con của dòng họ”.

Lá thư Min viết dài nhất là bức thư gửi người vợ chung sống nhiều năm. Trong thư, kẻ tử tù nói bản thân không cảm thấy hụt hẫng khi phải thi hành án bởi đó là cái giá thích đáng mà anh ta phải trả cho tội ác của mình. Min xin vợ nén đau thương, sớm vượt qua nghịch cảnh để thay mình chăm sóc con.

Mong mỏi lớn nhất của Min chính là được về với nơi đã sinh ra để gần mẹ: “Sau khi anh đã ra đi, hãy cho anh được về với nơi anh đã sinh ra, cho anh được gần mẹ. Còn sau này, nếu em vẫn mãi yêu vùng đất quê của chồng em thì hãy về đó sống khi tuổi về già. Đó là điều anh mong với vợ yêu của anh”.

Ngoài ra, Min còn hy vọng vợ sẽ dùng số tiền lưu ký hơn một triệu đồng của mình chuyển lại cho người bạn tử tù đang bị bệnh nặng và không có người thăm nuôi.

Trong thư gửi những đứa con thơ, Min nói rằng bản thân rất hạnh phúc khi được làm cha của chúng và bày tỏ nỗi day dứt khi không làm tròn nghĩa vụ của người cha. Min dặn dò hai con: “Dù trong hoàn cảnh nào các con cũng phải yêu thương nhau, biết vâng lời ông bà và mẹ. Các con phải thương mẹ, vì mẹ các con đã quá khổ cực vì bố con mình rồi…”.

Những đoạn trích thư từ biệt trên đây chỉ là một vài trong ngàn vạn những lời ăn năn, sám hối, những dằn vặt, đớn đau mà tử tù muốn bộc bạch trước khi buộc phải từ giã cõi đời. Có đọc chúng mới thấy, đằng sau những vụ án kinh hoàng nhất, những bàn tay vấy máu nhất vẫn là những tâm hồn khát thiện, khát sống. Chỉ có điều, họ yêu và nhận ra giá trị của sự sống quá muộn màng, muộn tới mức không còn cơ hội để sửa chữa.

M. Quỳnh

Theo Đời sống và Pháp luật

Từ khóa: