Sự kiện hot
6 năm trước

Tuyển sinh vào lớp 6: Đánh giá năng lực ngoại ngữ là bắt buộc?

Một điều quan tâm rất lớn của phụ huynh và học sinh là nếu Bộ GD&ĐT cho phép thi tuyển vào lớp 6, các em học sinh sẽ thi với hình thức như thế nào?

Mới đây, Bộ GD&ĐT đã công bố Dự thảo thông tư quy định về quy chế tuyển sinh THCS cho phép một số trường điểm được quyền tuyển sinh kết hợp xét tuyển và kiểm tra đánh giá năng lực học sinh vào lớp 6 đang thu hút sự quan tâm của nhiều bậc phụ huynh. Vậy nếu thi tuyển thì các em sẽ thi theo hình thức như thế nào?

Chỉ có thi tuyển mới tạo sự công bằng

Theo thầy giáo Vũ Khắc Ngọc - Hệ thống giáo dục Hocmai.vn, ở Việt Nam không thể nào có cái gọi là xét tuyển được. Vì kết quả theo dõi học tập định kì của các trường phổ thông không có một chuẩn thống nhất chung. Có thể cùng là điểm 9, 10 nhưng ở trường này trường khác lại có sự chênh lệch lớn. Cấp tiểu học lại đang bỏ đánh giá chấm điểm mà chỉ thi cuối kì mà thôi, nên rủi ro trong việc đánh giá kết quả sẽ khó mà chính xác, trung thực được.

Thầy giáo Vũ Khắc Ngọc - Hệ thống giáo dục Hocmai.vn. Ảnh: NVCC.

Nếu bỏ kì thi tuyển sinh vào lớp 6 sẽ phát sinh thêm vô số tiêu cực. Từ việc làm đẹp hồ sơ học bạ bằng các đầu điểm trên lớp của học sinh. Tiêu cực từ việc 'chạy giải' các giải thưởng mà các em tham gia. Vì vậy, thi tuyển sinh vẫn là biện pháp công bằng hơn cả. Tất cả các học sinh sẽ được đánh giá trên cùng một đề thi chung, chuẩn chung để tham chiếu sẽ chuẩn xác hơn nhiều.

Thầy Ngọc phân tích: "Việc theo dõi kết quả định kì 5 năm học tiểu học lẽ ra rất tốt và quan trọng nhưng hiện nay, Bộ vẫn chưa có giải pháp nào trong việc kiểm soát để cho điểm số đánh giá đảm bảo tính công bằng đồng đều ở các trường. Nếu kết quả đó tốt thực sự thì đã không cần phải thi. Còn câu chuyện thi tuyển có tạo áp lực cho học sinh hay không thì có hai vấn đề cần giải quyết như sau:

Một là, đề thi sẽ ra như thế nào? Nếu nội dung của đề thi ra là 'Đóng', cố định trong một số kiểu bài nhất định và quyền ra đề thi nằm trong tay một số cá nhân thì cũng vẫn không tránh được khả năng xảy ra tiêu cực. Bởi có thể người ta 'quen biết' với người ra đề sẽ được 'phím đề' chẳng hạn... Việc thiết kế nội dung đề thi phải thực sự đánh giá năng lực, phải có tính mở và khơi gợi được khả năng sáng tạo của học sinh, vận dụng linh hoạt tổng hợp kiến thức thay vì chỉ 'biết dạng này dạng kia' để làm.

Hai là, bộ phận ra đề thi phải độc lập về mặt quyền lợi với bộ phận tuyển sinh. Tuy nhiên, cũng phải tính toán cho kỹ phương án này vì có nhiều trường ngoài công lập (dân lập, tư thục, quốc tế...) cũng muốn tạo ra bản sắc riêng của mình trong việc tạo ra đề thi. Khi mà quy định được mở như vậy, các trường nhất là một số 'trường điểm' sẽ có sự 'ganh đua' về việc ra đề thi hay và sáng tạo nhất có thể".

Cũng theo thầy giáo này, ở bậc học lớp 5 - lớp 6, bản thân các em học sinh chưa phải ở tầm mức có độ "máu lửa" hay đam mê thực sự vào trường điểm, trường chuyên. Chủ yếu là ở bố mẹ các em. Muốn "cởi trói" áp lực cho các em thì phải bắt đầu từ chính các phụ huynh. Bố mẹ đã và đang kỳ vọng quá lớn vào con em mình. Bố mẹ thì bị áp lực "chạy điểm, chạy giải" cho con.

Học sinh THCS ở Hà Nội. Ảnh minh họa: Đình Tuệ.

"Bản thân các phụ huynh cần hiểu rằng, ngôi trường tốt nhất cho con mình phải là ngôi trường phù hợp nhất với năng lực của con. Là nơi tạo điều kiện để con phát huy được hết tiềm năng của mình. Phù hợp cả về mặt sở trường, địa lý, năng lực học tập, định hướng phát triển của trường... Tránh tình trạng bố mẹ kỳ vọng quá lớn vào con, bất chấp các em chưa đủ năng lực, sở thích để vào ngôi trường nào đó chỉ theo sự sắp đặt và tính 'sĩ diện' của bố mẹ. Lúc đó có thể các em sẽ rơi vào tình trạng tự ti và học kém nhất lớp dễ dẫn tới những suy nghĩ tiêu cực.

Vậy nên, sau quá trình tạo được danh tiếng và thương hiệu riêng của mình, các trường có quyền được lựa chọn những học sinh phù hợp nhất về năng lực, truyền thống, văn hóa với trường mình. Có nhiều hình thức để kiểm tra đánh giá chứ không nhất thiết phải là thi Toán, Tiếng Việt. Có thể theo dưới dạng bài kiểm tra IQ, hoặc những đề thi mang tính chất giống với những cuộc thi có yếu tố quốc tế như Violympic, giải toán Kanguru...", thầy Vũ Khắc Ngọc nêu quan điểm.

Đánh giá năng lực Ngoại ngữ là bắt buộc

Trao đổi với chúng tôi, cô giáo Lê Thị Chính - Hiệu trưởng Trường phổ thông quốc tế Newton (Hà Nội) cho biết: "Mỗi trường sẽ có những cách làm khác nhau để tuyển học sinh phù hợp với điều kiện của mình. Do là trường quốc tế nên nhiều năm nay, chúng tôi vẫn duy trì hình thức đánh giá năng lực Ngoại ngữ của học sinh khi tuyển sinh vào lớp 6. Dù là với lớp nào cũng vậy, vào đây học với giáo viên bản ngữ nhiều mà không thử xem khả năng Ngoại ngữ của các em có theo được không mà cứ nhận vào thì sẽ lãng phí tiền của phụ huynh".

Cũng theo cô Chính, nhà trường áp dụng hình thức cho các em học sinh phỏng vấn tư duy với giáo viên người nước ngoài để có thể chọn lọc được những em có đủ khả năng theo học.

Kiểm tra năng lực bằng phỏng vấn học sinh

Thầy giáo Nguyễn Quang Tùng. Ảnh: NVCC.

Còn theo thầy giáo Nguyễn Quang Tùng - Hiệu trưởng Trường THCS & THPT Lômônôxốp (Mỹ Đình, Hà Nội), ông rất ủng hộ dự thảo quy chế tuyển sinh mới lần này mà Bộ GD&ĐT vừa công bố để lấy ý kiến. Nhà trường chịu nhiều sức ép khi số học sinh nộp đơn vào xin lớp 6 nhiều hơn so với chỉ tiêu tuyển sinh. Nếu cho phép xét tuyển kết hợp với kiểm tra đánh giá năng lực học sinh sẽ giải quyết được nhiều vướng mắc.

"Cần có kì thi tuyển đánh giá năng lực học sinh để góp phần định hướng cho việc dạy và đánh giá học sinh ở trường tiểu học. Trường sẽ có kiểm tra phỏng vấn điểm nhân hệ số 2 cộng với kết quả ở bậc Tiểu học nhân hệ số 1. Lấy điểm từ cao xuống thấp để tạo ra sự công bằng. Nhà trường hiện đang xây dựng phương án tuyển sinh, dự kiến tháng 3/2018 sẽ cơ bản hoàn thành. Tuy nhiên vẫn phải chờ Bộ GD&ĐT quyết định thì chúng tôi mới làm", thầy Nguyễn Quang Tùng thông tin.

Đình Tuệ
Theo ĐSPL, Vietnammoi

Từ khóa: