Sự kiện hot
6 năm trước

Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất chè

Những năm gần đây, cây chè đã được chính quyền khuyến khích phát triển hơn. Đặc biệt, việc chú trọng triển khai sản xuất chè ứng dụng công nghệ cao đang là hướng đi mới nhưng cũng từng bước phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, thực tế ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao cũng đặt ra nhiều thách thức và cơ hội cho ngành chè Việt Nam.

Chè được trồng rộng rãi ở Việt Nam từ rất lâu, cung cấp việc làm cho hơn hàng trăm người nông dân và đóng góp lớn vào quá trình phát triển nông thôn và giảm bớt đói nghèo. Sự độc đáo của chè Việt Nam, hương vị thơm ngon, cùng với lịch sử trồng chè lâu đời là thế mạnh trong thị trường chè đặc sản. Hiện Việt Nam là nước sản xuất chè lớn thứ 7 và xuất khẩu chè lớn thứ 5 trên thế giới.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa được thế giới ghi nhận là nước sản xuất và xuất khẩu chè hàng đầu, mặc dù đã có tiếng tăm về chè xanh và chè đặc sản. Một phần bởi sản xuất, sơ chế chè của người dân chủ yếu vẫn theo phương pháp thủ công truyền thống, quy mô hộ; chưa có quy hoạch vùng sản xuất nguyên liệu tập trung gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Mô hình vùng sản xuất chè ứng dụng công nghệ cao của tỉnh còn ít; sản phẩm chè được chế biến công nghiệp chủ yếu là nguyên liệu thô có chất lượng và giá trị kinh tế thấp; các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào sản xuất, chế biến chè công nghệ cao cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu chưa nhiều.

Hoạt động chế biến chè sử dụng công nghệ cao tại Công ty cổ phần Chè Hà Thái - Thái Nguyên. (Ảnh: hathaitea.com)

Nhằm góp phần đẩy mạnh phát triển nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực, thực phẩm quốc gia và gia tăng xuất khẩu, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 575/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Về quy hoạch vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao về sản xuất chè, Quyết định nêu rõ: Các vùng sản xuất chè ứng dụng công nghệ cao tập trung tại Thái Nguyên và Lâm Đồng.

Nông nghiệp công nghệ cao là việc ứng dụng kết hợp những công nghệ tiên tiến để sản xuất nhằm tạo đột phá về năng suất, chất lượng nông sản, bảo đảm sự phát triển bền vững. Ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp đã đem lại nhiều tiến bộ và hiệu quả trong sản xuấtvà đóng góp trong các thành tựu của ngành nông nghiệp chè như tạo ra các giống mới, giúp nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng trong sản xuất nông nghiệp. Mặc dù sự đóng góp của việc ứng dụng công nghệ cao được đánh giá cao như vậy nhưng thực tế hiện nay cho thấy trong lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam đang lạc hậu so với nhiều nước trong khu vực cũng như của thế giới, không đáp ứng được nhu cầu của thực tiễn sản xuất.

Công đoạn tinh chế bằng công nghệ Camera quang học tại nhà máy Cozy

Cụ thể, theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, riêng việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Hà Nội chưa nhiều, thậm chí khá nhỏ lẻ, quy mô nhỏ, mức độ ứng dụng không đồng đều… . Tính đến nay, Hà Nội vẫn chưa có các khu, vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, và mới chỉ có hai dự án được UBND TP phê duyệt chủ trương đầu tư triển khai thực hiện, năm cơ sở nuôi lợn giống "ông bà", ba cơ sở sản xuất giống cây trồng, 160 trang trại lợn, 254 trang trại gà, bảy cơ sở sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản ứng dụng công nghệ cao. Có hơn 924 ha sản xuất cây ăn quả, hơn 309 ha sản xuất chè ứng dụng công nghệ cao… Các loại hình công nghệ cao được ứng dụng trong nông nghiệp trên địa bàn Hà Nội gồm ứng dụng công nghệ nhà kính, nhà lưới, màng phủ nông nghiệp, lưới tự động, thủy canh, các loại giống mới năng suất cao nhập khẩu từ nước ngoài, công nghệ sinh học, công nghệ nhân giống in vitro tạo ra các loại giống sạch bệnh có tính đồng nhất và ổn định về năng suất, chất lượng

Do đó, thời gian tới, Hà Nội sẽ đẩy nhanh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất chè, đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao trong phát triển sản xuất nhằm tạo ra sản phẩm chè an toàn, chất lượng, có hàm lượng công nghệ cao. Phấn đấu đến năm 2020, năng suất chè thành phẩm bình quân của thành phố đạt 3-3,2 tấn/ha và mang lại hiệu quả kinh tế 300-350 triệu đồng/ha/năm, tăng hơn so với những năm trước 100-180 triệu đồng/ha/năm; Qua đó thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất chè, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng chè của nhân dân thành phố.

Thực tế ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao cũng không hề suôn sẻ, dễ dàng khi gặp phải rất nhiều khó khăn về cơ chế, chính sách. Để mở rộng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, cần hoàn thiện chính sách, tạo môi trường thuận lợi nhất thúc đẩy phát triển ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp; xã hội hóa tối đa đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; huy động sự tham gia của các thành phần kinh tế, đặc biệt là các doanh nghiệp và các tổ chức khoa học công nghệ, thu hút các nguồn đầu tư nước ngoài; liên kết chặt chẽ giữa sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; các địa phương cần triển khai quy hoạch và quản lý tốt quy hoạch.

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển, tình hình biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp, nền nông nghiệp của Việt Nam, trong đó có sản xuất chè đã và đang tìm những cơ hội, chỉ ra những thách thức để đưa ra những giải pháp phát triển phù hợp, tranh thủ tiến bộ khoa học công nghệ mới, ứng dụng công nghệ cao để thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững.

Hồng Anh
Theo Báo Đời sống & Tiêu dùng

Từ khóa: