Sự kiện hot
6 năm trước

VEC có thể bị thu hồi 'đất vàng' ở Cầu Giấy

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng VEC là doanh nghiệp nhà nước nên không được thực hiện các dự án đầu tư kinh doanh bất động sản.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ về vấn đề thay đổi mục tiêu và hình thức đầu tư Dự án trụ sở Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC).

Ảnh minh họa

Phúc đáp văn bản số 338/VPCP-CN ngày 10/1/2018 của Văn phòng Chính phủ đề nghị có ý kiến về việc thay đổi mục tiêu và hình thức đầu tư dự án trụ sở Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng VEC là doanh nghiệp nhà nước nên không được thực hiện các dự án đầu tư kinh doanh bất động sản.

Việc VEC hợp tác với nhà đầu tư khác để thực hiện dự án như đề xuất, không thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất là chưa phù hợp với quy định, Nhà nước sẽ không thu được lợi ích cao nhất trong việc giao đất.

Đối với khu đất đã giao cho VEC, theo quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 118 Luật Đất đai năm 2013, trường hợp nhà nước giao đất cho nhà đầu tư để thực hiện các dự án xây dựng nhà ở để bán hoặc cho thuê thì việc giao đất phải thông qua đấu giá quyền sử dụng đất.

Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội đã giao đất cho công ty để thực hiện Dự án xây dựng trụ sở từ năm 2008 nhưng đến nay đã gần 10 năm VEC vẫn chưa triển khai dự án và còn nợ tiền sử dụng đất.

Trước đó VEC đã có văn bản gửi Bộ GTVT xin thay đổi mục tiêu và đối tác đầu tư dự án xây dựng trụ sở làm việc tại lô 20-E4 khu đô thị mới Cầu Giấy (Hà Nội). Dự án có quy mô 30 tầng nổi, 3 tầng hầm, tổng diện tích sàn xây dựng 43.550m2, mật độ xây dựng 36,8%. Trụ sở VEC được xây dựng trên khu đất rộng 4.180m2, trong đó diện tích xây dựng 1.540m2, tổng mức đầu tư dự án khoảng 667 tỷ đồng. Tuy nhiên đến nay dự án này vẫn chỉ là khu đất trống.

Theo giải trình vủa VEC, quy mô ban đầu dự án 43.550m2 sàn xây dựng, trong khi nhu cầu sử dụng văn phòng của VEC đến năm 2020 chỉ 2.860m2 sàn (bằng 1/15 diện tích sàn tòa nhà), phần diện tích còn lại, VEC cũng không thể đưa vào khai thác do mục tiêu ban đầu của dự án chỉ là xây trụ sở.

Trường hợp không đưa đất vào sử dụng thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp cho nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án trong thời gian này;

Hết thời hạn dược gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về dất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp bất khả kháng.

Được biết kể từ khi nhận đất cho đến nay VEC mới chỉ nộp 4,18 tỷ đồng cho tiền đặt cọc thuê đất ngoài ra chưa thực hiện nhiệm vụ tài chính nào khác. Như vậy theo các quy định trên thì khu đất mà thành phố Hà Nội đã giao cho VEC thuộc trường hợp phải thu hồi. Việc đề xuất hợp tác với nhà đầu tư khác thông qua góp vốn bằng quyền phát triển dự án tại khu đất nêu trên là chưa phù hợp.

Nhật Huyền

Theo Kinh tế & Tiêu dùng

Từ khóa: