Sự kiện hot
6 năm trước

'Vấn nạn' bạo hành trẻ em: Cần tăng cường chế tài xử phạt

Theo các chuyên gia, cơ quan chức năng cần nghiên cứu và đưa ra những chế tài đủ mạnh nhằm răn đe, ngăn ngừa những hành vi hành hạ, bạo hành trẻ theo cấp, từ quản lý đến giáo viên, nhân viên khi xảy ra bạo hành trẻ.

Liên quan đến sự việc người quản lý và giáo viên của Trường mầm non tư thục Mầm Xanh, phường Hiệp Thành, Q.12, TPHCM liên tục có hành vi bạo hành, đánh trẻ trong PV đã có cuộc trao đổi với chuyên gia tâm lý và luật sư để trao đổi về chế tài xử lý về hành vi này.

T.S Nguyễn Thị Kim Quý (Ảnh: Dân trí)

Bạo hành trẻ em là hành vi thô bạo

Theo chuyên gia tâm lý T.S Nguyễn Thị Kim Quý (Hội Tâm lý giáo dục Việt Nam), thời gian gần đây, nhiều vụ bạo hành trẻ em (BHTE) diễn ra với những mức độ nghiêm trọng khác nhau, đã để lại nỗi đau đớn, sợ hãi không chỉ trong tâm hồn con trẻ, mà còn là sự phẫn uất của người lớn.

BHTE là hành vi thô bạo, BHTE không chỉ gây ảnh hưởng đến thân thể, gây thương tích mà thậm chí còn dẫn đến tật nguyền. Bạo hành còn có yếu tố lăng mạ về tinh thần, xúc phạm dạnh dự, nhân phẩm của người khác dẫn đến những chứng bệnh thần kinh, tự kỷ...

Để giải quyết vấn đề trên, chuyên gia Quý cho rằng cần có sự kết hợp của các cấp, các ngành, đặc biệt là phải nâng cao giáo dục, nhận thức và trách nhiệm của người lớn đối với quyền trẻ em. Nhà nước đã ban hành rất nhiều bộ luật để bảo vệ quyền trẻ em, thế nhưng sự thờ ơ, vô cảm hoặc tâm lý nể nang, lo sợ bị trả thù...khiến nhiều người xung quanh không dám can thiệp hoặc tố giác hành vi bạo hành.

Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát thực thi các quy định pháp luật về bảo vệ quyền trẻ em ở nhiều nơi còn chưa tốt, thiếu đồng bộ. Giải quyết được vấn đề trên, chắc chắn vấn nạn BHTE sẽ không có đất tồn tại.

Cần có chế tài mạnh

Luật sư Nguyễn Minh Long – Văn phòng luật sư Dragon Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho hay, việc bạo hành trong học đường, đặc biệt là đối với lứa tuổi mầm non là việc hết sức đáng lo ngại, trái với đạo đức của nghề giáo, trái với các quy định của pháp luật về trách nhiệm và những điều giáo viên không được làm.

Điều 75, Luật Giáo dục (2005) đã quy định rõ: Giáo viên không được Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể của người học.

Về nguyên nhân trẻ bị bạo hành, theo LS Long thì có 3 nguyên nhân chính. Cụ thể:

Thứ nhất, do một bộ phận giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non còn yếu về kỹ năng sư phạm, kỹ năng mềm.

Thứ 2, các quy định cũng như các chế tài xử phạt của các hành vi bạo lực học đường chưa đủ sức răn đe. Công tác kiểm tra giám sát, nhất là đối với các trường dân lập chưa thật sự được các cơ quan hữu quan quan tâm và chưa có sự phối hợp đồng bộ.

Thứ 3, giáo dục đòi hỏi sự kết hợp giữa – gia đình – nhà trường và xã hội. Nhưng một bộ phận cha mẹ hiện nay đang phó mặc trách nhiệm giáo dục cho nhà trường, ít quan tâm tới con cái. Điều này làm cho trẻ ngày càng có xu hướng hình thành các tư tưởng tiêu cực.

Luật sư Nguyễn Minh Long trao đổi với PV (Ảnh: LS cung cấp)

Quản lý các trường mầm non sao cho hiệu quả?

Chuyên gia tâm lý T.S Nguyễn Thị Kim Quý cho biết, ngay từ đầu, đối với nguồn giáo viên và cơ sở vật chất của các cơ sở tư thực phải được kiểm duyệt, đánh giá một cách thấu đáo trước khi cấp phép hoạt động.

Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, đánh giá hoạt động, chất lượng giáo dục tại các cơ sở này phải được thực hiện thường xuyên và quyết liệt.

Phải có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có thẩm quyền trong việc thanh tra kiểm tra xử lý vi phạm.

Hơn nữa, các chế tài xử phạt đặc biệt là đối với các cơ sở dân lập xảy ra bạo hành phải có sức răn đe, đa số các hình phạt hiện nay là phạt hành chính và đình chỉ hoạt động một thời gian, thu hồi giấy phép là chưa mang tính giáo dục làm gương cao.

Đồng quan điểm với TS Quý, LS Long cho biết thêm, đối với các các cơ sở đào tạo mầm non, nhà trẻ, Thông tư 28/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu rõ thẩm quyền cho phép thành lập và cho phép hoạt động giáo dục nhà trường, nhà trẻ tư thục.

Khi phát hiện nhà trường, nhà trẻ tư thục vi phạm, phòng giáo dục và đào tạo lập hồ sơ và thông báo cho nhà trường, nhà trẻ về hành vi vi phạm. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày thông báo cho nhà trường, nhà trẻ về việc phát hiện hành vi vi phạm, Trưởng phòng giáo dục và đào tạo xem xét quyết định đình chỉ hay không đình chỉ hoạt động giáo dục của nhà trường, nhà trẻ tư thục.

Đây là các chế tài và quy trình xử lí ở mức cao nhất đối với các nhóm, trường, nhà trẻ tư thục. Tuy nhiên, nếu việc bạo hành học đường vẫn xảy ra thì theo ý kiến của tôi Phòng Giáo dục quận, huyện là cơ quan phải chịu trách nhiệm.

Biện pháp giải quyết “vấn nạn” bạo hành trẻ

TS Quý cho rằng, để giải quyết tình trạng bạo hành trẻ em tại các trường mầm non thì cần phải sự phối hợp của các cơ quan hữu quan, cũng như sự phối hợp giữa gia đình nhà trường và xã hội.

Cụ thể: nâng cao chất lượng của hệ thống các cơ sở đào tạo giáo dục; nâng cao chất lượng của giáo viên vừa có tâm, có đức vừa có tài; củng cố và đẩy mạnh các chế tài xử phạt nghiêm minh với hành vi bạo hành, đặc biệt là trẻ em.

Bản thân gia đình cũng phải thường xuyên quan tâm, theo sát các cháu để phát hiện các dấu hiệu bất thường.

Phân cấp quản lý các nhóm trẻ, nhà trẻ, trường mầm non ngoài công lập. Quy định rõ trách nhiệm của các cấp quản lý, cấp phép hoạt động đối với các cơ sở nuôi dạy trẻ. Những đơn vị không đủ điều kiện cơ sở vật chất và nhân lực sẽ không được cấp phép hoặc buộc ngưng hoạt động.

Chỉ ra thêm những biện pháp giải quyết “vấn nạn” này, LS Long cho rằng cần phải tăng cường đào tạo, bồi dưỡng định kỳ nhằm nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ trong công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên tại các cơ sở ngoài công lập.

Đồng thời, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu và đưa ra những chế tài đủ mạnh nhằm răn đe, ngăn ngừa những hành vi hành hạ, bạo hành trẻ theo cấp, từ quản lý đến giáo viên, nhân viên khi xảy ra bạo hành trẻ.

Không chỉ có vậy, các bậc phụ huynh cũng cần có ý thức cảnh giác khi gửi con vào các cơ sở nuôi dạy trẻ ngoài công lập, thường xuyên theo dõi, kiểm tra thân thể và tâm lý của trẻ.

Nếu thấy các em có những biểu hiện, phản ứng bất thường, cần tìm hiểu rõ nguyên nhân để kịp thời xử lý, tránh để xảy ra những hành vi bạo hành đáng tiếc xảy ra với trẻ trong một thời gian dài mà không biết. Tình trạng này sẽ để lại hậu quả không nhỏ cả về mặt thể chất và tâm lý trong tiến trình phát triển của trẻ.

Cuối cùng, cần sử dụng các phương tiện kỹ thuật hiện đại nhằm kiểm soát trực tiếp hay gián tiếp hoạt động của cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên, giúp họ tự ý thức hơn về những hành vi, hành động của mình đối với trẻ.

Nhật Anh
Theo ĐSPL, Vietnammoi

Từ khóa: