Sự kiện hot
6 năm trước

Xe kéo 'khủng' được điều đến, BOT Cai Lậy vẫn phải xả trạm 7 lần trong đêm

Một xe kéo chuyên dụng thuộc hàng "khủng" có thể kéo xe có tổng tải trọng gần 100 tấn của Cục đường bộ, đã được điều đến trạm thu phí. Tuy nhiên, chỉ trong vòng 7 giờ đồng hồ, BOT Cai Lậy đã phải xả trạm 7 lần.

Bước sang ngày thứ 5 trạm BOT Cai Lậy hoạt động trở lại sau hơn 3 tháng tạm ngưng, trạm thu phí này đã gần 30 lần xả trạm vì vấp phải sự phản đối dữ dội của giới tài xế và người dân địa phương.

Gần đây nhất, vào lúc 23h đêm 3/12, trạm thu phí BOT Cai Lậy tiếp tục hoạt động trở lại, tuy nhiên chỉ 30 phút sau, chủ đầu tư buộc phải xả trạm.

Các tài xế tiếp tục phản ứng dữ dội khi qua trạm vào sáng 4/12. Ảnh: Văn Dũng

Tính từ thời điểm lúc 0h -10h sáng ngày 4/12, trạm này đã phải 7 lần xả trạm bởi sau mỗi lần thu phí trở lại, các tài xế lại tiếp tục phản đối khiến chủ đầu tư phải buộc tạm ngưng thu phí.

Trước đó, một chiếc xe kéo chuyên dụng thuộc hàng “khủng” của Cục đường bộ mang biển kiểm soát Đà Nẵng 43A-002.70 đã được điểu động đến Cai Lậy và đậu ở sân của nhà đều hành BOT Cai Lậy.

Chiếc xe kéo chuyên dụng thuộc hàng "khủng" đã được điều động đến gần trạm BOT Cai Lậy. Ảnh: Văn Dũng

Liên quan đến vụ việc này, nhiều chuyên gia, các nhà quản lý và người dân cho rằng cần phải di dời trạm về đường tránh để giải toả xung đột đang diễn ra tại BOT Cai Lậy.

Các tài xế vẫn kịch liệt phản đối chủ đầu từ và yêu cầu phải di dời trạm BOT Cai Lậy về đường tránh. Ảnh: Văn Dũng

Theo ông Trần Quang Chiểu, ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội cho biết, cần dứt khoát phải di dời trạm BOT Cai Lậy vào tuyến tránh thì dân mới hết bức xúc. Cách giải quyết không có khó khăn gì quá lớn khi chúng ta thực hiện theo đúng nguyên tắc thị trường và quy định pháp luật.

Ông Chiểu phân tích, cần phải phân định rõ tài xế không phải trả phí cho đoạn đường hơn 26,5km trên quốc lộ 1 do họ đã nộp cho quỹ bảo trì đường bộ hằng năm.

300 tỉ đồng mà nhà đầu tư đã bỏ ra để sửa chữa, cải tạo 26,5km này thì Nhà nước phải bỏ ra để trả cho nhà đầu tư, sau khi kiểm toán.

Các chuyên gia nói rằng tài xế không phải trả phí cho đoạn đường hơn 26,5km trên quốc lộ 1 do họ đã nộp cho quỹ bảo trì đường bộ hằng năm. Ảnh: Văn Dũng

Nếu lãnh đạo Bộ GTVT nói không có tiền do ngân sách khó khăn thì không chính xác. Việc gì đúng thì phải chi chứ không thể nói khó mà đổ hết cho dân gánh chịu. Số tiền lớn chúng ta còn bố trí được, 300 tỉ đồng không phải là quá lớn.

Còn đoạn đường tránh 12km mà nhà đầu tư đã bỏ ra làm, Bộ GTVT, UBND tỉnh Tiền Giang và nhà đầu tư ngồi lại tính toán phương án để đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp. Có thể kéo dài thời gian thu phí để hoàn vốn thay vì 6 năm 5 tháng như dự kiến.

Cứ mỗi lần trạm BOT Cai Lậy thu phí trở lại, giao thông trên quốc lộ 1 bị ùn ứ. Ảnh: Văn Dũng

Mặt khác, việc lo ngại khi di dời trạm về tuyến tránh thì xe sẽ chỉ chạy trên quốc lộ 1 mà không chạy vào tuyến tránh có thể xảy ra. Nên Bộ GTVT với việc có đủ biện pháp kỹ thuật, như đưa ra khung giờ để quy định xe có trọng tải lớn không được chạy vào quốc lộ 1 nhằm tránh ùn tắc và đảm bảo chất lượng đường...

Như vậy, để xác định dự án sẽ được thu hồi vốn trong bao lâu, cơ quan quản lý cần quyết toán dự án tuyến tránh xem tổng mức đầu tư, mức thu và đánh giá lưu lượng xe cụ thể.

Văn Dũng
Theo ĐSPL, Vietnammoi

Từ khóa: