Sự kiện hot
7 năm trước

“Xe mọt” tung hoành khắp phố phường Thủ đô

Thông tin về việc Hà Nội sẽ có biện pháp thu hồi 2,5 triệu xe máy cũ nát để giảm thiểu tai nạn giao thông, bảo vệ môi trường và văn minh đô thị. Tuy nhiên, nhiều người lo lắng liệu Hà Nội có làm được không, hay lại nửa vời như chiến dịch xóa bỏ xe ba gác?


Xe máy cũ nát chở hàng cồng kềnh trên đường Đại Cồ Việt. Ảnh: HP

Xe 2 triệu đồng xả khói mọi góc phố

Trong nhiều năm qua, đã có những thống kê đáng báo động về tình trạng ô nhiễm không khí, ô nhiễm tiếng ồn và mất an toàn giao thông ở Thủ đô. Một trong những nguyên nhân chính của tình trạng trên là do hàng triệu xe máy cũ nát vẫn đang lưu hành trên đường.

Đường Đê La Thành, con đường tập trung nhiều cửa hàng sắt thép, vật liệu xây dựng, có đầy rẫy xe máy cũ nát. Đó là những chiếc xe trong tình trạng không đèn, không còi, không gương, không biển số, thậm chí trơ khung. Chúng vẫn được trưng dụng để chở những bó thép dài hàng mét, những đồ vật cồng kềnh, ngang nhiên nhả khói, tiếng ồn giữa phố xá đông đúc.

Dân chở vật liệu gọi loại xe này là “xe mọt”. Hầu hết những chiếc xe này đều không có giấy tờ, được cải tạo lại, hoặc sửa chữa kiểu vá víu để mưu sinh, giá rất rẻ. Xe đi cả năm có khi chẳng phải sửa chữa hay bảo dưỡng gì, cứ khi nào không nổ máy được nữa mới đem ra cửa hàng sửa chữa. Hơn nữa, những chiếc xe này có thể dựng dọc vỉa hè không ai thèm lấy.

Anh Nguyễn Phương Định, người chuyên chở hàng cho một cửa hàng sắt thép ở Đê La Thành thừa nhận: “Xe rất thiếu an toàn, thậm chí nguy hiểm khi tham gia giao thông và gây ô nhiễm môi trường. Nhưng chủ họ giao cho xe nào thì mình chạy con ấy, làm sao đề xuất họ thay xe được”. Những cửa hàng sắt thép, đại lý bán sơn, nước đá... rất ưa chuộng và chọn mua xe cũ nát giao cho nhân viên để vận chuyển hàng cho khách. Vì theo anh Định: “Loại xe này không lo xước xát, không chạy được thì vứt, công an bắt thì coi như mất cũng chẳng sao”.

Không chỉ ở Đê La Thành, trên nhiều tuyến đường của Thủ đô như Giải Phóng, Nguyễn Trãi, Nguyễn Xiển… cũng xuất hiện nhiều xe máy, xe ba bánh, xe ô tô tải loại nhỏ chở hàng hóa tham gia giao thông. Do sử dụng lâu năm nhiều bộ phận những loại xe này đã hư hỏng, xả khói đen kịt.

Tại tuyến đường Giải Phóng - nơi thường tập trung nhiều cửa hàng vật liệu xây dựng, máy móc - xuất hiện nhiều xe máy, xe ba gác cũ nát, phần máy được tái chế lại từ xe máy cũ. Nhiều xe chở nhôm, kính, sắt thép dài 3-4m chiếm hết lối đi của các phương tiện khác. Các loại xe này hầu hết đã xuống cấp sau thời gian dài phơi mưa nắng, chở hàng hóa nặng, bộ vỏ bên ngoài đổi màu, nứt vỡ được nhiều người gắn keo, buộc dây thép cố định. Nhiều bộ phận như giảm xóc, chân chống, giá chở hàng,… cũng được “độ” lại theo nhu cầu chở hàng.

Thu hồi được không?


Phương tiện “chuyên dụng” ở Đê La Thành chuẩn bị ra đường.

Tìm hiểu tại một cửa hàng thu mua xe máy cũ về tu sửa ở Định Công (quận Hoàng Mai) chúng tôi được biết, trong tất cả các loại xe cũ, nát, thì dòng xe Honda như Cub, Wave, Dream,... vẫn được lựa chọn nhiều nhất vì loại này hoạt động bền bỉ, phụ tùng dễ thay thế chúng còn có ưu điểm nhỏ gọn, khung chắc, chở nặng tốt, lại ăn ít xăng. Một chiếc xe như vậy cửa hàng này đang bán ra khoảng 2,5-3 triệu đồng. Nhưng trên đường phố, xe máy cũ nát xuất xứ Trung Quốc sản xuất từ những năm 2000 vẫn lưu thông nhiều nhất. Loại này giá rẻ chỉ 1-2 triệu đồng/chiếc.

Theo ghi nhận của chúng tôi, đường phố Thủ đô có rất nhiều xe máy đăng ký trước năm 2000 đang được người dân dùng chuyên chở hàng hóa. Trước thông tin thành phố nghiên cứu hỗ trợ tài chính để thu hồi xe máy cũ nát, nhiều người tỏ ra bất ngờ vì chưa từng biết xe máy sử dụng bao năm phải loại bỏ.

Ông Hồ Quang Hòa, ở CT8B, khu đô thị Đại Thanh (huyện Thanh Trì), đang sử dụng chiếc xe Honda dòng Wave mua từ năm 1999, nhưng ông khẳng định xe vẫn còn rất tốt. “Tôi chưa hề biết xe máy được đi bao nhiêu năm, hay mức độ cũ cụ thể như thế nào thì phải loại bỏ. Xe máy của tôi được bảo dưỡng thường xuyên, nên vận hành vẫn bình thường, làm sao mà phải bỏ”, ông Hòa băn khoăn.

Là người sử dụng xe máy đăng ký từ năm 2001, anh Hoàng Cường ở Phan Trọng Tuệ (quận Hà Đông) nêu ý kiến: “Xe cũ quá đi lại nguy hiểm cho mình, cho người xung quanh, lại ô nhiễm môi trường, thu hồi là đúng. Tuy nhiên, cơ quan chức năng nên có tiêu chí đánh giá, không thể lấy niên hạn sử dụng để thu hồi hàng loạt, bởi lẽ xe của người bảo quản tốt khác với xe thồ hàng”.

Việc thu hồi xe máy cũ nát là một vấn đề liên quan đến hàng triệu gia đình; là việc sẽ nảy sinh nhiều phức tạp khi tiến hành. Nhưng chỉ khi nào đường phố Hà Nội không còn những xe máy cũ nát lưu thông thì mới giảm thiểu được tai nạn giao thông, giảm ô nhiễm môi trường và đỡ mất mỹ quan đô thị. Khi đó, người tham gia giao thông mới tin “xe mọt” hết chỗ đứng.

 

90% xe ba gác trá hình

Những năm trước, chủ trương loại bỏ các loại xe 3 bánh đã được đưa ra nhưng chưa thực hiện được, do vấp phải sự phản đối quyết liệt của những người được gọi là thương binh. Nhưng hiện nay, lượng “xe thương binh” thật còn không nhiều, mà chủ yếu là “xe thương binh” giả tung hoành. Thống kê cho thấy, lượng “xe thương binh” chỉ còn khoảng 10%. Những người lái xe này dù sao cũng đã cao tuổi, sức khỏe yếu, nên có thể hỗ trợ kinh phí loại bỏ xe để họ chuyển đổi nghề khác. Còn lại 90% những người sử dụng “xe thương binh” giả.

 

 

theo GĐ&XH

Từ khóa: