Sự kiện hot
6 năm trước

Xuất khẩu gạo của Ấn Độ dự kiến đạt kỷ lục nhờ Bangladesh gia tăng nhập khẩu

Nguồn tin từ Ấn Độ cho biết, xuất khẩu gạo của quốc gia này có thể tăng 22% trong năm 2017 lên mức kỷ lục 12,3 triệu tấn. Nguyên nhân là vì quốc gia láng giềng, Bangladesh gia tăng lượng gạo nhập khẩu sau khi lũ lụt tàn phá mùa màng tại đây.

Theo Reuters, đà tăng của xuất khẩu tại quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới được dự báo sẽ duy trì trong năm 2018, vì Bangladesh và Sri Lanka sẽ tiếp tục mua vào với số lượng lớn trong bối cảnh lượng hàng trong kho cạn kiệt tại Thái Lan, quốc gia xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới.

“Bangladesh tích cực mua gạo xuyên suốt năm 2017. Điều này đã làm cân bằng nhu cầu suy yếu tại các quốc gia châu Phi”, ông M. Adishankar, giám đốc điều hành tại công ty Sri Lalitha, nhà xuất khẩu gạo hàng đầu tại miền nam Ấn Độ, cho biết.

Các nhà chức trách và công ty xuất khẩu cho biết, hoạt động thu mua của Bangladesh có thể giúp xuất khẩu gạo non – basmati tăng 38% lên 8,4 triệu tấn trong năm 2017 và tổng xuất khẩu đạt 12,3 triệu tấn. Con số này sẽ vượt qua mức kỷ lục trong năm 2014 là 11,5 triệu tấn.

Số liệu trong năm 2017 được dựa trên ước tính từ dữ liệu xuất khẩu trong tháng 12 cùng với báo cáo chính phủ được công bố từ tháng 1 đến tháng 11 trước đó. Báo cáo tháng 12 của chính phủ Ấn Độ được dự kiến công bố vào đầu tháng sau.

Gạo non – basmati của Ấn Độ chủ yếu được xuất khẩu sang các quốc gia châu Phi và châu Á, trong khi gạo basmati được xuất khẩu sang Trung Đông, Mỹ và Anh.

Bangladesh, quốc gia sản xuất gạo lớn thứ 4 trên thế giới, trở thành nhà nhập khẩu gạo lớn trong năm 2017 sau khi lũ lụt tàn phá mùa màng và đẩy giá gạo trong nước lên cao kỷ lục.

Theo ông Badrul Hasan, người đứng đầu Cơ quan thu mua ngũ cốc quốc gia của Bangladesh, 80% trong tổng số 2,4 triệu tấn gạo nhập khẩu trong năm 2017 có nguồn gốc từ Ấn Độ.

Ông Hasan cho biết thêm, Bangladesh có thể sẽ phải tiếp tục nhập khẩu một lượng lớn gạo từ nước ngoài cho tới khi nguồn cung tăng trở lại sau vụ lúa mùa hè, được biết đến là Boro, vào tháng 5.

Reuters cho biết, Boro đóng góp hơn nửa sản lượng gạo hàng năm của Bangladesh, vào khoảng 35 triệu tấn.

Năm ngoái, Bangladesh đã giảm thuế nhập khẩu gạo để thúc đẩy thu mua tư nhân. Quốc gia này cũng mua gạo của Ấn Độ theo hợp đồng giữa 2 quốc gia để nhanh chóng tăng nguồn cung và cố gắng kìm giá.

Tuy nhiên, giá gạo vẫn ở mức cao bất chấp lượng nhập khẩu lên cao nhất trong gần 2 thập kỷ. Theo ông Hasan, điều này sẽ khuyến khích nông dân mở rộng diện tích đất trồng gạo.

Gạo non – basmati

Xuất khẩu gạo của Ấn Độ trong năm 2018 phụ thuộc lớn vào xuất khẩu gạo non – basmati, khi khối lượng xuất khẩu loại gạo này có thể duy trì ổn định ở khoảng 4 triệu tấn, theo ông Vijay Setia, chủ tịch Hiệp hội Các nhà xuất khẩu gạo của Ấn Độ.

“Xuất khẩu gạo non – basmati phụ thuộc vào lượng tồn tại các quốc gia nhập khẩu như Bangladesh và Sri Lanka”, ông Setia nói.

Một nhà giao dịch tại Mumbai cho biết, các quốc gia châu Phi tăng lượng gạo nhập khẩu từ Thái Lan vào năm ngoái, nhưng hoạt động này sẽ giảm trong năm 2018 khi khối lượng dự trữ trong kho quốc gia của Thái Lan cạn kiệt, có khả năng thúc đẩy nhu cầu đối với nguồn cung từ Ấn Độ.

“Đối với những thị trường chính như Bangladesh và Sri Lanka, Ấn Độ có lợi thế về vận chuyển hơn so với Thái Lan. Điều này sẽ tiếp tục có tác dụng trong năm 2018”, nhà giao dịch này nhận định.

Lyly Cao
Theo KTTD, Vietnambiz

Từ khóa: