Sự kiện hot
10 năm trước

Á Đông và các lễ hội độc đáo tháng 7 Âm lịch

Lễ xá tội vong nhân hay còn gọi là Lễ cô hồn là một hoạt động tâm linh không chỉ phổ biến ở Việt Nam mà còn là một dịp lễ quan trọng của nhiều quốc gia Á Đông. Tại những Quốc gia này, đều có những lễ cúng cô hồn thật đặc biệt.

Tại Nhật Bản

Cũng giống như ngày Rằm tháng Bảy, ngày Xá tội vong nhân ở nước ta, Nhật Bản cũng có một lễ hội Obon được diễn ra vào Rằm tháng 7 hoặc Rằm tháng 8, tùy theo từng địa phương. Những người còn sống muốn bày tỏ ước nguyện của mình với gia tiên đã khuất thì viết ước nguyện ra giấy, rồi treo lên cây trúc với hy vọng điều ước đó sẽ nhanh chóng trở thành hiện thực.


Người Nhật treo ước nguyện lên cây trúc trong tháng cô hồn.

Trong tháng cô hồn, ở Nhật cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ và những điệu múa truyền thống là không thể thiếu được. Những đoàn người mặc trang phục cổ truyền múa điệu múa đặc trưng đi diễu hành khắp các phố. Vào thời gian lễ hội, người ta treo cao những chiếc đèn lồng với mục đích là để hướng dẫn linh hồn người đã khuất trở về. Phong tục này được người Nhật duy trì trong suốt 500 năm qua. Ngày nay, Rằm tháng 7 ở Nhật Bản không đơn thuần chỉ là một ngày lễ mà còn là dịp để gia đình đoàn tụ, những người đi làm ở xa cũng sẽ quay về nhà để thăm viếng mộ tổ tiên.

Malaysia

Tương tự như lễ cúng cô hồn vào tháng 7 của người Việt, đây là dịp người ta dành để cúng tế các vong hồn không có người thân chăm sóc. Ở Malaysia người ta cũng tin rằng những vong hồn này thường dễ làm điều ác. Mỗi năm cửa mở trong vòng 30 ngày cho các vong hồn trở lại với dương gian. Và để vỗ về những vong hồn đó người ta cũng thắp nhang trên bàn thờ và đết giấy cúng ngoài đường.


Người Hoa ở Kajang, ngoại ô Kuala Lumpur, Malaysia, đốt hình nộm một vị thần cai quản địa ngục cao hơn 6 mét.

Ngoài ra, trong tháng cô hồn, họ còn đốt giấy tiền, vàng mã cho người quá cố bởi họ tin rằng, khi đốt những đồ hàng mã, linh hồn người mất sẽ nhận được, nhờ vậy mà các vong linh ấy đỡ khổ, đỡ vất vả, đồng thời không quấy rầy đến công việc làm ăn, sinh sống của người còn sống, ngược lại còn phù hộ cho người sống được ăn nên làm ra.

Singapore

Singapore là đô thị giàu có và hiện đại, có trình độ học vấn cao bậc nhất ở châu Á, nhưng các thói quen tín ngưỡng này vẫn luôn là một phần trong cuộc sống của cộng đồng có nhiều người gốc Hoa. Niềm tin siêu nhiên của mọi người nơi đây dường như lên cao hơn trong tháng cô hồn, tháng 7 âm lịch.


Người Singapore đốt hình một vị thần bảo trợ các hồn ma bằng giấy, cao hơn 8 mét trong lễ hội. Họ nhìn cách vị thần cháy như thế nào để đoán vận của tương lai của mình.

Trung Quốc

Người Trung Quốc, Đài Loan cũng quan niệm tháng 7 Âm lịch là tháng cô hồn, có rất nhiều ma quỷ đói từ địa ngục lên quấy phá dương gian. Đối với nhiều người Trung Quốc, đây là khoảng thời gian không may mắn vì họ tin rằng những bóng ma sẽ được trở về dương gian khi cổng địa ngục mở từ đầu tháng tới cuối tháng. Họ khá coi trọng tháng 7 Âm lịch, với những lễ tiết cúng bái cẩn thận.


Lễ cúng ma đói được nhiều người tham gia ở huyện Xiangshan, tỉnh Chiết Giang, phía Đông Trung Quốc.

Hàng năm, người dân Trung Quốc tiến hành cúng cô hồn vào ngày 14/7 Âm lịch và thả thuyền giấy hoặc đèn hoa đăng trên sông vào buổi tối như một cách để chỉ đường dẫn lối cho những linh hồn phiêu dạt khỏi bị lạc, biết đường trở về âm phủ trước khi cửa đóng.

Việt Nam

Tại Việt Nam, cúng cô hồn là một hoạt động tâm linh khá phổ biến. Vào ngày rằm tháng 7 âm lịch, người dân thường thực hiện các nghi thức cúng tế cho các cô hồn. Vì tin có linh hồn nên đa số người Việt Nam giữ tục lệ thờ cúng tổ tiên và người thân đã qua đời, kể cả khi việc thờ cúng này không phù hợp với giáo lý của tôn giáo mà họ theo. Cúng cô hồn là một nghi thức mang tính nhân đạo, cứu giúp những linh hồn khốn khổ, vất vưởng không nơi nương tựa.


Cúng cô hồn là một nghi thức mang tính nhân đạo, cứu giúp những linh hồn khốn khổ, vất vưởng không nơi nương tựa.

Tuyết Hạnh
theo Xây dựng

Từ khóa: