Sự kiện hot
10 năm trước

Ai Cập điều 20.000 cảnh sát bảo vệ phiên xử ông Morsi

Bộ Nội vụ Ai Cập đã điều động 20.000 cảnh sát để đảm bảo an ninh cho phiên xét xử Tổng thống bị lật đổ Mohamed Morsi và 14 thủ lĩnh của tổ chức Anh em Hồi giáo (MB) dự kiến diễn ra trong ngày 8/1.


Cảnh sát chống bạo động đảm bảo an ninh cho phiên tòa ngày 4/11. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Một nguồn tin an ninh cấp cao tại bộ trên cho biết hơn 30 xe bọc thép cũng sẽ được triển khai xung quanh trụ sở Học viện Cảnh sát ở khu vực ngoại thành phía Đông thủ đô Cairo trong bối cảnh bất ổn gia tăng với nhiều vụ đánh bom liều chết nhằm vào lực lượng cảnh sát và quân đội.

Dự kiến, trực thăng quân sự sẽ đưa ông Morsi từ nhà tù Borg al-Arab ở thành phố Alexandria tới địa điểm xét xử.

Ông Morsi cùng 14 tòng phạm, trong đó có hai thủ lĩnh cấp cao của MB là Mohamed El-Beltagi và Essam El-Erian, bị cáo buộc kích động bạo lực và sát hại người biểu tình đối lập trước cửa Dinh Tổng thống hồi tháng 12/2012.

Nếu bị tòa phán quyết phạm tội, ông Morsi có thể phải đối mặt với án tù chung thân hoặc tử hình. Phiên xét xử thứ nhất đã diễn ra hôm 4/11 theo đúng kế hoạch, bất chấp các lo ngại an ninh.

Tuy nhiên, sau khi phiên tòa diễn ra được vài phút, thẩm phán chủ tọa đã thông báo hoãn phiên xét xử sau hai lần bị gián đoạn do các bị cáo hô khẩu hiệu phản đối phiên tòa và quân đội.

Cựu Tổng thống Hồi giáo Mohamed Morsi bị quân đội ra lệnh phế truất hôm 3/7 sau làn sóng biểu tình chống chính phủ rầm rộ thu hút hàng triệu người tham gia trên khắp cả nước.

Ngoài phiên tòa trên, ông Morsi còn phải đối diện với hai phiên tòa khác với các tội danh tổ chức vượt ngục, bắt cóc và giết hại các sỹ quan cảnh sát vào đầu năm 2011, cũng như làm gián điệp và tiếp tay cho các hoạt động khủng bố.

Theo giới phân tích, phiên tòa ngày 8/1 xét xử ông Morsi có thể kích động làn sóng biểu tình và làm gia tăng bất ổn trong thời điểm Ai Cập chuẩn bị tổ chức trưng cầu dân ý về hiến pháp mới vào ngày 14-15/1 tới.

Trước đó, hôm 6/1, Liên minh Quốc gia ủng hộ tính hợp pháp (NASL) - lực lượng do MB dẫn đầu quy tụ 34 chính đảng và phong trào Hồi giáo đang đấu tranh đòi phục chức cho ông Morsi - đã kêu gọi những người ủng hộ leo thang biểu tình nhằm phản đối phiên tòa này.

Trong một tuyên bố, liên minh Hồi giáo này nhấn mạnh: "Cuộc đảo chính đã bị sụp đổ và chiến thắng đang tới gần. Mọi người sẽ đồng loạt đổ xuống đường tham gia cuộc biểu tình triệu người ở cả trong và ngoài nước."

Ngoài ra, NASL cũng có kế hoạch tổ chức một cuộc biểu tình ngồi tại quảng trường Tahrir ở trung tâm Cairo cho tới hết ngày 15/1, nhằm phá rối lực lượng an ninh.

Trong một diễn biến khác, Ủy ban Bầu cử Trung ương Ai Cập (SEC) cho biết ngày 8/1, khoảng 681.000 cử tri Ai Cập đang sống ở nước ngoài sẽ bắt đầu đi bỏ phiếu về hiến pháp mới.

Trong số này, gần 313.000 người (chiếm 45% kiều dân Ai Cập) đăng ký bỏ phiếu tại Saudi Arabia. Quá trình bỏ phiếu ở nước ngoài sẽ diễn ra từ ngày 8-12/1 và việc kiểm phiếu sẽ được tiến hành từ ngày 13-15/1. Tiếp đó, khoảng 54 triệu cử tri trong tổng số 85 triệu dân sinh sống trong nước sẽ tham gia cuộc trưng cầu dân ý trong hai ngày 14-15/1.

Trong khi đó, Bộ Đoàn kết xã hội Ai Cập cho biết 40 tổ chức phi chính phủ (NGO) trong nước và 7 NGO nước ngoài đã được cấp phép tham gia giám sát cuộc trưng cầu dân ý về hiến pháp mới sắp tới.

theo TTXVN

Từ khóa: