Sự kiện hot
10 năm trước

Ai Cập định thời gian trưng cầu ý dân về Hiến pháp mới

Bộ trưởng Phát triển hành chính Ai Cập, ông Hani Mamdouh, xác nhận cuộc trưng cầu ý dân về Hiến pháp mới sẽ diễn ra trong hai ngày vào giữa tháng Giêng tới.


Người biểu tình đốt cháy xe cảnh sát. (Nguồn: EPA)

Ông Mamdouh nhấn mạnh cuộc trưng cầu ý dân sắp tới sẽ chứng minh với cả thế giới rằng hình ảnh của cuộc cách mạng ngày 30/6 đã không bị thay đổi, đồng thời cho biết hiện có gần 53,4 triệu cử tri đã đăng ký đi bỏ phiếu, nhiều hơn 3 triệu người so với cuộc trưng cầu ý dân trước đó diễn ra vào tháng 12/2012.

Trong khi đó, Bộ trưởng Nội vụ Mohamed Ibrahim cho biết lực lượng cảnh sát và quân đội đang thực thi những biện pháp cần thiết nhằm đảm bảo an ninh cho các địa điểm bỏ phiếu cũng như các địa điểm trọng yếu trong cuộc trưng cầu ý dân sắp tới.

Ông Ibrahim tuyên bố rằng lực lượng an ninh sẽ xử lý nghiêm các vụ bạo loạn và mọi âm mưu nhằm phá hoại lộ trình chuyển tiếp chính trị ở Ai Cập.

Trước đó, hôm 1/12, Ủy ban sửa đổi hiến pháp của Ai Cập đã biểu quyết thông qua toàn bộ 247 điều khoản của dự thảo Hiến pháp cuối cùng, hoàn tất bước đầu tiên trong tiến trình chuyển tiếp chính trị sau cuộc chính biến ngày 3/7 lật đổ chính quyền của Tổng thống Mohamed Morsi.

Hiện văn kiện này đã được trình lên Tổng thống lâm thời Atly Mansour xem xét phê chuẩn trước khi được đưa ra trưng cầu ý dân.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 10/12, ông Mohamed al-Gawady, một trong những thủ lĩnh hàng đầu của Liên minh Quốc gia Ủng hộ tính hợp pháp (NASL) - lực lượng do tổ chức Anh em Hồi giáo (MB) đứng đầu quy tụ 34 chính đảng và phong trào Hồi giáo đang đấu tranh đòi phục chức cho Tổng thống bị phế truất Mohamed Morsi - đã công bố thành lập chính phủ Ai Cập lưu vong do Chủ tịch Tổ chức Kiểm toán Trung ương (CAO), ông Hisham Geneina đứng đầu.

Trong một tuyên bố trên trang Twitter, ông Gawady cho biết cựu Bộ trưởng Nghiên cứu khoa học Nadia Zachary được 'bổ nhiệm' giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng trong Chính phủ Ai Cập lưu vong.

Chức vụ Bộ trưởng Nội vụ được giao cho ông Hazem Abu Ismail Salah, cựu ứng cử viên tổng thống đồng thời là Phó Chủ tịch đảng Hồi giáo Wasat. Trong khi đó, cựu Thủ tướng Hisham Qandil thuộc chính quyền của Tổng thống bị lật đổ Mohamed Morsi, giữ chức Bộ trưởng Thủy lợi.

Ngoài ra, Chính phủ Ai Cập lưu vong cũng bao gồm một số nhà lãnh đạo cao cấp của MB hiện đang bị giam giữ.

Theo ông Gawady, việc thành lập Chính phủ lưu vong là một động thái nhằm phục chức cho ông Morsi, khôi phục bản Hiến pháp năm 2012 bị quân đội đình chỉ trong cuộc chính biến ngày 3/7 vừa qua, cũng như khôi phục Quốc hội và Hội đồng Shura (Thượng viện Ai Cập) đã bị giải thể.

Cùng ngày 10/12, người sáng lập Đảng Phát triển và Thay đổi, ông Bassem Khafagy đã công bố thành lập một liên minh mới mang tên Liên minh Ai Cập thay thế cho NASL nhằm mục đích 'lật đổ chế độ cầm quyền.'

Trong tuyên bố đầu tiên, liên mình này khẳng định họ sẽ là hạt nhân chính trị cho lực lượng quốc gia mới nhằm 'giải phóng Ai Cập,' 'khôi phục dân chủ và các cơ sở của cuộc cách mạng ngày 25/1/2011.'

Trong một diễn biến khác, ngày 10/12, hàng trăm thành viên thuộc nhóm Sinh viên chống đảo chính ủng hộ MB và phong trào sinh viên Ahrar (Tự do) đã tổ chức tuần hành, hô khẩu hiệu phản đối bộ Nội vụ và Bộ trưởng Quốc phòng Abdel Fattah Al-Sisi trước khi đụng độ với lực lượng cảnh sát chống bạo động được triển khai tại quảng trường Nahda, nằm đối diện với cổng chính của Trường Đại học Cairo ở tỉnh Giza.

Theo các nhân chứng, đụng độ bạo lực nổ ra khi các sinh viên dùng gạch đá tấn công cảnh sát. Lực lượng an ninh đã buộc phải sử dụng hơi cay và đạn cao su để giải tán đám đông quá khích.

Nhiều sinh viên đã bị bắt giữ và một số người bị thương, trong đó có 3 cảnh sát. Đụng độ cũng khiến giao thông xung quanh quảng trường Nahda bị rối loạn nghiêm trọng.

Một nhóm Sinh viên chống đảo chính tuyên bố họ sẽ tiếp tục phát động biểu tình tại Trường Đại học Al-Azhar - cơ sở thuộc nhà thờ cùng tên có quyền năng cao nhất trong dòng Hồi giáo Sunni ở Ai Cập, một ngày sau khi cảnh sát tiến vào khuôn viên của trường và bắt giữ ít nhất 48 sinh viên.

Các cuộc biểu tình, tuần hành của sinh viên trong ngày 10/12 nằm trong khuôn khổ các hoạt động biểu dương lực lượng của phe Hồi giáo mang tên 'tuần kiên định,' nhằm phản đối các vụ 'thảm sát' tại Trường Đại học Al-Azhar và vinh danh 'tất cả những người tử vì đạo và những người đang bị giam giữ'.

theo TTXVN

Từ khóa: