Sự kiện hot
10 năm trước

An ninh hàng không bị đe dọa: Không được lên máy bay, hành khách dọa “bắn tên lửa”

Thông tin chiếc máy bay MH 370 của Hãng hàng không Malaysia Airlines bị mất tích đang làm rung động cả thế giới. Sự cố hàng không này là tín hiệu cảnh báo về ý thức trách nhiệm của mỗi quốc gia và mỗi con người đối với công tác đảm bảo an ninh, an toàn hàng không.


Buột miệng “nói đùa” có bom, Hồ Thị Thanh Tuyền đã phải trả giá bằng bản án 15 tháng tù nhưng cho hưởng án treo

Theo đánh giá của các chuyên gia, công tác đảm bảo an ninh, an toàn hàng không ở Việt Nam những năm qua, nhìn chung đã được coi trọng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, ý thức chấp hành các quy định về công tác đảm bảo an ninh, an toàn hàng không của không ít hành khách vẫn còn nhiều điều đáng bàn.

Gần đây nhất là vụ việc, một nữ hành khách không được lên máy bay vì đến muộn. Sau đó, hãng nhận được cuộc gọi dọa “cho nổ tung máy bay”.

Cục hàng không cho biết, hôm 16/3/2014, một nữ hành khách 32 tuổi, quê Thanh Hóa ra chậm giờ làm thủ tục hơn 40 phút nên không được lên máy bay của Jetstar Pacific từ TP HCM đi Vinh. Nhân viên của hãng đã cho hành khách này đi chuyến kế tiếp với điều kiện phải đóng thêm 450.000 đồng. Hành khách chấp nhận phương án hãng đưa ra và đồng ý đi chuyến tiếp theo vào hôm sau.

Thế nhưng, đến 16h30 cùng ngày, tổng đài của Jetstar Pacific tiếp nhận cuộc gọi từ một người đàn ông, có thái độ bức xúc và mắng chửi không ngớt với nhân viên trực tổng đài và cả hãng hàng không mà nguyên do là bởi đã để người nhà của anh ta đến sân bay mà không được bay và phải nộp thêm tiền để bay chuyến ngày hôm sau. Thậm chí, người đàn ông này còn có những lời lẽ đe dọa, nói rằng sẽ bắn tên lửa cho nổ tung máy bay. Trước sự việc bất thường, nhân viên Jetstar Pacific Airlines đã báo cáo ngay với lãnh đạo hãng hàng không để hãng báo cáo sự việc cho các cơ quan có thẩm quyền. Cục Hàng không Việt Nam đang phối hợp với các cơ quan liên quan xác minh, điều tra vụ việc. Nghi vấn đầu tiên tập trung vào những người thân quen của nữ hành khách trên.

Không thể đùa với an ninh hàng không

Theo quy định, tất cả các thông tin đe dọa an ninh, an toàn hàng không đều phải được xác minh để kịp thời triển khai biện pháp đối phó với khả năng có thể xảy ra. Hoạt động hàng không Việt Nam cũng từng ghi nhận và xử lý nhiều trường hợp hành khách “nói đùa” có bom khi đi máy bay.

Việc dọa có bom trên chuyến bay thương mại lần đầu tiên xảy ra vào năm 2006. Hai hành khách có hơi men là Bạch Trường Sơn, Nguyễn Xuân Hoàng (thường trú tại TP HCM) khi đã yên vị trên chuyến bay VN740, hành trình Hà Nội - TP HCM, nói với tiếp viên rằng vali của mình có cài bom. Sự việc này đã đặt ngành vận tải hàng không Việt Nam vào tình trạng có hiện tượng dọa đánh bom, nhà chức trách hàng không vì thế phải bắt tay vào xây dựng hành lang pháp lý cần thiết để ngăn ngừa, xử lý hành vi vi phạm mới này.

Cách đây không lâu, vào ngày 23/7/2012, Tòa Án Nhân Dân TP Hà Nội đã mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Hồ Thị Thanh Tuyền (SN 1987 ở phường 6, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) về tội cản trở giao thông hàng không.

Cụ thể: Trong chuyến bay lộ trình Hà Nội - Đà Lạt của Việt Nam Airline ngày 9/7/2011, Tuyền nói đùa có bom trong túi xách. Xét thấy sự việc có khả năng đe dọa tới sự an toàn của chuyến bay nên cơ trưởng quyết định hoãn chuyến bay, cho máy bay quay lại để kiểm tra an ninh. Chuyến bay đã bị tạm dừng và áp dụng phương án khẩn nguy cứu nạn tại cảng, di chuyển toàn bộ hành khách, hành lý xách tay quay lại phòng chờ để kiểm tra an ninh. Máy bay được di chuyển ra khu biệt lập để kiểm tra. Kết quả kiểm tra không phát hiện thấy dấu hiệu gây mất an ninh trong hành lý và trên người, nhưng Tuyền bị truy tố trước tòa vì đã vi phạm “cản trở giao thông đường không”, phải chịu 15 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Bên cạnh đó, bị cáo phải chịu bồi thường cho hãng hàng không về tổn hại hơn 100 triệu đồng.

Trong 1 chuyến bay khác, của hãng hàng không Vietnam Airlines mang số hiệu VNA-344 từ Sài Gòn đi Đà Nẵng ngày 18/7/2013. Khi máy bay đang lăn bánh ra đường cất hạ cánh, hành khách Nguyễn Hữu Trung đã nói với tiếp viên là trong hành lý của mình có bom. Do vậy máy bay đã phải quay lại bến đậu để xử lý vụ việc, dẫn đến cất cánh trễ so với dự kiến. Theo quy định về an ninh hàng không, hành vi của khách hàng Nguyễn Hữu Trung sẽ bị áp khung hình phạt cấm vận chuyển thương mại bằng đường hàng không và phải kiểm tra trực quan bắt buộc. Cụ thể, Cục Hàng không Việt Nam đã lập danh sách hành khách bị cấm vận chuyển thương mại bằng đường hàng không đối với hành khách Nguyễn Hữu Trung trong thời hạn 6 tháng, tính từ ngày 10/8/2013, và phải kiểm tra trực quan bắt buộc trong thời hạn 6 tháng, tính từ ngày 10/02/2014. Đồng thời, khách hàng này phải nộp phạt 15 triệu đồng bằng tiền mặt.

Không chỉ có người Việt mà ngay cả du khách quốc tế cũng đã bị xử phạt nặng khi có hành vi tương tự. Hành khách Mariano Francois Xavier Jean Agostini (quốc tịch Pháp) đã bị Cục hàng không Việt Nam quyết định xử phạt 15 triệu đồng vì lời nói đùa mang bom lên máy bay. Chỉ một câu nói đùa mà khiến cho 180 hành khách trên chuyến bay VN1316 phải nhận lệnh sơ tán khẩn cấp.

Thậm chí, sự việc “dọa bom” còn xảy ra đối với chính nhân viên của Vietnam Airlines: Ngày 9/11/2010, một số đơn vị có trách nhiệm của Tổng công ty Hàng không VN (VNA) nhận được tin nhắn với nội dung có hành khách mang bom trên chuyến bay VN 845 nên Vietnam Airlines đã phải tạm dừng chuyến bay này để kiểm tra. Mặc dù xác định không có bom hay các đồ vật nghi vấn nhưng VNA vẫn quyết định thay máy bay khác để vận chuyển hành khách. Hậu quả, chuyến bay đã bị trễ gần 3 tiếng rưỡi... Cơ quan An ninh điều tra sau khi vào cuộc xác định, người tung tin nhắn đe dọa trên là Nguyễn Bằng Việt (SN 1974, ở phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) nhân viên phòng kế hoạch điều độ, đoàn tiếp viên thuộc VNA. Động cơ của Việt là để trả đũa lãnh đạo. Mức phạt đưa ra, bị cáo phải chịu 15 tháng tù về tội “cản trở giao thông đường không”. Ngoài ra bị cáo còn phải bồi thường hơn 213 triệu đồng khắc phục thiệt hại do hành vi của mình gây nên.

Qua các vụ, việc trên có thể thấy, đa số các vụ đe dọa đặt bom ở ngành hàng không xảy ra đối với những hành khách thiếu hiểu biết, không ý thức được hậu quả từ câu nói vô ý của mình. Sự hiểu biết của người dân về pháp luật và các quy định của ngành hàng không còn nhiều hạn chế; đồng thời Luật Hàng không và các quy định pháp luật về an ninh hàng không chưa được tuyên truyền, phổ biến sâu rộng…dẫn đến những tình huống “dọa bom” không đáng có của ngành hàng không.

Sau vụ mất tích máy bay của hãng hàng không Malaysia, hiện tất cả các cảng hàng không - sân bay và các hãng khai thác tại Việt Nam đang tăng cường các biện pháp an ninh Cấp độ 1.

Có nhiều ý kiến cho rằng, cùng với việc chú trọng đảm bảo an ninh, an toàn ngay từ mặt đất, tăng cường giám sát trên các chuyến bay, chúng ta cần đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về hàng không dân dụng cho hành khách. Đặc biệt, phải làm cho người dân nắm chắc, hiểu rõ về những hành vi bị cấm trong lĩnh vực hàng không dân dụng. Vấn đề an ninh được đặt lên hàng đầu. Vì thế, bất kỳ hành vi nào bất thường đối với hoạt động hàng không cũng sẽ bị thẩm vấn, điều tra và xác minh làm rõ động cơ, đồng thời xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Dương Nhung

Từ khóa: