Sự kiện hot
11 năm trước

Bắc Kinh tìm cách “bẻ đũa”

Để thâu tóm biển Đông, Trung Quốc đang chuyển sang giai đoạn công vụ hóa các lực lượng gây hấn và tìm cách “bẻ đũa” những bên tranh chấp.

Để thâu tóm biển Đông, Trung Quốc đang chuyển sang giai đoạn công vụ hóa các lực lượng gây hấn và tìm cách “bẻ đũa” những bên tranh chấp.

Hồi tuần trước, Tân Hoa xã đưa tin Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày 9.4 đã có chuyến thị sát lực lượng của hạm đội Nam Hải đóng ở thành phố Tam Á, tỉnh Hải Nam. Theo tờ South China Morning Post, tại đây, ông Tập đã yêu cầu binh sĩ cần luôn trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu. Như vậy, trong vòng chưa đầy 4 tháng, Chủ tịch Tập Cận Bình có 2 lần thị sát hạm đội Nam Hải. Trước đó, từ ngày 8 - 10.12.2012, chưa đầy một tháng sau khi nhậm chức Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông cũng đã có đợt thị sát Quân khu Quảng Châu và Hạm đội Nam Hải, ra lệnh cho quân đội phải tăng cường khả năng “tác chiến thực tế”.


Bản đồ phân bổ 169 tỉ m3 khí hóa lỏng qua biển Đông năm 2011. Đồ họa: EIA

Những diễn biến trên rất đáng quan tâm khi hạm đội Nam Hải hoạt động tại biển Đông, khu vực đang tranh chấp và Bắc Kinh liên tục có nhiều hành động gây quan ngại. Nhận xét với PV Thanh Niên, chuyên gia Tetsuo Kotani, thuộc Học viện Các vấn đề quốc tế Nhật Bản, cho rằng: “Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ tìm kiếm quan hệ ổn định với Mỹ nhưng cũng sẽ tiếp tục cứng rắn với các nước trong khu vực, khiến những vùng biển châu Á thêm căng thẳng”.

Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ tìm kiếm quan hệ ổn định với Mỹ nhưng cũng sẽ tiếp tục cứng rắn với các nước trong khu vực, khiến những vùng biển châu Á thêm căng thẳng.

Chuyên gia Tetsuo Kotani

Công vụ hóa và bẻ đũa

Thực tế, thời gian gần đây, Trung Quốc liên tục xâm phạm chủ quyền Việt Nam trên biển Đông bằng cách đẩy mạnh triển khai lực lượng công vụ tuần tra và gây hấn. Sự đẩy mạnh triển khai lực lượng công vụ còn được thể hiện qua việc Thứ trưởng Công an Mãnh Hồng Quân hồi tháng 3 chính thức kiêm nhiệm vị trí Cục trưởng Cục Cảnh sát biển và Cục phó Cục Hải dương quốc gia. Từ đó, hai cục này sẽ phối hợp và thống nhất chỉ đạo các lực lượng công vụ trên biển của Trung Quốc gồm hải giám, ngư chính, cảnh sát biển… Trước đây, các lực lượng này trực thuộc những bộ ngành khác nhau như: Bộ Công an, Bộ Nông nghiệp, Bộ Giao thông…

Chuyên gia Swee Lean Collin Koh, thuộc Trường nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam (RSIS) ở Singapore, nhận xét với PV Thanh Niên rằng Bắc Kinh đang chuyển sang một giai đoạn mới trong tham vọng thâu tóm biển Đông. Chuyên gia này nhận định nếu hầu hết các vụ rắc rối trước đây liên quan đến Bắc Kinh tại biển Đông đều do tàu cá thực hiện thì nay bóng dáng tàu công vụ đang dần rõ nét hơn. Kèm theo sự tăng cường hiện diện, tàu công vụ của Trung Quốc cũng đang có nhiều hành động quá trớn hơn như tham gia hỗ trợ hoặc trực tiếp cắt cáp các tàu thăm dò Việt Nam trên biển Đông. Thậm chí, hồi tháng 3, tàu công vụ Trung Quốc còn nổ súng vào tàu cá Việt Nam. Còn bà Bonnie Glaser, chuyên gia về Trung Quốc thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) tại Mỹ, đặt ra lo ngại: “Trung Quốc đang đẩy mạnh tuần tra trên biển Đông chủ yếu là để khẳng định chủ quyền và quyền tài phán, ngư dân các nước khác sẽ ngày càng trở thành nạn nhân”.

Nhận xét về hành vi gây hấn gần đây của Bắc Kinh trên biển Đông, GS Ngô Vĩnh Long, chuyên gia Đông Á tại Đại học Maine (Mỹ), cho rằng: “Một là nhằm khẳng định chủ quyền của Trung Quốc. Hai là đánh lạc hướng dư luận về việc Philippines đưa Trung Quốc ra Tòa án luật Biển của LHQ để đòi xét xử vể đường 9 đoạn,... mà Trung Quốc không chịu tham gia. Ba là cố tình thách thức Việt Nam”. Tất cả chỉ nhằm tạo ra các căng thẳng trực tiếp với những bên tranh chấp tại biển Đông, như bắn tàu cá Việt Nam hay đụng độ với tàu chiến Philippines ở gần bãi cạn Scarborough. Trong khi đó, giới chuyên gia và lãnh đạo nhiều nước lâu nay vẫn khẳng định biển Đông là vấn đề chung của quốc tế. Vì thế, với thủ thuật tạo ra căng thẳng trực tiếp với từng nước, Trung Quốc đang muốn vô hiệu hóa nỗ lực của cộng đồng thế giới là giải quyết vấn đề biển Đông trên nguyên tắc đa phương, dựa theo luật pháp quốc tế.

Biển Đông chiếm 50% giao thương khí hóa lỏng toàn cầu

Đầu tháng 4, Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) vừa công bố các số liệu về vận chuyển dầu thô và khí hóa lỏng (LNG) thông qua biển Đông. Theo đó, trong năm 2011, khoảng 6.000 tỉ tcf (tương đương 169 tỉ mét khối) khí hóa lỏng được vận chuyển qua biển Đông. Con số này tương đương với một nửa tổng lượng khí hóa lỏng giao thương toàn cầu trong cùng khoảng thời gian. Tổng số 6.000 tỉ tcf LNG trên, chủ yếu được chuyển đến Hồng Kông, Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản. Trong đó, khoảng 3.400 tỉ tcf LNG có điểm đến là Nhật Bản. Ngoài ra, trong năm 2011, mỗi ngày có khoảng 11 triệu thùng dầu thô được vận chuyển thông qua biển Đông để tỏa đi Hồng Kông, Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Ngô Minh Trí
theo TNO

Từ khóa: