Sự kiện hot
11 năm trước

"Bài toán điểm sàn" chính là "bài toán chất lượng"

“Quy định về điểm sàn của Bộ GD&ĐT đã tồn tại gần 10 năm nay, chứng tỏ nó có những cơ sở khoa học, có tính ưu việt thì mới tồn tại được trong một khoảng thời gian lâu như vậy”.

“Quy định về điểm sàn của Bộ GD&ĐT đã tồn tại gần 10 năm nay, chứng tỏ nó có những cơ sở khoa học, có tính ưu việt thì mới tồn tại được trong một khoảng thời gian lâu như vậy”. Đó là khẳng định của TS Nguyễn Văn Tuấn – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội.


Ảnh minh họa

Thưa ông, hiện đang có luồng ý kiến về việc có nên giữ điểm sàn hay không. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Theo tôi, trong bối cảnh giáo dục hiện nay, vẫn phải giữ điểm sàn và cũng không nên quy định mức điểm sàn quá thấp, bởi như vậy sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đầu vào. Các trường sẽ không thể tuyển chọn được những sinh viên giỏi, có chất lượng cao nếu điểm đầu vào quá thấp.

Thực tế cho thấy, những trường quan tâm đến điểm sàn thường là những trường “tốp dưới”, trường ngoài công lập, bởi họ lo lắng nếu điểm sàn cao họ sẽ không tuyển đủ chỉ tiêu. Tuy nhiên, việc có tuyển đủ chỉ tiêu hay không, có thu hút được sinh viên không lại không nằm ở vấn đề điểm sàn cao hay thấp. Quan niệm bỏ điểm sàn hay hạ thật thấp điểm sàn để có thí sinh là không đúng.

Vậy, vấn đề có thu hút được sinh viên hay không phụ thuộc vào những yếu tố gì, thưa ông?

Để thu hút được sinh viên các trường phải giải quyết được bài toàn chất lượng, nâng cao chất lượng giảng dạy, đào tạo theo nhu cầu xã hội, gắn chặt với các đơn vị tuyển dụng để sinh viên ra trường có việc làm.

Nếu đầu ra của trường có chất lượng tốt, được xã hội công nhận, được những đơn vị tuyển dụng tín nhiệm, nghĩa là sản phẩm đào tạo của trường được công nhận về chất lượng, thì khi đó, tự khắc sinh viên sẽ tìm đến với trường.

Dư luận xã hội rất quan tâm đến vấn đề điểm sàn cao hay thấp, các trường đại học cũng rất quan tâm đến việc làm sao có được nguồn tuyển dồi dào, đầu vào có chất lượng cao... Nhưng theo ông, vấn đề đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo ở các trường đại học, cao đẳng có phải nằm ở “đầu vào”?

Nâng cao chất lượng đào tạo ở các trường đại học, cao đẳng là một câu chuyện dài. Nhưng theo tôi, vấn đề cốt lõi không nằm ở yếu tố “đầu vào” mà quan trọng nhất, các trường đại học, cao đẳng cần siết chặt “đầu ra”, kiểm soát chặt chẽ chất lượng đào tạo.

Làm sao để trong quá trình đào tạo sàng lọc, chọn lựa được những sinh viên thực sự đáp ứng được các yêu cầu của thị trường lao động, của xã hội, khi ra trường có thể bắt kịp ngay với công việc thực tế và những sinh viên như vậy mới được chứng nhận tốt nghiệp.

Như vậy thì quá trình đào tạo của chúng ta mới thực sự có tác dụng thiết thực, và khi đó, việc nâng cao chất lượng giáo dục đại học mới có hiệu quả. Có thể nói, điều cốt lõi vẫn là giải cho được bài toán chất lượng.

Xin cảm ơn ông!

Ninh Kiều
theo GD&TĐ

Từ khóa: