Sự kiện hot
7 năm trước

Bạn bực mình khi con 'bám đuôi' mình không?

Hãy mừng khi con bám mẹ, bởi chỉ khoảng vài năm nữa thôi, bạn sẽ không có cơ hội ôm hôn con như khi con còn bé và phụ thuộc mình như hôm nay.

Anh Nguyễn Hải Quân (TP HCM) là bố của một bé trai 2 tuổi chia sẻ quan điểm cá nhân về việc con bám mẹ. Anh cho biết chủ đề bám mẹ là chủ đề được nhiều người quan tâm và là một nguồn cơn của những sự nóng giận, bực mình hay trầm cảm cho các mẹ. Sau đây là chia sẻ của anh Quân.

Bám mẹ là biểu hiện bình thường ở trẻ. (Ảnh: Livestrong)

Khi trẻ có những biểu hiện bám mẹ, các mẹ, hay người chăm sóc trẻ thường giải quyết như sau:

- Mắng hay quát trẻ: Tại sao con lớn rồi con vẫn bám mẹ. Hay thêm phần biểu lộ cảm xúc: Con làm mẹ bực mình quá, tại sao con lớn rồi vẫn còn bám mẹ; Mẹ rất mệt, tại sao con bám mẹ, con hư quá.

- Hoặc mệt quá thì bỏ mặc trẻ nằm khóc, rồi đi làm việc của mình, đành kệ cho con nằm lăn lóc ở nhà hay ở đường.

- Bố mẹ nào mạnh tay hơn thì có thể tét vài cái và con sẽ tiếp tục la làng la xóm nước mắt như mưa.

Và đây có thể là kết quả của 10 năm sau:

- Con đi học về đóng cửa phòng, không nói chuyện với bố mẹ về các chủ đề con quan tâm, bố mẹ hỏi gì thì trả lời đấy

- Con có bạn của con, không gian của con, và bố mẹ chẳng có cách nào hiểu được. Dù cố hiểu thì thông thường hiểu sai và phán xét không đúng.

Vậy phải làm gì ?

Trước khi đưa ra một vài đề nghị, các mẹ hay người chăm sóc trẻ cần hiểu hơn về tâm lý phát triển của con người và trẻ em và đặc biệt chính mình. Khi mình hiểu rồi thì mới hy vọng có được giải pháp đúng.

Trẻ cần có được cảm giác an toàn. (Ảnh: Chinatimes)

1. Bực mình là vấn đề của mẹ hay người chăm trẻ, không phải là vấn đề của trẻ

Khi bạn bực mình, hay nóng giận, chúng ta thường có xu hướng đổ lỗi cho các nguyên nhân bên ngoài. Ở trường hợp này mình đổ lỗi cho việc đứa trẻ bám mình và gây nên cho mình sự bực mình trong lòng. Nếu các bạn bình tâm suy sét, thì sự bực mình hay cơn giận xuất phát từ bên trong của chính bạn. Lý do chính là tâm thức của bạn (và cả tôi) chứa rất nhiều hạt giống giận dữ. Khi có một điều kiện nào đó tác động, thì bạn có thể nổi giận lên. Chẳng hạn là vì một lời nói của một đồng nghiệp hay ra ngoài đường có ai lỡ đụng vào bạn là bạn cũng có thể nổi xung lên.

Đặc biệt hơn, khi mình có những cảm xúc tiêu cực xuất hiện, thì các giải pháp của mình đưa ra thường không sáng suốt. Do vậy bản chất là các mẹ hay người chăm trẻ phải học sự bình tâm, an lạc đã. Và phải hiểu là chỉ có bạn mới giúp được cho mình được bình tâm và an lạc thôi, không ai giúp bạn được đâu.

Một số bài tập giúp bạn bình tâm: Những lúc rảnh rỗi, mời bạn ngồi yên, thở vào và thở ra nhẹ nhàng. Chỉ cần vài phút thôi là bạn có thể bình yên hơn. Hoặc bạn có thể đi bộ chậm trong sân, và tập trung vào bước chân của mình. Cái này phải thực tập thường xuyên bởi vì bạn chỉ học được khi bạn còn sáng suốt thôi.

Còn khi cơn giận hay cơn bực mình của bạn xuất hiện, bạn cần phải nhận biết là mình đang bực hay đang giận. Nếu bạn không thể tránh được hoàn cảnh đó, thì xin hít thở thật sâu 3 hơi dài. Và bạn hãy nhìn lại bé yêu của mình, hãy nghĩ xem chỉ khoảng vài năm nữa thôi, bạn sẽ chắc chắn không có cơ hội ôm hôn con như khi con còn bé và phụ thuộc mình như hôm nay. Khi bạn hiểu điều này, cơn giận hay bực mình của bạn cũng sẽ giảm bớt.

Trẻ có cảm giác sợ mẹ bỏ rơi. (Ảnh: Sonialimphotography)

2. Hiểu tâm lý trẻ - Trẻ cần có được cảm giác an toàn

Đối với các bé nhỏ khoảng 18 tháng dưới 3 tuổi, khi nhận biết về thế giới bắt đầu xuất hiện, một trong những cảm giác mà các bé trải qua là sợ mẹ bỏ rơi. Mẹ đi ra ngoài là có thể khóc. Mẹ về nhà là có thể bám chặt lấy mẹ.

Nếu hiểu được điều này thì bạn sẽ thấy trẻ bám mẹ là vấn đề tâm lý bình thường của trẻ. Bạn chỉ cần làm cho bé an tâm bằng cách ngồi xuống ôm con, rồi nói với con là “Mẹ ở đây với con”, “Mẹ có mặt cho con này”. Và bạn hãy thực sự có mặt. Bạn đừng nghĩ đến vấn đề gì khác khi ở bên con. Bạn đừng nghĩ đến các dự án ở cơ quan, hay ngay cả bữa cơm tối không biết ai sẽ nấu. Xin bạn hãy có mặt bên con thật trọn vẹn.

Khi trẻ đòi bạn, ngoài tâm lý sợ bỏ rơi, trẻ cũng có nhu cầu được chơi, được khám phá. Vậy khi bạn có mặt cùng con, hãy tập trung chơi với bé. Bé sẽ rất thích nếu bạn chơi theo ý của bé. Bạn có thể gợi ý trò chơi, rồi để con tự đưa ra cách chơi của mình.

Nếu bé có một người anh/ người chị, thì không gì có thể hay bằng bé sẽ chơi với anh chị của mình. Và bạn có thể đi làm việc khác một lúc. Nếu bé không có anh chị, thì một người khác như bố hay ông bà có thể giúp bạn chơi với bé . Và bạn có thể đi làm việc của mình.

Trong trường hợp bạn chỉ có một mình, thì sẽ khó hơn cho bạn. Nếu bạn chọn cách dễ dàng, nhưng có thể có tác hại lâu dài, bạn có thể bật tivi hay đưa cho bé một cái điện thoại. Tuy nhiên tôi không đồng ý với phương cách này mặc dù bé sẽ ngồi yên ngay lập tức. Lý do là bé sẽ dễ bị nghiện, và có thể đòi máy bất cứ khi nào sau này, và việc xử lý hay nói không sẽ làm bé nổi giận và có những hành vi không đúng mực.

Bạn có thể thử vừa làm vừa bày trò chơi cho con, cái này chắc đòi hỏi ở bạn tính kiên nhẫn, và bạn có thể sẽ mệt hơn vì phải dọn dẹp sau đó. Tuy nhiên về mặt tâm lý thì tốt cho trẻ nhất.

Chuẩn bị cho trẻ việc xa mẹ trong một thời gian. (Ảnh: Sonialimphotography)

3. Chuẩn bị cho việc xa mẹ hay người trông trẻ một thời gian

Không giống như người lớn, trẻ chưa có khả năng đợi. Vậy mà người lớn luôn đòi hỏi trẻ em việc đợi.

Bạn thử nghĩ xem bạn ngồi đợi đèn đỏ khoảng trên một phút có khiến bạn bực mình không? Vậy một em bé đang còn phụ thuộc về tình cảm, hay ăn uống chưa tự lập được lại bị người lớn bắt đợi hàng tiếng đồng hồ ? Bạn có nghĩ như vậy là công bằng với bé yêu của bạn không ?

Chỉ so sánh nhỏ như vậy, mình nghĩ rằng bạn hiểu việc đợi là một yêu cầu rất khó đối với một đứa trẻ. Phản ứng tự nhiên sau nhiều giờ đồng hồ xa cách là bé sẽ tự động bám lấy mẹ, hay người chăm sóc trẻ nào mà trẻ thấy gần gũi nhất.

Tuy nhiên, do điều kiện xã hội, các bố mẹ đều phải đi ra ngoài xã hội để làm việc. Nếu phải đi làm ở ngoài và về muộn, để giúp trẻ bớt lo lắng, khó chịu thì bạn nên tập cho trẻ. Bạn hạy thử chơi với con những trò chơi mà trong đó bạn có thể biến mất vài phút, rồi sau đó xuất hiện.

Thời gian sau đó tăng dần lên để bé quen được việc mẹ không có mặt trong một thời gian nào đó.

Nếu bé có thể hiểu được khái niệm thời gian, có thể nói với bé là mẹ sẽ đi làm đến số 6 là mẹ sẽ về. Đại ý là như vậy, mặc dù về mặt tâm lý bé vẫn rất muốn mẹ ở nhà.

4. Hướng dẫn trẻ kiểm soát cảm xúc và học các quy tắc về hành xử

Một trong những cách để xây dựng được việc trẻ không bám mẹ hoặc có một hành xử dễ thương khi đòi mẹ thay vì khóc lóc hay nằm bẹp ra sàn, đòi hỏi bố mẹ và người trông trẻ mất thời gian hơn lúc đầu. Tuy nhiên về mặt dài hạn sẽ tích cực hơn cho trẻ.

Trẻ không biết cách hành xử và kiểm soát cảm xúc. Đối với các trẻ dưới 3 tuổi một trong nhiều nguyên nhân là ngôn ngữ của trẻ chưa phát triển. Do vậy người trông trẻ cần phải nhạy bén để đoán được bé đang muốn đòi cái gì hay tránh một việc gì. Khi trẻ đòi mẹ, có thể bạn không muốn bé có hành vi nằm lăn ra sàn chẳng hạn, hay khóc lóc lớn tiếng, bạn có thể hướng dẫn bé gọi “mẹ ơi” và giải thích với bé là khi bé gọi như vậy bạn sẽ xuất hiện.

Trẻ nhỏ dưới cấp 1 vẫn còn rất thích chơi với bố mẹ. (Ảnh: Báo mới)

5. Học cách chơi toàn tâm toàn ý với con

Trẻ nhỏ dưới cấp 1 vẫn còn rất thích chơi với bố mẹ lắm. Nên mặc dù mệt, thì mong các bạn học cách chơi với con trong chánh niệm (mindfulness). Khi bạn tập trung toàn tâm toàn ý chơi với con – dù thời gian ít, thì chắc chắn là bạn sẽ bớt mệt. Còn nếu bạn thực sự mệt mỏi và cần nghỉ ngơi, bạn hãy chia sẻ khó khăn này với người chồng hay người thân nhất của bạn và hãy nhờ người ấy giúp bạn.

Anh Đào
Theo ĐSPL, Vietnammoi

Từ khóa: