Sự kiện hot
13 năm trước

Băn khoăn về hạn chế hay xóa sổ xích lô Hà Nội

Tại khu phố cổ Hà Nội, có thể luôn dễ dàng nhìn thấy những dòng xe xích lô chở khách du lịch dạo phố. Rất nhiều du khách trong nước và nước ngoài đã chọn xích lô để thong thả thưởng ngoạn nét đẹp du lịch và cuộc sống của người dân Hà thành.

Tại khu phố cổ Hà Nội, có thể luôn dễ dàng nhìn thấy những dòng xe xích lô chở khách du lịch dạo phố. Rất nhiều du khách trong nước và nước ngoài đã chọn xích lô để thong thả thưởng ngoạn nét đẹp du lịch và cuộc sống của người dân Hà thành.

Tuy nhiên, một kế hoạch chấn chỉnh hoạt động của xích lô dài hơi nhất từ trước tới nay đã được liên ngành gồm Sở Giao thông vận tải Hà Nội, Công an Hà Nội, Sở Văn hóa thể thao du lịch triển khai từ nay cho đến cuối năm 2011 đã làm dấy lên những dư luận xung quanh sự “tồn vong” của xích lô, phương tiện vốn được coi là một phần của văn hóa Hà Nội.

Du khách Pháp thăm phố cổ Hà Nội bằng xích lô. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

 
Sẽ dẹp 2/3 số xích lô đang hoạt động

Lộ trình kế hoạch về xích lô được Hà Nội đưa ra bao gồm: Tổng kiểm tra xích lô, dẹp xích lô “dù” và tiến tới “xóa sổ” hoạt động xích lô.

Từ gần 300 xe được phép hoạt động, sau hơn 1 năm, hiện số xích lô ở Hà Nội đã “phình” ra đến cả nghìn chiếc.

Tuy hiện chưa có một văn bản nào thông báo Hà Nội sẽ “không xích lô” nhưng rõ ràng là trong thời gian tới, khoảng 2/3 số xích lô đang hoạt động, tương đương khoảng trên dưới 700 xe sẽ bị dẹp bỏ.

Năm 2009, đã từng có đề xuất tiến tới xóa bỏ toàn bộ hoạt động xích lô sau năm 2010. Tuy nhiên, với quan điểm vẫn giữ hình ảnh xích lô như một nét đẹp truyền thống của Thủ đô, nhưng vẫn phải quản lý được đô thị, Hà Nội đã một lần tổng rà soát, qua đó xem xét toàn bộ vấn đề như: bao nhiêu xe là vừa, và xích lô hoạt động ở các tuyến phố nào, đoàn xe bao nhiêu là hợp lý...

Hà Nội đã quyết định cấp phép cho gần 300 xe thuộc 4 doanh nghiệp: Công ty thương mại và du lịch Văn hóa, Công ty Cổ phần Huy Phong, Công ty Cổ phần Thương mại và du lịch Lâm Anh và Công ty trách nhiệm hữu hạn dịch vụ xích lô du lịch Không Lo Âu-Sans Souci.

Theo quy định, mỗi đoàn xích lô chỉ được tối đa 5 xe, khoảng cách mỗi đoàn 100m. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, nhiều xích lô trong số trên và xích lô “dù” vi phạm một số nội dung trong quyết định kinh doanh, hoạt động xích lô được ký ngày 6/9/2007 như: hoạt động sai thời gian quy định; đi không đúng tuyến đường; đỗ, đón trả khách sai quy định...

Thậm chí, một số công ty hoạt động vận chuyển dịch vụ du lịch đã bố trí xe xích lô dù đi lẫn trong đoàn xe của doanh nghiệp khi lượng khách quá đông. Lái xe không có chứng chỉ, hoặc người có chứng chỉ lại không lái xích lô mà lại chỉ đứng tên để cho người khác thuê…

Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết: “Phải nói rằng hoạt động của các xe xích lô hiện nay là cực kỳ lộn xộn, nhiều chủ xe thiếu ý thức khi tham gia giao thông gây mất trật tự an toàn.”

Theo kế hoạch hiện đang được thực hiện, 2 tổ kiểm tra liên ngành bao gồm Thanh tra Sở Giao thông vận tải, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch và Phòng Quản lý vận tải (Sở Giao thông vận tải) đã ra quân từ 13/5 để kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm.

“Những xích lô không có đăng ký sẽ bị thu hồi. Sau hơn 1 tuần ra quân, lực lượng chức năng cũng đã thu hồi khoảng vài chục xích lô không có đăng ký,” ông Linh cho hay.

Hạn chế hay xóa sổ xích lô

Trong cuộc họp liên ngành, đại diện Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội cũng thừa nhận, hiện nhiều đoàn xích lô kéo hàng dài trên phố, gây cản trở giao thông.

Theo Thượng tá Trịnh Văn Sỹ, Phó trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an Thành phố Hà Nội, đã xuất hiện tình trạng một số xích lô "bán cái" cho người khác, biến thành xích lô dù ngang nhiên chèo kéo khách du lịch.

“Nhiều xích lô dù né lực lượng chức năng bằng cách chụp giấy phép, dùng biển số giả… gây ra nhiều khó khăn cho việc xử lý,” Thượng tá Sĩ cho hay.

Ông Hoàng Văn Mạnh, Phó Chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết: “Xích lô vi phạm thì nhiều, nhưng không dễ để xử lý họ, nhất là khi họ đang chở khách du lịch nước ngoài, bởi buộc khách phải xuống xe đi bộ thì quả là bất nhã.”

“Thêm vào đó, một số tuyến phố cấm xe xích lô hoạt động hiện không có biển cấm, nên tất nhiên các xe vẫn đi vào,” ông Mạnh chia sẻ.

Theo ông Đỗ Anh Thư, Giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn và dịch vụ du lịch Sans-souci, Hà Nội không thể cấm hoạt động xích lô trên các tuyến phố cổ và các điểm du lịch trong nội thành bởi nhiều khách nước ngoài thậm chí cho rằng chưa đi xích lô đồng nghĩa với việc chưa đến Việt Nam.

"Những đội xích lô được cấp phép đều hoạt động theo quy định chặt chẽ của các công ty. Các đoàn xe chở khách đi đan xen nhau và đi theo giờ. Chúng tôi không cho xe đi lẻ. Một đoàn xe chở khách bao giờ cũng giữ khoảng cách nhất định giữa các xe. Tất cả lái xe của đội xe chúng tôi đều được giáo dục về an toàn giao thông," ông Thư cho hay.

Anh Nguyễn Văn Tỉnh, quê ở Nam Định hành nghề đạp xích lô kiếm sống được gần 4 năm cho hãng Sans-souci chia sẻ: “Phần lớn anh em chủ yếu là những lao động chân tay, không có nghề nghiệp nên phải đạp xích lô kiếm sống. Nếu Hà Nội tiến tới hạn chế và xóa bỏ xích lô thì không biết những lao động như chúng tôi sẽ sống bằng gì.”

Hiện tại, khung giờ cấm xích lô theo thời gian sáng từ 7 giờ đến 8 giờ 30, chiều từ 4 giờ 30 đến 7 giờ để chống ách tắc. Tuy nhiên, những người hoạt động xích lô cho rằng, đường phố Hà Nội cứ vào khung giờ cao điểm thì... ở đâu chẳng tắc.

“Mấy ngày nay, hãng chúng tôi hoạt động rất ít vì vắng khách nhưng đường nào cũng tắc, hà cớ gì cứ phải xích lô mới là nguyên nhân chính gây tắc đường. Chính hạ tầng giao thông không thể theo kịp được sự gia tăng của các phương tiện cá nhân,” ông Thư phân trần.

Ông Thư cũng khẳng định, nếu Hà Nội tiến tới xóa bỏ xích lô, 264 xích lô hiện nay của công ty cũng sẽ được chuyển đổi sang thành xe điện để có thể đảm bảo tiếp tục kinh doanh và cạnh tranh lành mạnh.

Xích lô là nét văn hóa độc đáo của Hà Nội. Mặt khác, chiếc xe này cũng là miếng cơm manh áo của bao nhiêu người lao động. Việc hạn chế hay xóa bỏ xích lô cần có lộ trình và cần nghiên cứu kỹ để tránh xóa đi lịch sử truyền thống và nét đẹp văn hóa du lịch vốn có của Hà Nội./.

Theo kế hoạch liên ngành của Thanh tra giao thông và Cảnh sát giao thông Hà Nội: Trong 2 giai đoạn đầu (từ nay đến hết 30/9), lực lượng chức năng sẽ phối hợp kiểm tra, xử lý vi phạm tại khu vực phố cổ, xung quanh hồ Hoàn Kiếm, các tuyến phố chính và nút giao thông trọng điểm... nhằm tạo sự chuyển biến trong việc chấp hành Luật Giao thông của lái xe và doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách bằng xích lô.


Giai đoạn 3 (từ 1/10-31/12), ngoài việc tiếp tục xử lý vi phạm, trên cơ sở kết quả kiểm tra, xử lý, Tổ kiểm tra liên ngành sẽ tổng hợp, thống kê số lượng xích lô, doanh nghiệp đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, đề xuất cấp có thẩm quyền về hoạt động kinh doanh vận tải khách bằng xích lô trên địa bàn Thành phố. 

Mạnh Hùng (Vietnam+)

Từ khóa: