Sự kiện hot
12 năm trước

Bạo động phủ bóng đen lên Ngày Độc lập ở Ba Lan

Thủ đô Warsaw của Ba Lan những ngày sau Lễ Độc lập (11/11) vẫn ngổn ngang vì cuộc tuần hành trong ngày này đã biến thành một cuộc bạo động đẫm máu.

Thủ đô Warsaw của Ba Lan những ngày sau Lễ Độc lập (11/11) vẫn ngổn ngang vì cuộc tuần hành trong ngày này đã biến thành một cuộc bạo động đẫm máu.

Nguồn tin cho biết các cuộc tuần hành nhân Ngày Độc lập của Ba Lan năm nay thu hút hơn 10.000 người tham gia, song đã biến hành một cuộc bạo động khi một số nhân vật vô chính phủ xô xát với các nhóm dân tộc chủ nghĩa cực đoan.

Cảnh sát đã phải dùng nước để kiểm soát đám đông.

Không ít các nhóm côn đồ đã lợi dụng tình hình này xông ra đập phá xe cộ, tấn công cảnh sát, thậm chí còn đốt xe phát hình của Hãng truyền hình TVN24 ngay tại trung tâm thủ đô.

Chính quyền thành phố phải điều động tới 3.000 cảnh sát và 400 xe cảnh sát nhằm lập lại trật tự, song lực lượng này đã không thể kiểm soát được tình hình trong vài giờ đồng hồ. Quang cảnh thủ đô Ba Lan ngổn ngang vì những người gây bạo động đốt pháo màu, dùng gạch lát đường, rào chắn ở các bến xe, biểu hiệu, gậy gộc đánh nhau, đốt phá ôtô, xe cảnh sát, đập phá cửa hàng...

Khoảng 40 nhân viên cảnh sát đã bị thương khi họ lập thành hàng rào ngăn hai phe đánh nhau. 14 xe cảnh sát đã bị đốt cháy, đó là chưa kể xe của các đài truyền hình, đài phát thanh bị đập bẹp trong sự bất lực của lực lượng cảnh sát. Trật tự trị an chỉ được lập lại sau đó vài giờ, sau khi cảnh sát phải sử dụng vòi rồng phun nước và bắn súng hơi cay vào đám đông.

Theo nguồn tin của cảnh sát, 210 người, trong đó gần một nửa là người nước ngoài kéo vào Ba Lan để biểu tình "chống phát xít," đã bị bắt giữ. Tuy nhiên, ngày 13/11, số người nước ngoài bị bắt hầu hết đều đã được trả tự do.

Chính quyền thành phố và Bộ Nội vụ Ba Lan hiện bị phê phán là đã không lường trước tình hình và không kịp đối phó với hai đoàn biểu tình với con số lên tới hàng nghìn người chống đối nhau.

Nguồn tin cảnh sát cho biết ít nhất có 1.500 công dân nước ngoài kéo vào Ba Lan từ Đức, Tây Ban Nha, Đan Mạch..., trong đó có những người theo đường lối thiên tả, họ đeo mặt nạ kiểu chống chủ nghĩa tư bản như ở London (Anh) và Athens (Hy Lạp), được các nhóm thiên tả và vô chính phủ ở Ba Lan dẫn đường và phiên dịch. Điều này cho thấy đây là một chiến dịch quốc tế có tổ chức.

Tổng thống Ba Lan Bronislaw Komorowski ngay sau cuộc bạo động đã cam kết sẽ tăng quyền lực cho Thị trưởng và Hội đồng thành phố Warsaw để tình trạng trên không tái diễn.

Theo Vietnam+

Từ khóa: