Sự kiện hot
10 năm trước

Bảo tồn và phát huy nghệ thuật sân khấu Dù kê Nam Bộ

Ngày 12/11, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Ủy ban Nhân dân tỉnh Trà Vinh, VTV Cần Thơ và Trường Đại học Trà Vinh phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học về nghệ thuật sân khấu Dù kê Khmer Nam Bộ - Di sản văn hóa dân tộc.

Ngày 12/11, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Ủy ban Nhân dân tỉnh Trà Vinh, VTV Cần Thơ và Trường Đại học Trà Vinh phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học về nghệ thuật sân khấu Dù kê Khmer Nam Bộ - Di sản văn hóa dân tộc.


Đoàn nghệ thuật sân khấu Dù kê Khmer Sóc Trăng biểu diễn vở "Nàng Xêđa," tại Liên hoan Nghệ thuật sân khấu Dù kê Khmer Nam Bộ lần nhất. (Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN)

Hội thảo nhằm triển khai thực hiện chương trình sưu tầm, tra cứu, đúc kết những luận chứng, cứ liệu một cách khoa học về nguồn gốc lịch sử hình thành và phát triển, tính dân gian và độc đáo của nghệ thuật sân khấu Dù kê. Để từ đây, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch lập hồ sơ trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể từ nay đến năm 2016.

Hội thảo đã nhận được hơn 70 bài tham luận, cùng nhiều ý kiến phát biểu trực tiếp của các đại biểu là những nhà quản lý, nghiên cứu khoa học và phê bình trong lĩnh vực nghệ thuật; với nhiều bài tham luận và ý kiến cho rằng, nghệ thuật sân khấu Dù kê của đồng bào Khmer Nam Bộ được hình thành tại tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, cách đây hơn hơn 100 năm.

Dù kê là loại hình sân khấu mới xuất phát từ sự tiếp biến của các loại hình nghệ thuật ca múa dân gian của đồng bào Khmer, trong đó có cả sự giao thoa sân khấu cải lương của người Kinh. Tuy vẫn chưa làm rõ về xuất xứ nguồn gốc ra đời, nhưng tất cả các đại biểu đều thừa nhận rằng Dù kê là loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc, mang giá trị độc đáo. Tính đặc sắc được thể hiện là trải qua thời gian dài hình thành và phát triển, sân khấu Dù kê luôn luôn được đồng bào Khmer Nam Bộ yêu thích.

Chính từ tính đặc sắc và giá trị độc đáo nghệ thuật sân khấu Dù kê, các đại biểu đề nghị Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cần sớm có một chương trình bảo tồn và phát huy.

Nghệ thuật sân khấu Dù kê ở Nam Bộ đang đứng trước nguy cơ bị mai một, hiện nay chỉ còn hai tỉnh là Trà Vinh và Sóc Trăng còn gìn giữ, có tổ chức đoàn biểu diễn và hoạt động truyền nghề. Số lượng tác giả và tác phẩm tuồng tích Dù kê hơn 10 năm qua được sáng tác mới chỉ đếm trên đầu ngón tay, số nghệ sỹ trẻ được truyền nghề để tiếp nối thế hệ đi trước cũng rất ít.

Từ thực tế đó, nghệ thuật sân khấu Dù kê không chỉ cần việc sưu tầm, tra cứu về những luận chứng, cứ liệu để đề nghị UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể, mà nó thực sự rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước từ công tác bảo tồn đến phát huy để tôn vinh giá trị của nghệ thuật Dù kê nói riêng, nghệ thuật Khmer Nam Bộ nói chung, góp phần làm phong phú thêm, đặc sắc và độc đáo hơn kho tàng văn hóa, nghệ thuật của dân tộc Việt Nam.

Phúc Sơn
theo TTXVN

Từ khóa: