Sự kiện hot
13 năm trước

BAP- Tiêu chuẩn an toàn cho xuất khẩu sản phẩm nuôi trồng thủy sản

Phỏng vấn Tiến sĩ Claude E. Boyd, người đã tham gia vào Liên minh Nuôi trồng Thủy sản Toàn cầu (GAA) trong phát triển các tiêu chuẩn nuôi cá tra, nhân chuyến thăm các dự án có liên quan đến nỗ lực xin chứng nhận Thực hành Nuôi trồng Thủy sản Tốt nhất (BAP) tại Việt Nam.

Phỏng vấn Tiến sĩ Claude E. Boyd, người đã tham gia vào Liên minh Nuôi trồng Thủy sản Toàn cầu (GAA) trong phát triển các tiêu chuẩn nuôi cá tra, nhân chuyến thăm các dự án có liên quan đến nỗ lực xin chứng nhận Thực hành Nuôi trồng Thủy sản Tốt nhất (BAP) tại Việt Nam. Dưới đây là những thông tin trả lời cho cuộc phỏng vấn này.
 

Tiến sĩ Claude E. Boyd (Ảnh do nhân vật cung cấp)


Xin ông cho biết giấy chứng nhận BAP sẽ đem lại cho ngành cá tra Việt Nam những giá trị gì?

Giấy chứng nhận BAP dành cho trại nuôi sẽ chứng minh cho người mua thủy sản biết rằng nhà sản xuất có trách nhiệm quan tâm đến môi trường và xã hội. Đồng thời BAP cũng sẽ chứng minh những biện pháp an toàn thực phẩm có thể chấp nhận được cho trại nuôi. Nhiều khách hàng mong muốn đảm bảo sản xuất có trách nhiệm và an toàn thực phẩm, vì người tiêu dùng yêu cầu sản phẩm phải được sản xuất bằng phương pháp kỹ thuật có trách nhiệm. Chính vì vậy, giấy chứng nhận BAP mang lại lợi ích rất lớn trong việc đảm bảo định vị thị trường và sản phẩm có giá thành cao. Tôi tin rằng giấy chứng nhận nuôi trồng thủy sản cuối cùng cũng sẽ trở thành nhu cầu cho xuất khẩu các sản phẩm nuôi trồng thủy sản. Chương trình BAP là một khởi xướng cho giấy chứng nhận nuôi trồng thủy sản và được nhiều người mua thủy sản công nhận như là một tiêu chuẩn đáp ứng trong sản xuất có trách nhiệm cho sản phẩm an toàn. Giấy chứng nhận BAP rất có giá trị cho các trại nuôi cá tra tại Việt Nam.

Xin ông cho biết sự khác biệt giữa BAP và các giấy chứng nhận tương tự khác (đặc biệt là ASC của WWF mà họ đã cố gắng đưa vào công nghiệp trong nước)?

Theo ý kiến của tôi, chương trình giấy chứng nhận BAP là chương trình tốt nhất đã có sẵn. Chương trình WWF vẫn còn trong giai đoạn hình thành. Các tiêu chuẩn của WWF đã được thực hiện, nhưng không tốt hơn các tiêu chuẩn BAP. Tuy nhiên, tôi không tin rằng chương trình của WWF đang sẵn sàng chứng nhận các trại nuôi, hoặc nếu có thì nó mới chỉ bắt đầu.

Có một số khác biệt trong các tiêu chuẩn giữa BAP và WWF, nhưng BAP cũng nghiêm ngặt như WWF và được thị trường chấp nhận.

Ông có bình luận gì về thực hành BAP của QVD nói riêng và cá tra Việt Nam nói chung?

Trại nuôi của QVD hoạt động theo một quy trình rất tốt. Trại QVD có quy mô sản xuất cực kỳ hiệu quả và sử dụng nguồn lực một cách khôn ngoan. Tôi đã đi thăm chỉ có 3 trại nuôi cá tra khác nhau, nhưng tôi đã đọc được bản thẩm định tác động môi trường (EIA) của trại nuôi cá tra tại Việt Nam thực hiện với sự hợp tác của Đại học Wagingen (Hà Lan). EIA cho thấy rằng trại nuôi cá tra đã không tác động nghiêm trọng lên môi trường và EIA đã đưa ra những đề xuất làm giảm các tác động nhiều hơn nữa. Tôi cảm nhận rằng trại nuôi cá tra tại Việt Nam đang cải tiến và những trại nuôi như QVD là có trách nhiệm đối với môi trường.

Xin ông cho biết các tư vấn/kiến nghị của ông cho ngành cá tra trong nước và Chính phủ Việt Nam liên quan đến phát triển ngành cá tra và nuôi trồng thủy sản?

Chính phủ nên làm việc với công nghiệp tư nhân để quảng bá trách nhiệm đối với môi trường và xã hội. Nỗ lực của chính phủ sẽ là nhân tố bổ sung cho giấy chứng nhận nuôi trồng thủy sản, nhưng những chương trình của chính phủ không phải thay thế cho giấy chứng nhận.

Thi Vân

Từ khóa: