Sự kiện hot
12 năm trước

Bày cách giúp bạn không bị ngộ độc thực phẩm

Đừng để “vị khách không mời” này làm bạn phải khổ sở nhé!

Đừng để “vị khách không mời” này làm bạn phải khổ sở nhé!

Ngộ độc là do đâu?

Nguyên nhân chính của ngộ độc thực phẩm là do ăn phải thức ăn đã bị nhiễm khuẩn hoặc nhiễm độc hóa học. Có một số đối tượng thực phẩm nguy cơ gây ngộc độc rất cao, bạn hãy ghi nhớ nè: các loại thịt, hải sản, trứng trong các món gỏi, rau sống, thức ăn để lâu, thực phẩm chế biến sẵn như giò, lạp xường thường được thêm các chất hóa học rất độc với cơ thể, bánh mứt kẹo không rõ nguồn gốc xuất xứ, các loại rượu giả...

Những món ăn hè phố không phải lúc nào cũng đảm bảo
vệ sinh (ảnh minh họa)

Ngoài nguyên nhân từ những đồ ăn không đảm bảo vệ sinh và chất lượng, thì việc ăn quá nhiều thứ hỗn hợp cùng một lúc cũng dễ khiến bạn bị rối loạn tiêu hóa nữa đấy.

Nhận biết và “đối phó” một ca ngộ độc thực phẩm:

Bạn hãy chú ý một số triệu chứng sau đây để có thể xử trí kịp thời nhé:

- Đau bụng, nôn mửa tiêu chảy

- Thân nhiệt tăng cao, sốt, chân tay co quắp, vã mồ hôi lạnh

- Mệt mỏi, choáng váng, ngứa ngáy ở cổ và mặt, chảy nước mắt.

Nếu bắt gặp những dấu hiệu của ngộ độc, bạn cần làm cho chất độc hại thoát ra ngoài càng nhanh càng tốt. Có thể dùng hai ngón tay ngoáy móc họng để kích thích nôn hết thức ăn ra ngoài. Người bị ngộ độc mất rất nhiều nước, cần phải bổ sung kịp thời. Uống nhiều dung dịch Oresol, nước cháo, nước cam sau mỗi lần nôn hay đi ngoài. Nếu ngộ độc nặng, bạn cần phải tới cơ sở Y tế gần nhất để cấp cứu.

Phòng tránh thế nào là tốt nhất

Ôi, tớ không muốn vì ngộ độc phải nằm cấp cứu trong bệnh viện và không được đến lớp đâu. Vậy thì tốt nhất là bạn nên phòng để không gặp phải tình cảnh ấy.

Đầu tiên bạn phải luôn luôn chú ý xem kĩ địa chỉ sản xuất cũng như hạn sử dụng khi mua thực phẩm đóng gói chế biến sẵn, phải thật an tâm hãy mua về nhé. Nhớ nhắc mama nhà bạn nữa đấy.

Những đồ khô cần bảo quản rất kỹ

Vấn đề bảo quản thức ăn, nguyên liệu chế biến cần phải đặt lên hàng đầu. Các đồ khô cần phải để những nơi thoáng mát, tránh chỗ ẩm thấp, dễ lên mốc.

Bảo quản thật tốt các đồ ăn đã qua chế biến trong ngăn mát tủ lạnh và tuyệt đối không ăn chúng nữa khi bạn thấy có dấu hiệu chảy nước, đổi màu hay mốc.

Thịt cá sống phải được bọc cẩn thận và cất trong ngăn đá cho tới khi bạn cần dùng đến chúng.

Bạn nên hạn chế ăn các món gỏi, tái, ăn các món chín kĩ và đảm bảo là còn mới.

Nếu không phải là rau sống của nhà trồng được, tốt nhất bạn không nên ăn

Không nên ăn ở các hàng quán vỉa hè khi đi chơi đầu xuân ở những nơi xa lạ, chỉ nên ăn ở những địa chỉ tin cậy được “cộp mác” bảo đảm bởi chính bạn và người thân thôi.

Và cuối cùng, nhớ rửa tay thật sạch trước mỗi bữa ăn bạn nhé! Bài học mà chúng ta được dạy từ thuở vào lớp mẫu giáo nhưng không kém phần quan trọng đúng không?

Hồng Vân

Từ khóa: