Sự kiện hot
10 năm trước

Bến tàu xe không khói thuốc: Thực thi chưa nghiêm khắc

Không khó để chúng ta có thể bắt gặp cảnh tượng nhiều người hút thuốc ở các bến tàu, bến xe, nhà ga, các phương tiện giao thông công cộng hay những cô gái tiếp thị bán thuốc tại những địa điểm trên.


Cán bộ, nhân viên Ga Hà Nội cấp phát tờ rơi, kiểm tra, nhắc nhở hành khách hút thuốc đúng nơi quy định. (Ảnh: Dương Ngọc /TTXVN)

Những hành vi trên đã phạm luật và bị phạt theo Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Tuy nhiên, để môi trường những khu vực này trở nên trong sạch thì vẫn cần nỗ lực từ nhiều phía.

Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá có hiệu lực kể từ ngày 1/5/2013; trong đó quy định cấm hút thuốc trên ôtô, máy bay, tàu điện; cấm hút thuốc ở các khu vực trong nhà tại bến tàu, bến xe, nhà ga, bến cảng; đồng thời trên các phương tiện giao thông như tàu thủy, tàu hỏa quy định phải có khu vực dành riêng cho người hút thuốc.

Theo Nghị định số 176/2013/NĐ-CP, việc vi phạm quy định về địa điểm cấm hút thuốc lá có thể bị cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000-300.000 đồng; phạt từ 3-5 triệu đồng đối với hành vi không treo biển có chữ hoặc biểu tượng “Cấm hút thuốc” tại địa điểm cấm hút thuốc; không yêu cầu người vi phạm chấm dứt việc hút thuốc lá trong cơ sở của mình.

Mặc dù vậy, trên thực tế không phải ai cũng biết những quy định trên cũng như việc Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá có hiệu lực thi hành.

Anh Nguyễn Anh Cường, trú tại khu Đền Lừ II, Hà Nội cho biết: “Là người có hút thuốc, nhưng thú thật tôi chưa nắm rõ những quy định trong Luật và tôi cũng có thói quen tiện đâu hút đó.

Tuy nhiên, ở những nơi ghi cấm hoặc treo biển cấm hút thì tôi vẫn thường thực hiện theo."

Đối với ngành giao thông vận tải, đặc thù 80% nhân viên là nam giới, có tỷ lệ hút thuốc cao thì việc thực hiện tốt công tác phòng, chống tác hại thuốc lá sẽ giúp bảo vệ sức khỏe cho cả nhân viên và hành khách, giảm thiểu các thiệt hại do cháy nổ và ô nhiễm môi trường.

Theo bà Phạm Hoàng Anh, Giám đốc Tổ chức Nhịp cầu sức khỏe Canada tại Việt Nam, lợi ích của “không khói thuốc” đem lại là rất thiết thực cho các công ty vận tải, bến xa nhà ga.

Môi trường sạch sẽ lôi kéo được khách hàng, cạnh tranh dịch vụ là rất quan trọng, nhất là với các hãng taxi.

Bà Hoàng Anh cho rằng, cần giám sát thường xuyên nội quy treo biển báo ở nhà ga, bến tàu nhưng cần thống nhất đã “cấm thì không để gạt tàn" và cho phép công an viên xử phạt vi phạm ngay tại chỗ.

Ông Hồ Hữu Hòa, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Giao thông Vận tải thừa nhận, hiện nay tại nhiều nơi làm việc, nhà ga, bến xe, bến cảng, trên các phương tiện giao thông công cộng vẫn còn hiện tượng hút thuốc lá và việc kiểm soát là khá khó khăn, nhất là tại các thành phố lớn.

Theo ông Hòa, sắp tới Bộ Giao thông Vận tải sẽ quyết liệt hơn việc thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá trong toàn ngành, thực hiện nghiêm quy định các chuyến bay không khói thuốc; cảnh báo cho hành khách khi đi tàu, đi xe cũng như ra quy định cụ thể cho từng chức danh, lãnh đạo các đơn vị trong ngành thực hiện.

Hoàng Tùng
theo TTXVN

Từ khóa: