Sự kiện hot
5 năm trước

Bệnh viện Đa khoa Đức Thọ: Ghi bệnh án cắt xén?

Bệnh nhân được Bệnh viện Đa khoa Đức Thọ (Hà Tĩnh) mổ lấy sỏi ở niệu quản ra, các bác sỹ thực hiện ca mổ nói rằng “sỏi chạy ngược vào thận” và không lấy ra được đành phải khâu lại, chờ vết thương lành rồi đến tán sỏi.

Phản ánh tới Báo Đời sống & Tiêu dùng, ông Nguyễn Ánh Sáng (thôn Hoà Thái, xã Đức Lạc, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) thể hiện sự bức xúc với Bệnh viện Đa khoa Đức Thọ gây ra, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khoẻ của ông.

Ông Sáng cho biết, ông bị đau thận trái nên đã tới Bệnh viện Đa khoa Đức Thọ để khám. Sau khi siêu âm, chụp XQ, bác sỹ chẩn đoán ông bị sỏi niện quản, yêu cầu phải mổ.

  Bệnh viện Đa khoa Đức Thọ
Bệnh viện Đa khoa Đức Thọ

Ngày 04/12, ông Sáng nhập viện Bệnh viện Đa khoa Đức Thọ, tiến hành phẫu thuật lấy sỏi ở niệu quản. Đến 14h ngày 5/12, ông bắt đầu lên bàn mổ, nhưng sau hơn 2 giờ đồng hồ người nhà nhận được thông báo sỏi đã chạy lên thận nên không thể lấy ra được.

“Sau khi khâu lại vết mổ, tôi được cho điều trị đến ngày 15/12 xuất viện về nhà. Điều tôi thắc mắc là dù vết mổ của tôi là vết mổ banh nhưng bác sỹ ghi vào giấy ra viện là “mổ nội soi niệu quản” và không hề lấy được viên sỏi nào”, ông Sáng bức xúc.

Trao đổi với phóng viên, ông Phan Hồng Cường, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Thọ - người trực tiếp mổ cho bệnh nhân giải thích: “Trường hợp của ông Sáng bị sỏi nhiều ở thận và có một viên nằm ở niệu quản gây ách tắc đường tiểu là làm giản thận, buộc phải phẩu thuật để gắp viên sỏi đó ra.

Tuy nhiên trước khi mổ tôi cũng khuyên gia đình rằng, bệnh viện tuyến huyện không mổ sỏi thận mà chỉ mổ lấy sỏi ở niệu quản, gia đình nên lên tuyến trên. Tuy nhiên, gia đình vẫn đồng ý mổ lấy sỏi ở niệu quản khai thông đường tiểu tránh làm giản thận.

Ngày 5/12, bệnh viện thực hiện phẫu thuật lấy sỏi cho ông Sáng nhưng vì thận đã bị giãn nên khi vừa mổ thì viên sỏi lại bị đẩy trôi lên thận nên không thể lấy ra được, chúng tôi phải đặt xông niệu quản cho bệnh nhân”.

Giải thích về việc bệnh nhân mổ banh nhưng tại sao trong hồ sơ lại ghi là mổ nội soi ngược dòng, ông Cường cho hay: “Vì trường hợp ông Sáng là dùng đồng thời hai biện pháp mổ banh và mổ nội soi. Khi mổ banh không lấy được sỏi tiến hành đặt xông niệu quản bằng phương pháp nội soi. Để tránh tốn kém cho chi phí điều trị của bệnh nhân nên mọi người thống nhất ghi mổ nội soi ngược dòng”.

Tuy nhiên, khi phóng viên đề nghị được tiếp cận hồ sơ bệnh án của bệnh nhân thì vị Phó Giám đốc Bệnh viện một mực từ chối với lý do cần phải có “giấy giới thiệu từ công an thì bệnh viên mới cung cấp”.

Lý giải trên của vị Phó Giám đốc Bệnh viện khiến ông Sáng không thỏa mãn và mong muốn cơ quan chức năng vào cuộc làm sáng tỏ vụ việc này.

Trí Thức - Diễm Phước
Theo Báo Đời sống & Tiêu dùng

Từ khóa: