Sự kiện hot
7 năm trước

BMW muốn xây dựng nhà máy sản xuất ô tô tại Việt Nam

Ở buổi lễ khai mạc Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Đức tại Berlin, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp lãnh đạo Tập đoàn sản xuất ô tô - xe máy BMW, Công ty sân bay Munich và Ngân hàng BPCE International - tin từ Báo Điện tử Chính phủ cho hay.

Thủ tướng hoan nghênh việc các doanh nghiệp Đức như Munich, BPCE hay BMW tìm kiếm hợp tác đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Thủ tướng cũng khẳng định Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm và tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh ổn định và lâu dài hiệu quả tại Việt Nam.

Tập đoàn BMW hiện có sản phẩm tiêu thụ tại Việt Nam với các loại xe hơi sang trọng phục vụ phân khúc người tiêu dùng có thu nhập cao. Tập đoàn bày tỏ mong muốn tìm hiểu cơ hội đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất ô tô tại Việt Nam từng bước tăng cường nội địa hóa nhiều loại linh kiện ô tô.

Công ty sân bay Munich hiện quản lý, khai thác sân bay Munich - sân bay lớn thứ hai tại Đức. Hiện doanh nghiệp này đang sử dụng khoảng 34.000 lao động tại Đức và bày tỏ mong muốn hợp tác với Học viện Hàng không Việt Nam để đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp chất lượng cao phục vụ quản lý, khai thác và vận hành cảng hàng không tại Việt Nam.

Thủ tướng tiếp Giám đốc điều hành khu vực ASEAN của Tập đoàn BMW. Ảnh: VGP.

Ngân hàng BPCE International là công ty con của Ngân hàng BPCE, đây là định chế tài chính lớn thứ hai tại Pháp. Ngân hàng đã hoạt động tại Việt Nam từ thập niên 1990 của thế kỷ trước và hiện đang mong muốn hợp tác với các đối tác Việt Nam nhằm triển khai thí điểm mô hình ngân hàng công nghệ 4.0. Việc thực hiện thí điểm thành công mô hình này tại Việt Nam sẽ là tiền đề quan trọng để BPCE International triển khai rộng rãi trên toàn thế giới.

Phát biểu tại cuộc gặp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định việc đầu tư phát triển công nghiệp phụ trợ nói chung và công nghiệp phụ trợ ngành sản xuất ô tô nói riêng là một ưu tiên chiến lược của nền công nghiệp Việt Nam. Việt Nam cũng đang tích cực thúc đẩy các ngành kinh tế của mình hướng tới cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và rất cần nguồn nhân lực chất lượng cao trong các ngành dịch vụ trong đó có tài chính-ngân hàng, hậu cần-cảng hàng không.

Chính phủ Việt Nam hoan nghênh việc các doanh nghiệp trên xúc tiến hợp tác với các đối tác Việt Nam để triển khai các kế hoạch của mình. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chúc các doanh nghiệp nêu trên thành công tại Việt Nam.

Trước đó, cũng trong chuyến đi, Hãng hàng không Vietjet và Tập đoàn GOAL German Operating Aircraft Leasing GmbH & Co.KG (GOAL), đã ký kết thoả thuận cung cấp tài chính cho 4 tàu bay A321 mới của Vietjet với tổng giá trị 464 triệu USD. Các tàu bay này thuộc gói hợp đồng tàu bay Airbus A320/A321 ký kết giữa Vietjet và hãng chế tạo tàu bay Airbus. Dự kiến hãng sẽ nhận các tàu này ngay trong năm 2017 nhằm phục vụ kế hoạch mở rộng mạng bay trong nước và quốc tế của mình.

Cùng trong khuôn khổ chuyến đi, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Đức Brigitte Zypries đã cùng tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt - Đức tại Berlin và chứng kiến lễ trao 28 văn bản hợp tác giữa các cơ quan và doanh nghiệp hai nước với tổng giá trị trên 1,5 tỷ euro.

Tô Đức
Theo KTTD, Vietnambiz

Từ khóa: