Sự kiện hot
12 năm trước

Bộ GTVT ủng hộ TPHCM phạt nặng “quái xế” đua xe

Không chỉ đồng tình ủng hộ TPHCM về mức xử phạt cao nhất cả nước, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) còn đề xuất tăng nặng hơn nữa nhằm răn đe, tiến tới đẩy lùi nạn đua xe trái phép.

 Không chỉ đồng tình ủng hộ TPHCM về mức xử phạt cao nhất cả nước, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) còn đề xuất tăng nặng hơn nữa nhằm răn đe, tiến tới đẩy lùi nạn đua xe trái phép.

Ý kiến này được Bộ trưởng Đinh La Thăng đưa ra trao đổi tại cuộc họp báo trưa nay (5/10).

Trước đó, trong buổi tiếp xúc cử tri quận 10, lắng nghe những ý kiến bức xúc của cử tri về tình trạng tụ tập đua xe trái phép ngày càng tăng cả về hình thức lẫn quy mô, Bí thư Thành ủy TPHCM - ông Lê Thanh Hải cho biết sẽ ngăn chặn bằng các biện pháp mạnh, TPHCM sẽ kiến nghị lên Quốc hội để đề xuất mức xử phạt “quái xế” cao nhất cả nước.


Nạn đua xe trái phép lộng hành ở TPHCM (ảnh: Trung Kiên)

Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định, việc tăng nặng mức xử phạt là cần thiết, đặc biệt là đối với các đối tượng tham gia đua xe trái phép, gây nguy hiểm và mất an ninh trật tự công cộng.

“Trong cuộc họp Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia mới đây, tôi đã đề nghị phạt mức cao hơn nữa đối với các đối tượng đua xe trái phép. Khi bắt được thì thu và hủy luôn xe, phạt thật nặng “quái xế” chứ không tạm giữ hay phạt tiền đơn thuần. Tuy nhiên, đề xuất này của tôi chưa được chấp thuận” - Bộ trưởng Đinh La Thăng cho hay.

Cũng theo Bộ trưởng: “Đua xe trái phép là phạm tội, đây là những đối tượng gây nguy hiểm cho xã hội, gây mất trật tự xã hội. Nếu cứ tạm giữ để phạt tiền, sau đó lại cho lấy xe ra thì các đối tượng sẽ không sợ gì cả, phải kiên quyết hơn nữa, phạt nặng hơn nữa”.

Được biết, hiện mức phạt “tăng nặng” chiếu theo Nghị định 34/2010/NĐ-CP quy định: Người điều khiển ôtô nếu có hành vi điều khiển xe lạng lách, đánh võng, chạy quá tốc độ đuổi nhau trên đường bộ thì sẽ bị phạt tiền từ 8 - 12 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng GPLX 60 ngày. Mức phạt tiền sẽ là 15 - 25 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng GPLX không thời hạn nếu người điều khiển xe lạng lách, đánh võng mà gây tai nạn hoặc không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của người thi hành công vụ hoặc chống người thi hành công vụ.

Đối với hành vi vi phạm của người điều khiển môtô sẽ bị phạt tiền từ 5 - 7 triệu đồng, tước GPLX 60 ngày đối với người điều khiển xe môtô, xe gắn máy có hành vi điều khiển xe lạng lách hoặc đánh võng trên đường bộ trong, ngoài đô thị. Trong trường hợp không chấp hành lệnh dừng xe của người thi hành công vụ hoặc chống người thi hành công vụ hoặc gây tai nạn thì bị phạt tiền từ 10 - 14 triệu đồng, tước GPLX không thời hạn.

Quỳnh Anh
Theo Dantri

Từ khóa: