Sự kiện hot
10 năm trước

Bộ trưởng Nhật xin lỗi vì yêu cầu dân sống với chất thải nhiễm xạ

Ngày 17/6, Bộ trưởng Môi trường Nhật Bản Nobuteru Ishihara đã lên tiếng xin lỗi người dân nước này về một phát ngôn liên quan đến sự cố hạt nhân tại nhà máy Fukushima.


Hiện trường một vụ rò rỉ nước nhiễm xạ tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi ở tỉnh Fukushima. (Nguồn: Kyodo/TTXVN)

Trước đó, Bộ trưởng Ishihara đã hứng chịu chỉ trích gay gắt của dư luận sau khi tuyên bố chính phủ có thể dùng tiền để thuyết phục người dân Fukushima sống chung với chất thải nhiễm xạ.

Hãng tin Kyodo cho biết ông Ishihara đã coi tiền là "yếu tố quyết định" đối với chính quyền và người dân địa phương khi họ được yêu cầu chấp nhận các kế hoạch xây dựng các kho chứa nước thải.

Ngay sau đó, Thị trưởng Fukushima Yuhei Sato đã gọi phát biểu của ông Ishihara là một điều "vô cùng đáng tiếc" và "chà đạp lên cảm nhận của người dân," những người hiện không thể trở về nơi sinh sống xung quanh nhà máy Fukushima do nồng độ phóng xạ luôn ở mức cao. Trong khi đó, cựu Bộ trưởng Môi trường Goshi Hosono, đồng thời là nghị sỹ cấp cao của đảng Dân chủ đối lập, đã kêu gọi ông Ishihara từ chức.

Trả lời các phóng viên, ông Ishihara xin lỗi đồng thời cam kết với vai trò phụ trách tái thiết nhà máy Fukushima sẽ tiếp tục nghiên cứu các đề xuất liên quan đến chất thải phóng xạ và kế hoạch đền bù.

Việc xây dựng các kho chứa đất và các chất thải nhiễm xạ khác sau sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima đã được chính quyền trung ương và địa phương thảo luận trong nhiều tháng qua. Đầu tháng Sáu, Nhật Bản đã khởi công xây dựng một bức tường băng ngầm bao quanh nhà máy này nhằm hạn chế lượng nước nhiễm xạ rò rỉ ra môi trường.

Liên quan đến vấn đề an toàn hạt nhân, cũng trong ngày 17/6, Cơ quan Quản lý hạt nhân Nhật Bản (NRA) đã khiển trách các ban điều hành của hai nhà máy điện hạt nhân nước này Tokai Daini và Higashidori do không đưa ra được đầy đủ dữ liệu và kết quả phân tích an toàn.

NRA kêu gọi các nhà điều hành cung cấp thêm thông tin để hai nhà máy trên có thể vượt qua quá trình kiểm tra nhằm khôi phục sản xuất.

Hiện tại, chưa có cơ sở nào trong số 48 nhà máy điện hạt nhân thương mại của Nhật Bản vượt qua được cuộc kiểm tra an toàn của NRA và tất cả đều đang bị đình chỉ hoạt động.

theo TTXVN

Từ khóa: