Sự kiện hot
6 năm trước

BSC dự báo VN-Index có thể đạt 1.165 điểm vào quý II/2018

Về điểm số VN-Index, BSC dự báo có kịch bản giá từ 785 điểm đến 1.053 điểm cuối năm 2017. Thị trường có thể thiết lập vùng giá cao trong quý II tại 1.165 điểm. Ngoài ra, nhóm VN30 sẽ có một số sự thay đổi. Đáng chú ý sẽ có thêm VJC, PNJ, PLX.

CTCP Chứng khoán Ngân hàng đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) đưa ra báo cáo chiến lược đầu tư năm 2018. Theo đó, dòng cổ phiếu Midcap có thể thu hút dòng tiền trong quý I, các cổ phiếu niêm yết mới sẽ đẩy quy mô thị trường tăng mạnh.

Xu hướng thị trường tích cực trong 6 tháng đầu năm

Diễn biến thị trường năm 2018, BSC đánh giá xu hướng tăng điểm mạnh kéo dài cho đến khoảng nửa đầu năm 2018. Diễn biến 6 tháng cuối năm sẽ phức tạp do phụ thuộc khá nhiều vào dòng vốn ngoại.

Lý giải điều này, BSC cho rằng, từ tháng 3 đến tháng 5, thị trường có nhiều thông tin hỗ trợ về Đại hội cổ đông thường niên, kết quả kinh doanh năm 2017 và triển vọng năm 2018. Kế đến là thời điểm diễn ra các phiên đấu giá hoặc niêm yết của các cổ phiếu được thị trường quan tâm.

VN-Index có thể đạt 1.165 điểm, HNX-Index ở quanh vùng 100 - 130 điểm

BSC dự báo VN-Index có thể đạt đỉnh vào quý II với 1.165 điểm và vận động quanh mốc 785 - 1.053 điểm. Ngoài ra, HNX-Index được dự báo sẽ mức 100 - 130 điểm trong khi UPCoM-Index có thể ở mức 60-64 điểm.

Dòng vốn có cơ hội dịch chuyển sang nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ

Năm 2017, Midcap là nhóm tăng trưởng mạnh nhất 6 tháng đầu năm với mức tăng 33% trong khi VN30 là 20% và Smallcap là 20%. Tuy nhiên nhóm Midcap và Smallcap điều chỉnh đến tháng 10 và tăng lại vào tháng 11, trong khi VN30 đi ngang tháng 7, 8 và tăng sau đó đến cuối năm.

Năm 2018, BSC đánh giá xu hướng thị trường tích cực trong 6 tháng đầu năm và nhóm Midcap và Smallcap sẽ có một nhịp tăng mạnh trong quý I ảnh hưởng bởi chu kỳ tăng trưởng của thị trường cùng với việc dòng tiền đang đổ mạnh. Thêm vào đó, với chu kỳ tăng giá mạnh thì nhóm cổ phiếu Bluechips đóng vai trò dẫn dắt thị trường nhưng sau đó dòng tiền dần luân chuyển sang nhóm ngành và các cổ phiếu có quy mô nhỏ hơn tạo sự cân bằng giá.

Cổ phần hóa và niêm yết mới năm 2018 giúp tăng trưởng quy mô thị trường chứng khoán

Tính đến tháng 11/2017 mới chỉ có 22/44 doanh nghiệp cổ phần trong năm 2017, vì vậy hoạt động cổ phần hóa được chuyển dồn và tập trung mạnh vào năm 2018. Chỉ riêng 10 doanh nghiệp lớn đã được phê duyệt cổ phần hóa đã có giá trị vốn hóa ước đạt 7,8 tỷ USD. Những doanh nghiệp đáng chú ý như PV Power, PV Oil, Lọc Hóa dầu Bình Sơn có mức IPO ước tính gần 13.000 tỷ đồng.

Các doanh nghiệp có kế hoạch lên sàn năm 2018 như Thaco, Becamex, Techcombank có giá trị vốn hóa dự kiến lần lượt là 1,8 tỷ USD, 1,94 tỷ USD và 2,14 tỷ USD.

VN30 sẽ có thêm PLX, VJC, PNJ

Tính đến 12/12/2017, chỉ số VN30 và VN-Index có mức tăng lần lượt 45,6% và 39,5%. Trong đó, nhóm VN30 đóng vai trò quan trọng trong việc dẫn dắt xu hướng, thu hút dòng vốn nước ngoài năm 2017. Xét về quy mô, nhóm VN30 chỉ chiếm 67,6% quy mô vốn hóa thị trường nhưng đóng góp đến 88,8% mức tăng điểm của VN-Index.

Năm 2018, các cổ phiếu nhóm VN30 có khả năng tiếp tục thu hút nhà đầu đầu tư trong nước và quốc tế. Danh mục VN30 kỳ I/2018 sẽ được xác định trên dữ liệu cuối phiên 29/12/2017 và công bố chính thức ít nhất trước 5 ngày so với ngày có hiệu lực ngày 22/1/2018. Theo BSC, các mã PLX, VJC, PNJ, HBC, PDR, DXG dự kiến sẽ tham gia vào nhóm VN30 thay cho các mã BVH, CTD, DHG, DPM, KDC và NT2.

CTCP Chứng khoán Ngân hàng đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC)

Một số vấn đề trọng tâm về vĩ mô ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán 2018

Nguồn vốn FDI từ Trung Quốc kỳ vọng tăng

Kinh tế Trung Quốc chuyển dịch cơ cấu, các chính sách của Chính Phủ nước này gần đây khiến GDP có thể ở mức 6,3% trong năm 2018 và hạ dần trong những năm sau. Tuy nhiên, Trung Quốc đang đổi mình với chiến lược thúc đẩy tiêu dùng trong nước kết hợp với áp dụng công nghệ cao vào nền kinh tế.

Theo đó, điều này sẽ mang đến cho Việt Nam nguồn vốn FDI những mảng công nghiệp dư thừa lao động giá rẻ. Ngoài ra,Trung Quốc hướng đến Việt Nam là nơi đa dạng hóa đầu tư, hưởng ưu đãi thuế nhằm lách luật giúp xuất khẩu sang Mỹ thuận lợi hơn.

Nguồn đầu tư FDI từ Trung Quốc sang Việt Nam lên đến 1,35 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm 2017, tăng 43% so với cùng kỳ và kỳ vọng tiếp tục tăng mạnh. Cùng với việc Việt Nam ký kết nhiều hiệp đinh mới sẽ giúp tất cả các ngành đều có lợi nhờ ảnh hưởng từ nên kinh tế nói chung.

GDP dự báo tăng 6,6%, áp lực lãi suất vào cuối năm

BSC dự báo GDP 2018 tăng 6,6% nhờ việc Việt Nam sẽ tiếp tục thu hút dòng vốn FDI thông qua các chính sách ưu đãi của chính Phủ, hàng loạt FTAs được ký, chi phí lao động thấp, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo. Ngoài ra, chính sách mở rộng tín dụng nhờ lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát và cầu về tiêu dùng đang trong quá trình phục hồi tốt.

Về lãi suất, BSC dự báo mặt bằng lãi suất 6 tháng đầu năm 2018 tương đối ổn định và chỉ biến động nhẹ quanh mức cuối năm 2017 và chủ yếu áp lực sẽ vào nửa cuối năm 2018.

Minh Đăng
Theo KTTD, Vietnambiz

Từ khóa: