Sự kiện hot
12 năm trước

Bún Tứ Kỳ: Bột ngâm giữa đường làng, lẫn cả ruồi và chuột

"Có lần ngâm bột đến khi thay nước mới phát hiện chuột và gián chết trương trong đó, mình nhìn cũng kinh nhưng khuất mắt trông coi thôi"...

"Có lần ngâm bột đến khi thay nước mới phát hiện chuột và gián chết trương trong đó, mình nhìn cũng kinh nhưng khuất mắt trông coi thôi"...

Xưởng làm bún ngổn ngang cạnh hố gas, thùng rác

Thôn Tứ Kỳ xã Thanh Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội) có cả chục hộ làm nghề bún. Không nổi tiếng như bún Phú Đô, nhưng bún Tứ Kỳ cũng được nhiều người biết đến. Bên cạnh những hộ có điều kiện, đầu tư hẳn máy móc vài chục triệu đồng vẫn còn nhiều cơ sở làm bún theo kiểu thủ công truyền thống.

Đa số các hộ làm bún ở đây đều nhận cơ sở làm bún của gia đình là tự phát nên việc quản lý hay những chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm với họ rất... xa vời


Mặc dù đã được công nghệ hóa trong việc sản xuất bún
nhưng vấn đề vệ sinh tại các cơ sở sản xuất chưa được chủ cơ sở cải thiện

Vốn là người nông dân, người làm bún Tứ Kỳ thành thật đến lạ kỳ. Họ không ngần ngại giới thiệu chúng tôi công nghệ làm bún vất vả cũng như những kinh nghiệm làm cho bún ngon, bún dai.

Hết cái thời ngâm bột cả tuần chờ làm bún, người dân làng Tứ Kỳ đã biết đầu tư máy móc cả trăm triệu đồng để sản xuất bún. Bột làm bún chỉ cần ngâm hai ngày là có thể đưa vào máy chế biến ra bún thành phẩm.

Cơ sở sản xuất bún nhà chị Y. nằm ngày giữa thôn Tứ Kỳ, khi nghe có khách hỏi mua bún bỏ mối, chị Y. hồ hởi chào mời, giới thiệu rất nhiệt tình. Tuy nhiên, khi bước vào cơ sở sản xuất bún nhà chị, chúng tôi không khỏi rùng mình khi đập vào mắt là những chiếc thùng ngâm bột để ngay ngoài sân không có bất cứ vật dụng nào che đậy. Phía sau nhà, những chiếc thùng chứa bột trắng đã ngả màu.

Chưa vào đến xưởng chính nhưng không gian đã tràn ngập mùi chua nồng nặc, mùi thối từ bã bột, nước thải chảy lênh láng, ruồi nhặng bay khắp nơi. Chị Y. giới thiệu chiếc máy làm bún có giá 50 triệu và chiếc máy xay bột để xay gạo ngâm hàng ngày.


Các thùng đựng bột không hề được đậy nắp. Bể nước dùng
để làm bún đục lờ được bơm thẳng từ giếng khoan lên mà không hề có bể lọc.

Trên chiếc máy xay bột bằng đá, bột dính từ hôm trước cặn khô, có nơi bột đã chuyển sang màu mốc đen nhưng người làm bún dường như không có ý định cọ rửa cối sau mỗi ngày làm. Không chỉ có chiếc cối, phía bên ngoài cơ sở là những thùng ngâm bột không che đậy để sát hố ga và thùng rác. Bể nước dùng để làm bún đục lờ lờ.

Rời cơ sở nhà chị Y., chúng tôi đến cơ sở nhà ông K. Trong căn nhà khang trang mới, xây ông K. giới thiệu về chiếc máy làm bún và những thùng bột ngâm ngoài trời, ruồi đậu ngay trên mặt bột.

Ông K. thừa nhận, ruồi rất nghiện mùi chua của bột. Phần lớn bột được ngâm trong những chiếc thùng 80 lít, không che đậy. Khi chúng tôi tò mò: "Nếu không đậy, ban đêm không đậy liệu chuột có chui vào kiếm thức ăn không"?, ông K. chỉ đánh trống lảng: "Bún còn phải làm chín mà. Bột cứ cho vào cối, qua mấy lần chín sẽ ra đến bệ nhận bún".

Bột ngâm ngoài đường, địa điểm lý tưởng của ruồi và chuột

Trên đường trong thôn Tứ Kỳ chúng tôi thường xuyên gặp những chiếc thùng đừng bún ngâm bột. Tại một cơ sở ngay đầu thôn, gia chủ khóa cửa nhưng khu vực sản xuất bún không hề khóa. Những chiếc thùng đựng bột không che đậy đặt ngay sát mé đường.


Việc ngâm bột ngoài đường mà không che đậy, không những
bụi bặm của người đi đường mà cũng là nơi lý tưởng để cho chuột, gián,.. xâm nhập.

Một người bán nước gần cơ sở này cho biết: "Đất đai chật quá nên mới để cả thùng ngâm bột ra đường như thế, chuyện thường ngày ở phố huyện ấy mà. Ngày trước, người ta còn không đậy bạt lên. Có lần ngâm bột đến khi thay nước mới phát hiện chuột và gián chết trương trong đó. Mình nhìn cũng kinh nhưng khuất mắt trông coi thôi".

Theo một số người làng Tứ Kỳ, làm bún theo công nghệ máy móc thời hiện đại đã vệ sinh hơn nhiều. Nếu khoảng vài ba năm về trước, ai mà đến xem làm bún bằng thủ công thì chắc nhiều người dám ăn bún.

Cũng theo phản ánh của người dân làng bún, họ vẫn ngâm bột ngoài dường như thế từ bao năm nay nhưng không thấy ai nói gì và cũng chưa bao giờ thấy cơ quan chức năng nhắc nhở. Mặc dù thừa nhận việc để các thùng bột ngoài đường trông mất cảm quan và... không vệ sinh nhưng do diện tích các xưởng làm bún khá chật. Nếu không để ngoài đường thì.. không biết phải để đâu.

Thông thường mỗi cân bún có giá từ 7.000 - 8.000 đồng tùy theo yêu cầu của khách. Nếu mua tại cơ sở thì 7.000 đồng còn người sản xuất mang đến tận nơi là 8.000 đồng, tùy theo địa chỉ mang đến.


P.Thúy - T.Nguyên
Theo Giaoducvn

Từ khóa: