Sự kiện hot
9 năm trước

Các ngân hàng đầu tư châu Âu mất dần thị phần trước các đối thủ Mỹ

Trong nỗ lực cắt giảm chi phí và tăng lợi nhuận, các ngân hàng đầu tư hàng đầu châu Âu có nguy cơ để mất thêm thị phần vào tay các đối thủ lớn hơn của Mỹ trong năm 2015, ghi dấu năm thứ mười liên tiếp.


Ảnh minh họa. (Nguồn: CNN)

Theo số liệu của công ty dịch vụ thông tin tài chính Thomson Reuters, mười hai ngân hàng hàng đầu châu Âu chỉ chiếm 20,7% trong tổng phí của hệ thống ngân hàng đầu tư toàn cầu trong năm nay, giảm gần 1/3 so với mức đỉnh 29% trong năm 2003. Thị phần của các ngân hàng này đã bắt đầu giảm dần theo năm kể từ năm 2005.

Trong khi đó, tám ngân hàng lớn nhất của Mỹ, trong đó có JPMorgan, Bank of America Merrill Lynch (BoA-ML), Goldman Sachs, Morgan Stanley và Citigroup, đã chiếm đến 35,7% thị phần trong năm nay, mức cao nhất kể từ năm 2007, mặc dù vẫn còn thấp hơn mức đỉnh 44,3% ghi nhận trong năm 2001.

Các số liệu của Thomson Reuters bao gồm các khoản bảo lãnh phát hành trái phiếu, bảo lãnh phát hành cổ phần, cho vay và thu nhập từ các thương vụ sáp nhập và mua lại (M&A), nhưng không tính đến thu nhập từ hoạt động kinh doanh.

Đối với một số ngân hàng châu Âu, như UBS (Thụy Sĩ), việc thu hẹp hoạt động đầu tư có thể là một tín hiệu tốt, bởi các ngân hàng giảm bớt những bộ phận kinh doanh có lợi nhuận thấp để tập trung vào các lĩnh vực mà họ có lợi thế hơn như quản lý tài sản. Tuy nhiên, những ngân hàng khác như Deutsche Bank (Đức) phải đối mặt với tình hình khó khăn hơn, khi phải nghiên cứu tìm ra thế mạnh của riêng họ.

Việc các ngân hàng châu Âu thu hẹp đầu tư và cắt giảm chi phí để tập trung hơn vào lợi nhuận được các nhà đầu tư và nhà phân tích chào đón, nhưng điều này lại khiến một số người quan ngại rằng liệu có các hoạt động kinh doanh khác có bị tổn thương vì quy mô nhỏ hơn hay không. Sau nhiều năm mở rộng quy mô và tập trung vào doanh thu trên toàn thế giới, các ngân hàng đầu tư châu Âu đang phải cắt giảm số lượng các văn phòng và các sản phẩm kinh doanh do các quy tắc và quy định về vốn sở hữu bị siết chặt.

HSBC, ngân hàng lớn nhất ở châu Âu của Anh, trong tuần trước vừa công bố quyết định cắt giảm quy mô với số lượng chi nhánh giảm còn 1/3 nhằm mục tiêu tăng lợi nhuận. Đáng chú ý, HSBC cho biết 70% doanh thu của họ đến từ các thị trường mà HSBC " có chân" trong tốp năm ngân hàng hàng đầu thế giới.

Các nhà lãnh đạo mới của Deutsche Bank và Credit Suisse (Thụy Sỹ) cũng dự kiến ​​sẽ mạnh tay cắt giảm chi phí, trong khi các ngân hàng Barclays (Anh), UBS và Royal Bank of Scotland đã bắt đầu thực hiện các chiến dịch này.

theo Vietnam+

Từ khóa: