Sự kiện hot
10 năm trước

Các nhà đầu tư nói gì về Môi trường đầu tư của Việt Nam?

Dantin - Sáng ngày 3/12/2013, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2013 (VBF 2013) đã chính thức khai mạc với chủ đề “Giai đoạn mới của tiến trình cải cách kinh tế từ chương trình tới hành động”.Tại diễn đàn lần này, Phòng thương mại các nước và khu vực như Việt Nam, châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Singapore… đã lần lượt bày tỏ ý kiến đánh giá về môi trường đầu tư của Việt Nam trong thời gian qua.


Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại diễn đàn

Nợ xấu và tham nhũng

Theo các thành viên Amcham (Phòng thương mại Mỹ tại VN), những thách thức đối với nền kinh tế hiện nay không chỉ tồn tại ở Việt Nam.

“Việt Nam không phải là quốc gia đầu tiên gặp phải những vấn đề về ngân hàng và nợ xấu. Việt Nam không phải là quốc gia đầu tiên bị vấn nạn tham nhũng và những thiếu sót trong quản lý gây xói mòn nền tảng kinh tế, cũng không phải quốc gia đầu tiên phải đối mặt với những quyết định khó khăn trong việc giải thể các doanh nghiệp nhà nước hoạt động kém hiệu quả…” , đại diện Amcham nói. Ông Steven Winkelman, Chủ tịch Amcham nêu bật tác dụng của những chính sách đổi mới và khẳng định nếu VN thực sự thay đổi để tận dụng tốt lợi thế của mình, Amcham tin VN có thể thay thế Trung Quốc (đang được coi như công xưởng của thế giới) với tư cách là nhà sản xuất của thế giới.

Do đó, đây chính là thời điểm cần tiến hành những cải cách cần thiết để tạo ra một môi trường cạnh tranh hơn, từ đó các quyết định được đưa ra nhanh hơn, các thủ tục trở nên đơn giản hơn, các quy định được thực thi một cách công bằng và các công ty cạnh tranh dựa trên giá trị thực chất của họ - bao gồm khả năng tiếp cận nguồn vốn, đất đai và nắm bắt cơ hội.

Các thành viên của Amcham bày tỏ quan điểm muốn nhìn thấy rõ hơn sự quyết tâm của Chính phủ trong việc cải cách hệ thống quản lý nhà nước, điều mà rất nhiều nhà phân tích coi là nguyên nhân căn bản của những thách thức đặt ra đối với nền kinh tế Việt Nam hiện nay.

Tham nhũng và xung đột lợi ích đã trở thành các vấn đề cố hữu trong cơ cấu của khu vực doanh nghiệp nhà nước. Nếu các vấn đề quản lý cơ bản không được giải quyết, quá trình phát triển chắc chắn vẫn sẽ gặp nhiều thách thức.

Các nhà đầu tư đang băn khoăn lo lắng liệu tập đoàn nhà nước nào tiếp theo sẽ thất bại từ việc mở rộng quá hoạt động, tập đoàn nào sẽ buộc phải kê các tài sản xấu vào bảng cân đối kế toán. Sự phân bổ không hợp lý các nguồn lực hiện vẫn còn tiếp tục trong khi đây là thời điểm Việt Nam cần phải có những quyết định sáng suốt hơn về chi tiêu nguồn vốn và chiến lược kinh doanh.

Vẫn có sự phân biệt giữa các DN trong nước và DN nước ngoài

Phòng thương mại châu Âu (EuroCham) thì cho rằng: Vẫn có tình trạng phân biệt rõ rệt giữa các DN trong nước và nước ngoài trong nhiều lĩnh vực.

Các doanh nghiệp trong ngành cung cấp vật liệu xây dựng cho biết rằng các DN tư nhân trong nước và DN nhà nước được hưởng nhiều ưu đãi hơn, chẳng hạn như trong việc tiếp cận nguồn vốn cho các dự án đầu tư quy mô lớn.

Điều này làm gia tăng khoảng cách giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài trong một thị trường vốn đã phân hóa cao. Các doanh nghiệp hưởng lợi còn được phép tiếp tục hạ giá bán xuống thấp hơn chi phí sản xuất chỉ để tạo ra dòng tiền nhưng thực chất lại gây lỗ và dư thừa nguồn cung.

Phải tái cơ cấu triệt để các DN nhà nước

Cộng đồng các DN Nhật Bản tại Việt Nam bày tỏ quan điểm liên quan đến tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt yêu cầu cần phải tái cơ cấu triệt để các doanh nghiệp nhà nước. Trong khi các DNNN có thể xin cấp vốn từ các tổ chức tài chính, thì có rất nhiều trường hợp các DN tư nhân xin vay vốn vô cùng khó khăn.

Nếu cứ tiếp diễn như vậy thì dòng vốn sẽ chỉ chảy đến các DNNN có hiệu suất kinh doanh thấp, và năng lực cạnh tranh của Việt Nam cũng sẽ không còn.

Ngoài ra, chúng tôi cũng hoài nghi về việc liệu Chính phủ có cần giữ cổ phần tại những DNNN có lợi nhuận hay không?

Liên quan đến việc cấp vốn cho các doanh nghiệp nhà nước, các ngân hàng nhà nước cho vay vốn cũng có vấn đề ở trách nhiệm còn chưa rõ ràng. Chính bởi vậy, việc bán DNNN cơ cấu ngân hàng là vấn đề cấp thiết. Cần có tầm nhìn nếu như tiến hành cải cách DNNN cơ cấu ngân hàng.

Nếu tiến hành thanh lý hay bán lại DNNN thì phải suy tính xem sẽ gây ra những ảnh hưởng gì, đặc biệt ngành sản xuất sẽ trở nên như thế nào…

Cộng đồng các DN Singapo thì bổ sung, các DNNN phi thương mại phải thuộc sở hữu, quản lý của hai cấp cơ quan quản lý nhà nước, căn cứ trên những nhiệm vụ xã hội của những doanh nghiệp này. Trung ương sẽ quản lý những công trình hạ tầng cơ bản như sân bay, bến cảng, đường quốc lộ lớn v.v. còn địa phương quản lý công trình nước, điện và các dịch vụ công ích khác.

Để hoạt động, cạnh tranh hiệu quả, DNNN thương mại cần tuân thủ các quy luật thị trường, cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp tư nhân khác. Để giải quyết những vấn đề này, Chính phủ đã thành lập Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (“SCIC”) dưới dạng công ty đầu tư thuộc sở hữu nhà nước, thay mặt Chính phủ quản lý phần vốn góp của nhà nước trong doanh nghiệp. Tuy nhiên, có vẻ như SCIC còn cần thêm thời gian, nguồn lực để đủ khả năng đảm nhiệm tốt nhiệm vụ này.

Ông Sato Motonobu, Chủ tịch hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại VN thẳng thắn cho biết các doanh nghiệp chế biến, xuất nhập khẩu của Nhật tại VN đánh giá môi trường đầu tư tại VN tương đối tốt, nhưng với các doanh nghiệp phục vụ nhu cầu nội địa như bán lẻ, dịch vụ thì đánh giá chưa tốt do gặp nhiều vướng mắc. Khẳng định doanh nghiệp Nhật chưa hài lòng với tính bất ổn trong cung cấp điện, hệ thống pháp luật cứng nhắc (gồm hệ thống thuế), lương tăng nhưng năng suất không tăng…Khẳng định trong tháng 10-2013 VBF đã tổ chức khảo sát cộng đồng doanh nghiệp tại VN để biết tình hình tham nhũng ảnh hưởng thế nào đến họ mỗi ngày, báo cáo trước các quan chức Chính phủ VN, với sự hiện diện của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải. Tham luận của VBF nêu rõ có ba lĩnh vực Chính phủ cần ưu tiên chống tham nhũng, trong đó Hải quan là 55,2%, thuế 46,2% và quản lý đất đai 39,8%.

Khánh Linh

Từ khóa: