Sự kiện hot
7 năm trước

Cấm kinh doanh, tại Hà Nội vẫn bán đầy “bóng cười”

"Bóng cười" (bóng bay bơm khí N2O) mới đây đã bị UBND TP Hà Nội cấm kinh doanh và sẽ xử lý nghiêm nếu vi phạm. Tuy nhiên, trên thực tế loại bóng bay này vẫn được bán công khai như chưa hề có lệnh cấm.


Mặc dù đã có lệnh cấm nhưng nhiều quán bar, cafe vẫn công khai bán bóng cười. Ảnh chụp tại quán cafe có địa chỉ tại số 40 Nguyễn Văn Huyên (quận Cầu Giấy – Hà Nội). Ảnh: Đ.V

Bán công khai, phục vụ tận bàn

20h ngày 11/4, chúng tôi có mặt tại quán cafe số 40 Nguyễn Văn Huyên (quận Cầu Giấy – Hà Nội). Đây là quán đang hút được đông những vị khách trẻ tuổi bởi quán có vị trí đẹp và có món giới trẻ yêu thích: “bóng cười” và shisa. Thời điểm chúng tôi có mặt, quán này đã chật kín người. Trong tiếng nhạc xập xình của quán, nhiều cặp đôi và nhóm bạn đang lắc lư theo điệu nhạc và miệng thì liên tục “thổi bóng”.

Chúng tôi vừa ngồi vào bàn, một nam nhân viên lập tức đến bảo gọi đồ uống và gợi ý cho chúng tôi có dùng thêm “bóng cười” hoặc shisa. Khi hỏi giá “bóng cười” bao nhiêu tiền/quả thì nhân viên này cho biết, loại nhỏ 25.000 đồng/quả còn loại to thì 100.000 đồng/quả. Khi PV đặt câu hỏi, hiện nay thành phố đã cấm buôn bán kinh doanh loại bóng này tại sao quán vẫn bán thì nhân viên này trả lời tỉnh bơ rằng hiện tại chưa thấy cơ quan chức năng nào xử phạt nên vẫn nhập về phục vụ khách. Khi chúng tôi hỏi tiếp về nguồn gốc của “bóng cười” nhập từ đâu về thì nhân viên này từ chối trả lời.

Trong khoảng gần một tiếng chúng tôi ngồi tại đây, những quả “bóng cười” nhiều màu sắc liên tục được nhân viên của quán bơm và phục vụ cho khách. Theo quan sát của chúng tôi, quán này cử hẳn một nhân viên chuyên bơm bóng và phục vụ tận bàn cho khách. Hầu hết, khách trong quán đều sử dụng từ hai thậm chí ba, bốn quả trở lên.

22h cùng ngày, chúng tôi tiếp tục có mặt tại một quán bar trên phố Tạ Hiện (Hoàn Kiếm, Hà Nội), khi bước vào bên trong quán, hàng chục người đang nhảy và hò hét theo điệu nhạc. Trong quán có rất nhiều du khách người nước ngoài cũng đang hòa mình vào cuộc vui cùng các bạn trẻ Việt Nam. Quán có hơn 10 bàn ngồi đều đã kín chỗ, một số bình shisa được đặt trên bàn phục vụ khách hàng.

Càng về khuya, lượng người vào quán càng đông. Nhìn về hướng quầy bar, một nhân viên phục vụ nam trên tay đang cầm 5 quả bong bóng màu trắng. Từ bàn một nhóm gồm 5 bạn trẻ liên tục gọi “bóng cười”, nhân viên nam nhanh chóng đưa những quả bóng đó cho khách.

Ngồi trong quán khoảng 30 phút nhưng theo quan sát, nhân viên quán đã thổi gần 50 quả bóng để đưa cho khách. Hầu hết, mọi người trong quán bar trên tay đều cầm ít nhất 1 quả bóng, có người còn gọi nhiều lần. Ngồi bên cạnh chúng tôi là 4 bạn trẻ vừa lắc lư, nhảy theo điệu nhạc vừa truyền tay nhau ống hút shisha, hết người này đến người kia phì khói. Sau khi sử dụng hết bình shisha, 4 bạn trẻ này tiếp tục gọi bóng ra để sử dụng.

Hại thần kinh, dễ gây nghiện, co giật


Đây là số lượng bóng được một nhóm bạn trẻ sử dụng hết trong buổi tụ tập của mình. Ảnh: Đình Việt

Theo quan sát của chúng tôi, tại quận Hoàn Kiếm, từ những vỉa hè đông nghịt như Nguyễn Hữu Huân, Lý Thái Tổ… cho tới khu phố cổ Hàng Buồm, Lương Ngọc Quyến, Tạ Hiện, Đào Duy Từ… thật quá dễ dàng để gặp cảnh những người trẻ tụ tập thành từng nhóm bên những quả bóng nhiều màu sắc.

Anh N.T - chủ quán cafe “bóng cười” trên phố Tạ Hiện cho biết quán anh thường phát miễn phí 1 quả bóng đầu tiên cho khách và giảm giá cho ai đặt bàn trước hoặc đi theo nhóm đông người. "Đây là cách kích cầu, bởi khi đã hút “bóng cười” thường không thể dừng lại. Chỉ cần tặng những quả đầu tiên, khách sẽ chủ động mua thêm", anh T nói. Chủ quán này chia sẻ thêm mỗi tối, anh bán được 300- 350 quả bóng, những ngày cao điểm thậm chí còn lên tới 500- 600 quả. Ngoài ra, chủ quán này cũng nói chưa thấy ai bị phạt nên vẫn tiếp tục bán vì doanh lợi nhuận khá tốt.

Liên quan đến tác hại của “bóng cười”, PGS.TS Trần Hồng Côn - giảng viên khoa Hóa, Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, khí cười hay còn gọi là N2O vốn là một loại khí được sử dụng trong chiến tranh thế giới thứ nhất. Đó là một hợp chất vô cơ không màu, vị ngọt nhẹ. Sở dĩ gọi N2O là “khí cười” bởi có giả thuyết cho rằng, nó tác động lên một điểm của hệ thống thần kinh gây cười. Hiện nay, khí cười thường được sử dụng trong nha khoa như một chất gây tê, giảm đau. Sử dụng khí cười với tần suất lớn sẽ ảnh hưởng rất lớn tới cơ thể, nhất là hệ thần kinh. Nếu hít nhiều sẽ gây ra nôn ói, rối loạn chuyển hóa cơ thể, thậm chí tạo cảm giác hưng phấn ảo, rất giống với cảm giác phê ma túy, sử dụng nhiều có thể sẽ gây nghiện.

Ngay cả khi sử dụng ở nồng độ thấp, khí gây cười cũng sẽ ảnh hưởng đến nhận thức, làm giảm tầm nhìn và thính giác. Việc hít khí cười trong thời gian ngắn với liều lượng lớn có thể khiến người sử dụng bị co giật, run rẩy… Nếu những người mắc bệnh về tim mạch hay hen suyễn và một số bệnh liên quan tới đường hô hấp mà hít phải N2O lâu sẽ rất nguy hiểm vì nó có thể dẫn tới ngừng thở. Dù chưa có trường hợp nào tử vong liên quan đến việc sử dụng khí cười một cách quá độ, nhưng việc bảo vệ tính mạng và sức khỏe là điều vô cùng cần thiết, vì vậy không nên lạm dụng khí cười để thỏa mãn bản thân.

Theo UBND TP Hà Nội, hiện một bộ phận thanh niên, học sinh dùng sản phẩm này làm thú vui trong khi ngành y tế không cấp phép sản xuất, nhập khẩu, lưu hành. Hà Nội đã yêu cầu Sở Giáo dục Đào tạo TP chỉ đạo các trường nghiêm cấm học sinh sử dụng “bóng cười”, tuyên truyền cho phụ huynh, học sinh tác hại của nó. Sở Y tế cần kiến nghị Bộ Y tế có văn bản quy định, hướng dẫn kinh doanh, dùng khí N2O và hóa chất tương tự để phòng, hạn chế sử dụng sản phẩm gây ảo giác, ảnh hưởng sức khoẻ người dân. Sở Công thương kiểm tra, kiểm soát thị trường sản xuất, kinh doanh khí N2O bơm vào bóng bay trên địa bàn, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm. Khí N2O tác dụng gây cười, có hại lớn đến sức khoẻ là loại khí thuộc danh mục hoá chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong ngành công nghiệp, được dùng chỉ định trong một số lĩnh vực y tế. Việc sản xuất, kinh doanh, dùng khí N2O phải chấp hành quy định của Luật Hóa chất.

Đình Việt

theo GĐ&XH

Từ khóa: