Sự kiện hot
12 năm trước

Cần 13,5 tỉ USD cho hạ tầng

Số vốn này để thực hiện 19 dự án tại TPHCM, chủ yếu là các dự án hạ tầng giao thông quan trọng

Số vốn này để thực hiện 19 dự án tại TPHCM, chủ yếu là các dự án hạ tầng giao thông quan trọng.

“Nghị quyết 13 của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế thôi chưa đủ mà phải xem xét gỡ khó cho TPHCM bằng cách thay đổi những cơ chế, chính sách cụ thể để thu hút đầu tư vào TP. Tháo gỡ cho TPHCM cũng chính là tháo gỡ cho cả đất nước” - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) Bùi Quang Vinh phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo UBND TPHCM chiều 17-7.

19 dự án cần vốn ODA

Tại buổi làm việc, Giám đốc Sở KH-ĐT TPHCM Thái Văn Rê kiến nghị Bộ KH-ĐT ưu tiên xem xét sớm trình Thủ tướng Chính phủ đưa vào danh mục tài trợ vốn ODA và hỗ trợ tìm nguồn vốn đối với 19 dự án tại TPHCM, tổng vốn đầu tư gần 13,5 tỉ USD (trong đó vốn kêu gọi ODA là 11 tỉ USD), chủ yếu là các dự án hạ tầng giao thông cấp bách.

Về các dự án đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), BTO (xây dựng - chuyển giao - kinh doanh), BT (xây dựng - chuyển giao), ông Thái Văn Rê đề nghị Bộ KH-ĐT kiến nghị Chính phủ chấp thuận cho TP tự quyết định hình thức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án cấp bách thuộc lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội trên cơ sở bảo đảm hiệu quả đầu tư (đặc biệt là ở các dự án BT được hoàn vốn cho nhà đầu tư bằng việc giao đất còn nguyên trạng, chưa bồi thường giải phóng mặt bằng để nhà đầu tư thực hiện dự án khác).


Phối cảnh cầu Sài Gòn 2 (bên phải), dự án đang được Công ty CP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TPHCM xây dựng theo hình thức BT. Ảnh: ÁNH NGUYỆT

Với cơ chế thực hiện dự án BT, TP kiến nghị trong trường hợp thu xếp được quỹ đất “sạch”, không nhất thiết phải tiến hành đấu giá quyền sử dụng đất mà giao cho nhà đầu tư dựa trên nguyên tắc “ngang giá” giữa giá trị quyền sử dụng đất của khu đất được giao và tổng vốn đầu tư xây dựng công trình tại thời điểm đàm phán, ký kết hợp đồng. Ngoài ra, đối với các dự án nằm trên địa bàn TP, phù hợp với quy hoạch, không yêu cầu có sự hỗ trợ về cơ chế chính sách từ Trung ương thì cho phép không cần thông qua Bộ KH-ĐT và bộ quản lý ngành trước khi phê duyệt danh mục dự án.

Đối với các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương đầu tư cho các công trình cấp bách (như dự án bảo đảm giao thông, chống ùn tắc giao thông, chống ngập nước…) dự kiến hoàn thành trong năm 2012 và 2013, TPHCM kiến nghị cho phép khởi công mà không bị ràng buộc theo quy định  của Chính phủ (phải có quyết định đầu tư trước ngày 31-12-2011 và có quyết định phê duyệt tổng dự toán  trước ngày 31-3-2012). “Đây là những công trình hết sức bức xúc, kể cả không có tiền, TP cũng phải vay để làm” - ông Rê giải thích.

Nên chia “phần ngon” cho doanh nghiệp tư nhân

Đó là quan điểm của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khi chia sẻ với Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân và các bộ về sự cần thiết của việc kêu gọi doanh nghiệp chung tay cùng Nhà nước đầu tư dự án theo hình thức PPP (đối tác công - tư). Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định: “Chỉ có một  con đường đưa TP phát triển, đột phá là huy động vốn ngoài Nhà nước. Cái gì tư nhân làm được thì để tư nhân làm chứ không nên “món ngon” thì tổng công ty, Nhà nước giành làm hết. Chúng ta sẽ mở toang cánh cửa để huy động mọi nguồn lực, nhất là trong tình hình khát vốn, khó khăn như hiện nay”.

Ông Vinh cho biết những kiến nghị cụ thể của UBND TP mà trong thẩm quyền thì đề nghị các cục, vụ giải quyết, sau đó báo cáo lãnh đạo bộ để xem xét trình Chính phủ trước khi thông qua.

Riêng đề xuất của TP về việc thành lập tổ công tác liên bộ để giải quyết, tháo gỡ những kiến nghị của TP, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhất trí. Trong đó, ông tán thành việc sửa đổi, tiếp tục hoàn thiện cơ chế để hoàn thiện mô hình PPP và TPHCM  nên chọn một vài dự án điểm để làm theo mô hình này. “Riêng về cơ chế, chính sách chung, Bộ KH-ĐT sẽ phối hợp với  TPHCM để chọn một vài “điểm nghẽn” cụ thể, từ đó nghiên cứu tháo gỡ” - ông Vinh nói.

Bớt rủi ro với hình thức đầu tư PPP

“Thực hiện các dự án đối tác công - tư (PPP): Kinh nghiệm và đề xuất” là chủ đề buổi tọa đàm do Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM cùng Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Sài Gòn Truyền thông tổ chức sáng 17-7.

Lâu nay, loại hình đầu tư vẫn thường thấy ở các dự án hạ tầng giao thông tại TPHCM là BOT, BTO, BT... nên PPP được xem là hình thức đầu tư khá mới. Theo ông Dương Quang Châu, Phó Giám đốc đầu tư - kinh doanh Công ty CP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP (CII), hiện nay những dự án có vốn đầu tư trên 10.000 tỉ đồng bằng hình thức BOT không còn khả thi bởi tiền thu phí không đủ trả tiền lãi. Ngoài ra, bất động sản đang đóng băng nên việc đầu tư bằng hình thức BT (đổi đất lấy hạ tầng - PV) cũng “hết thời”. Tương tự, ông Nguyễn Hồng Ninh, Giám đốc Công ty CP Đầu tư Phát triển Hạ tầng IDICO - đơn vị đang đầu tư dự án đường song hành Hà Huy Giáp theo hình thức BT, cũng than khổ vì những khó khăn chồng chất khi tiến hành đàm phán hợp đồng. Theo quy định, Nhà nước sẽ đổi cho IDICO một khu đất để bù lại việc đơn vị này làm đường song hành Hà Huy Giáp. Tuy nhiên, IDICO phải tự đi tìm đất, tự quy hoạch chi tiết khu đất, chẳng khác nào “dự án đổi dự án” chứ không còn đơn thuần “đổi đất lấy hạ tầng”. “Như vậy, nhà đầu tư phải chịu rủi ro quá lớn, nếu không có cơ chế chia sẻ khó khăn giữa Nhà nước và doanh nghiệp thì khó lòng hấp dẫn được nhà đầu tư tham gia đầu tư hạ tầng giao thông” - ông Ninh khẳng định.

PPP là hình thức đầu tư mà trong đó Nhà nước và nhà đầu tư cùng phối hợp thực hiện dự án. Tuy nhiên, theo TS Vũ Thành Tự Anh, chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, hiện cơ sở pháp lý của PPP không hoàn chỉnh. Khi chọn PPP, nhà đầu tư không được bảo lãnh vốn vay, chưa kể việc tổ chức và quá trình ra quyết định đầu tư cũng quá cồng kềnh và phức tạp. Vì vậy, để tránh bị “hắt hủi”, ông Nguyễn Đăng Trương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Đấu thầu, Bộ KH-ĐT, cho rằng cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần nhanh chóng có thông tư hướng dẫn riêng cho hình thức PPP, trong đó ghi rõ nhà đầu tư có quyền lợi gì, trách nhiệm của Nhà nước ra sao, giữa hai bên chia sẻ những rủi ro mà nhà đầu tư không có khả năng tiên liệu và quản lý, hỗ trợ tài chính thế nào… để thu hút nhà đầu tư tham gia đầu tư hạ tầng cho địa phương.

Ánh Nguyệt

theo NLĐ

Từ khóa: