Sự kiện hot
7 năm trước

Cần hơn 104.000 tỷ đồng để thông toàn tuyến đường Hồ Chí Minh giai đoạn 2

Dự án đường Hồ Chí Minh dài 3.183 km, quy mô 2 làn xe, nhu cầu vốn để nối thông toàn tuyến đường (giai đoạn 2) là 104.106 tỷ đồng.

Dự án đường Hồ Chí Minh dài 3.183 km, quy mô 2 làn xe, nhu cầu vốn để nối thông toàn tuyến đường (giai đoạn 2) là 104.106 tỷ đồng. (Ảnh: Báo Đầu tư).

Chính phủ mới đây đã có báo cáo tình hình thực hiện dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh gửi Quốc hội.

Theo đó, dự án có điểm đầu tại Pác Bó (Cao Bằng), điểm cuối tại Đất Mũi (Cà Mau), dài 3.183 km, tuyến chính dài 2.499 km, nhánh phía Tây dài 684 km. Phân kỳ đến năm 2020 hoàn thành các dự án thành phần để nối thông toàn tuyến với quy mô 2 làn xe; sau năm 2020 nâng cấp các đoạn tuyến theo tiêu chuẩn đường tốc phù hợp với Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020.

Dự án khởi công xây dựng giai đoạn 1 từ năm 2000 – 2007, đã hoàn thành đoạn từ Hòa Lạc (Hà Nội) đến Tân Cảnh (Kon Tum) dài khoảng 1.350 km; từ cuối năm 2007 bắt đầu triển khai xây dựng các dự án thành phần thuộc giai đoạn 2 để nối thông toàn tuyến. Đến nay, dự án đã hoàn thành khoảng 790,3 km tuyến chính, đạt 56,7%.

Đến nay, một số đoạn tuyến chính là các dự án thành phần đã hoàn thành là đoạn từ Hà Lạc (Hà Nội) đến Tân Cảnh (Kon Tum) bao gồm cả 684 km nhánh Tây; khu vực phía Bắc đoạn từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Hòa Lạc (Hà Nội) hoàn thành 55 km; khu vực Tây Nguyên đoạn từ Tân Cảnh (Kon Tum) đến Chơn Thành (Bình Phước) hoàn thành 552,7 km; khu vực phía Nam đoạn từ Chơn Thành (Bình Phước) đến Đất Mũi (Cà Mau) hoàn thành 164,8 km.

Các dự án thành phần trên tuyến chính đang triển khai thi công gồm 9 dự án dài khoảng 211,9 km, với tổng mức đầu tư 40.289 tỷ đồng. Trong đó, 4 dự án triển khai bằng nguồn Trái phiếu Chính phủ; một dự án triển khai theo hình thức BT và 4 dự án sử dụng vốn vay ODA.

Các tuyến nhánh hiện đã hoàn thành 258 km, gồm 223 km được đầu tư trong giai đoạn 1 và 35 km thực hiện ở giai đoạn 2. Các dự án thành phần trên tuyến nhánh đang triển khai thi công và hoàn thiện thủ tục đầu tư xây dựng, sử dụng nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014 – 2016 của các dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên.

Còn 5 dự án thành phần và một số đoạn tuyến còn lại chưa triển khai thi công. Tổng mức đầu tư của 5 dự án này là 35.678 tỷ đồng, tổng chiều dài 391,7 km, dự kiến đến năm 2020 nối thông tuyến.

Công tác giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư được tách thành tiểu dự án riêng và giao cho các địa phương có dự án đi qua làm chủ đầu tư triển khai thực hiện theo các quyết định của Bộ Giao thông vận tải. Đến nay, công tác giải phóng mặt bằng của các dự án thành phần giai đoạn 2 đã hoàn thành, các địa phương đã thực hiện xong, đang trong quá trình quyết toán chi phí thực hiện.

Về nguồn vốn đầu tư, dự án đường Hồ Chí Minh sử dụng vốn ngân sách nhà nước, Trái phiếu Chính phủ, vốn vay ODA và vốn đầu tư theo hình thức BOT, BT… Nhu cầu vốn để nối thông toàn tuyến đường Hồ Chí Minh (giai đoạn 2) là 104.106 tỷ đồng. Trong đó, nhu cầu vốn đầu tư đã xác định được nguồn là 68.428 tỷ đồng; nhu cầu vốn cần tiếp tục huy động trong giai đoạn 2016 – 2020 là 35.678 tỷ đồng.

Linh Lê
Theo KTTD, Vietnambiz

Từ khóa: