Sự kiện hot
10 năm trước

Cần thêm nhiều cơ chế, chính sách đặc thù phát triển vùng Tây Nguyên

Ngày 30/7,Đại tướng Trần Đại Quang phát biểu tại Hội nghị thực hiện chính sách đặc thù và củng cố chính quyền cơ sở vùng Tây Nguyên do Ban Chỉ đạo Tây Nguyên tổ chức tại thành phố Đà Lạt.


Càphê vẫn là cây trồng mũi nhọn của khu vực Tây Nguyên. (Ảnh: Quang Quyết/TTXVN)

Ngày 30/7, phát biểu tại Hội nghị thực hiện chính sách đặc thù và củng cố chính quyền cơ sở vùng Tây Nguyên do Ban Chỉ đạo Tây Nguyên tổ chức tại thành phố Đà Lạt, Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đề nghị Thường trực Ban Chỉ đạo phối hợp với các bộ, ban, ngành liên quan sớm rà soát, tổng kết, đánh giá các chính sách đã ban hành trên địa bàn Tây Nguyên; đồng thời nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù mới nhằm tiếp tục phát triển kinh tế-xã hội vùng Tây Nguyên, bao gồm năm tỉnh Tây Nguyên và 29 huyện miền núi của bảy tỉnh giáp Tây Nguyên.

Theo Đại tướng Trần Đại Quang, các cơ chế, chính sách mới cần tập trung vào việc hỗ trợ các địa phương phát huy lợi thế về đất đai, đưa nông nghiệp phát triển theo chiều sâu và đa dạng hóa, trong đó ưu tiên phát triển cây công nghiệp dài ngày; nghiên cứu xây dựng chính sách đồng bộ về sản xuất, tiêu thụ càphê; mở rộng các tập đoàn cây trồng, vật nuôi nhiệt đới và một số cây, con có nguồn gốc ôn đới; phát triển mạnh chăn nuôi đại gia súc.

Đại tướng Trần Đại Quang cũng cho rằng chính sách mới cần gắn nông nghiệp với công nghiệp chế biến và xuất khẩu; đồng thời khuyến khích và hỗ trợ các địa phương tổ chức thực hiện chủ trương liên kết vùng, liên kết sử dụng tài nguyên rừng, tài nguyên nước; khuyến khích và hỗ trợ thúc đẩy nghiên cứu ứng dụng khoa học-công nghệ, gắn khoa học-công nghệ với sản xuất, nâng hàm lượng tri thức trong sản phẩm nông, lâm, công nghiệp chủ lực của Tây Nguyên và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp.

Tại hội nghị, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Công văn số 588 ngày 20/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ về xử lý cơ chế, chính sách đối với các huyện miền núi giáp Tây Nguyên.

Theo Ban Chỉ đạo, đây là một trong những chính sách đặc thù quan trọng được Thủ tướng Chính phủ ban hành kịp thời, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước đối với các huyện miền núi có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn.

Qua 5 năm thực hiện, việc triển khai các cơ chế, chính sách này đã đạt được những kết quả tích cực. Trong ba năm từ 2009-2011, các huyện miền núi giáp Tây Nguyên đã nhận được 366 tỷ đồng từ nguồn kinh phí đặc thù hỗ trợ mục tiêu để xây dựng 83 đề án phát triển kinh tế-xã hội.

Để tiếp tục thực hiện chính sách trên, Đại tướng Trần Đại Quang đề nghị các Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu tăng suất đầu tư về giao thông và thủy lợi để phù hợp với nhu cầu, đặc điểm địa lý tự nhiên của các địa bàn miền núi, vùng cao, vùng sâu; đầu tư xây dựng các hồ chứa, đập dâng để tích nước, hoàn thiện hệ thống kênh mương phục vụ tưới tiêu.

Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ đạo xử lý quyết liệt việc thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa phục vụ tốt cho việc chống hạn và cắt lũ cho vùng hạ du; trồng rừng bù lại diện tích rừng bị mất do xây dựng thủy điện và xử lý một số vấn đề bức xúc về môi trường; tiếp tục giải quyết đền bù, hỗ trợ tái định canh, định cư nhằm ổn định sản xuất và đời sống của người dân ở các vùng dự án; sớm triển khai chương trình cấp điện cho các buôn, làng chưa có điện giai đoạn 2014-2020 ở các huyện miền núi giáp Tây Nguyên.

Trong việc thực hiện Đề án tiếp tục củng cố, kiện toàn chính quyền cơ sở vùng Tây Nguyên giai đoạn 2014-2020, Đại tướng Trần Đại Quang đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác cử tuyển, tăng cường thu hút học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số thuộc các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã trọng điểm vùng đồng bào dân tộc thiểu số vào học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường cao đẳng, đại học; có định hướng ưu tiên đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật là người dân tộc thiểu số đối với các ngành nông-lâm nghiệp, giáo dục, y tế, văn hóa.

Riêng trên lĩnh vực giáo dục và y tế, địa phương cần nghiên cứu mở rộng chính sách hợp đồng đào tạo theo địa chỉ nhằm góp phần giải quyết vấn đề nhân lực, nâng cao chất lượng giáo dục, dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân ở vùng sâu, vùng xa.

Bên cạnh đó, các cấp  cần xây dựng và thực hiện nhất quán chính sách ưu tiên đào tạo và bố trí việc làm cho con em đồng bào dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp về địa phương công tác.

Hoàng Liên Sơn
theo Vietnam+

Từ khóa: