Sự kiện hot
7 năm trước

Cần xử lý triệt để tình trạng sở hữu chéo, vốn ảo trong hoạt động của TCTD

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD sắp được ban hành được kỳ vọng sẽ tạo cơ sở pháp lý cụ thể để xử lý căn bản và triệt để nợ xấu, phục hồi, củng cố năng lực để các TCTD yếu kém và xử lý triệt để tình trạng sở hữu chéo, vốn ảo trong hoạt động của TCTD.

Hội thảo lấy ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD: sẽ xử lý triệt để tình trạng sở hữu chéo, vốn ảo trong hoạt động của TCTD (Ảnh: SBV)

Ngày 22/8, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD).

Sau 4 năm thực hiện đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015”, về cơ bản đã đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, quá trình triển khai cơ cấu lại hệ thống các TCTD cho thấy còn nhiều tồn tại, hạn chế.

Tổng kết đánh giá cho thấy việc các TCTD lâm vào tình trạng yếu kém thời gian qua do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Chủ yếu là các vấn đề về năng lực quản trị và kiểm soát rủi ro của các TCTD còn nhiều bất cập so với quy mô, tốc độ tăng trưởng. Bên cạnh đó, tình trạng sở hữu, sở hữu chéo, nhóm cổ đông, chi phối đã từng bước được kiểm soát nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, chưa được xử lý triệt để.

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến những bất cập, hạn chế còn tồn tại trong quá trình triển khai cơ cấu lại hệ thống các TCTD là cơ chế, chính sách về xử lý TCTD yếu kém còn nhiều bất cập, nhiều vấn đề mới, phức tạp phát sinh trong quá trình xử lý TCTD yếu kém mà pháp luật chưa có quy định hoặc chưa được điều chỉnh kịp thời.

Ông Đoàn Thái Sơn – Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các TCTD cần tạo được cơ sở pháp lý cụ thể để xử lý căn bản và triệt để nợ xấu và các TCTD yếu kém. Đồng thời, tạo cơ sở để có thể thực hiện tốt việc phát hiện, phục hồi, củng cố năng lực để các TCTD yếu kém có khả năng trở thành TCTD lành mạnh. Đặc biệt, bổ sung các biện pháp ngăn ngừa có hiệu quả việc phát sinh mới các TCTD yếu kém, xử lý triệt để tình trạng sở hữu chéo, vốn ảo trong hoạt động của TCTD.

Cùng với đó, Luật sửa đổi, bổ sung này sẽ không thay đổi trách nhiệm pháp lý của các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật dẫn đến tình trạng yếu kém của TCTD. Việc xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật của các tổ chức, cá nhân này được thực hiện theo quy định pháp luật.

Cần quy định rõ trách nhiệm xử lý các ngân hàng

Chia sẻ về quan điểm và kinh nghiệm về phục hồi và xử lý ngân hàng, đại diện ADB cho biết mỗi quốc gia cần chỉ định một cơ quan quản lý chịu trách nhiệm xử lý hoặc có thẩm quyền xử lý các ngân hàng trong phạm vi của cơ chế xử lý. Khi có nhiều cơ quan tham gia, cần quy định và phân công rõ về nhiệm vụ, vai trò và trách nhiệm của các cơ quan liên quan.

Đại diện ADB cũng cho biết thêm về các điều kiện tiến hành xử lý trong Chỉ thị xử lý và phục hồi ngân hàng Châu Âu. Đó là cơ quan có thẩm quyền sau khi tham vấn với cơ quan chịu trách nhiệm xử lý, xác định: Tổ chức sụp đổ hoặc có khả năng sụp đổ; Không có khả năng về việc các biện pháp thay thế từ khu vực tư nhân hoặc các hoạt động giám sát sẽ ngăn ngừa sự sụp đổ của tổ chức trong khoảng thời gian phù hợp; Các hành động xử lý cần thiết đối với lợi ích người dân.

ADB cũng đưa ra bốn phương án xử lý các TCTD yếu kém cụ thể:

Thứ nhất, bán hoạt động kinh doanh qua chuyển giao cổ phần hoặc bất cứ tài sản, quyền lợi và nợ của tổ chức tài chính cho bên thứ ba, không cần sự đồng thuận của các cổ đông và chủ nợ hiện hữu;

Thứ hai, tổ chức bắc cầu qua chuyển giao một phần hoặc toàn bộ cổ phần hoặc bất cứ tài sản, quyền và các khoản nợ của tổ chức do ít nhất một cơ quan nhà nước sở hữu cho một bên pháp nhân. Cơ quan chịu trách nhiệm xử lý chỉ định bộ phận quản lý, phê duyệt các quy định, chiến lược và danh mục rủi ro của tổ chức bắc cầu;

Thứ ba, phân chia tài sản. Chuyển bất cứ tài sản, quyền hoặc các khoản nợ của tổ chức hoặc tổ chức bắc cầu cho doanh nghiệp quản lý tài sản do cơ quan nhà nước sở hữu một phần hoặc toàn bộ;

Thứ tư, giảm hoặc chuyển đổi các khoản nợ gốc hoặc công cụ nợ và thanh toán cho các công cụ vốn thành cổ phiếu.

Diệp Bình
Theo KTTD, Vietnambiz

Từ khóa: