Sự kiện hot
10 năm trước

Cảnh báo top 10 loại thực phẩm độc hại không nên ăn

Những thực phẩm liệt kê sau đây rất thông dụng trong cuộc sống quanh ta bởi chúng rất cần thiết và bổ dưỡng cho cơ thể con người. Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý nhận thức đúng đắn khi sử dụng chúng để ngăn ngừa hậu quả khôn lường từ chính loại thực phẩm này.

Cà chua xanh

Cà chua chứa rất nhiều loại vitamin, khoáng chất và axit hữu cơ như malic axit, giúp làm mềm mạch máu, thúc đẩy hấp thụ nguyên tố vi lượng, tiêu hóa mỡ và protein. Một quả Cà chua 300g có lượng vitamin P vừa đủ để chống nám má. Lycopene trong loại quả này giúp phòng ung thư tuyến tiền liệt, phổi, dạ dày...; điều tiết mỡ máu, chống bức xạ và lão hóa.

Vì vậy, các chuyên gia dinh dưỡng khuyên ăn nhiều Cà chua, tuy nhiên cần lưu ý không ăn Cà chua xanh. Cà chua xanh có chứa chất độc Solanine. Do đó, khi ăn cà chua xanh, khoang miệng có cảm giác đắng chát; sau khi ăn có thể xuất hiện các triệu chứng ngộ độc như chóng mặt, buồn nôn, nôn mửa. Ăn cà chua xanh sống càng nguy hiểm. Nếu bụng đói, bạn cũng không được ăn Cà chua vì nó sẽ bị trướng bụng và đau bụng.

Dưa cà muối xổi

Dưa muối xổi, còn gọi là dưa góp, thường làm ăn ngay trong ngày, sử dụng một lượng đường, muối vừa phải pha với nước và có thể kết hợp với một ít dấm thanh hoặc nước cốt chanh để tạo chua. Các nguyên liệu (như cà pháo, cà tím, rau cải bắp, su hào, cà rốt, đu đủ xanh…) thường thái thật mỏng để ngấm đều gia vị trong thời gian ngắn, khoảng 1 - 2 ngày.

Dưa cà muối có tác dụng kích thích tiêu hoá giúp ăn ngon miệng, dễ tiêu; bổ sung vi sinh vật có lợi cho hệ tiêu hoá như lactobacillus, acidophilus và plan-tarum; cung cấp một lượng chất xơ lớn cho cơ thể, hạn chế một số bệnh do thiếu xơ gây ra như trĩ, táo bón, ung thư ruột kết... Nhưng những lợi ích nói trên chỉ có được khi ăn đúng cách các món dưa muối. Nếu không biết sử dụng đúng cách thì dưa muối đôi khi lại trở thành thứ gây hại.

Những loại rau củ quả dùng làm dưa muối thường có sẵn nhiều loại vi khuẩn, trong đó có vi khuẩn lên men lactic, vi khuẩn gây bệnh và ký sinh trùng. Trong môi trường muối dưa, vi khuẩn gây bệnh sống được khoảng chín giờ, các ký sinh trùng không sống được quá mười ngày. Còn muối xổi, do thời gian quá ngắn và môi trường muối dưa không đủ độ axit nên không thể kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn có hại.

Ngoài những bệnh truyền nhiễm đường tiêu hoá thường gặp (tiêu chảy, lỵ trực khuẩn, tả, thương hàn…), ăn nhiều dưa muối xổi còn có nguy cơ mắc ung thư. Bởi các loại nguyên liệu rau củ quả dùng muối dưa thường được bón bằng phân đạm urê nên vẫn còn tồn dư một lượng nitrat vào dạ dày sẽ kết hợp với các thức ăn thịt, cá, cua, mắm… tạo thành hợp chất nitrosamine, nhiều nghiên cứu đã kết luận là chất có khả năng gây ung thư.

Gừng bị hư hỏng, dập nát

Gừng tươi là thực phẩm không nên để lâu bởi sau một vài ngày nó sẽ bị mềm, tóp đi và hỏng dần ở các nhánh nhỏ và các vết cắt, nếu cố cắt bỏ phần hỏng và dùng tiếp phần nguyên vẹn của củ gừng thì theo một số nghiên cứu thấy rằng do quá trình dập nát, cũ hỏng mà bên trong củ gừng đã xảy ra một chất độc hại có tên là shikimol. Chất này nằm trong cả củ gừng chứ không phải chỉ ở phần giập nát nên không thể cắt bỏ hết. Đây là hoạt chất với độc tính rất cao có thể gây sự biến đổi tế bào gan của một người đang khoẻ mạnh, cho dù lượng chất này có thể bị hấp thụ rất ít.

Khoai tây mọc mầm

Khoai tây bình thường chứa nhiều tinh bột và chất dinh dưỡng có lợi cho cơ thể. Nếu để lâu khoai tây sẽ mọc mầm. Khi củ khoai đã mọc mầm thì tốt nhất là bỏ đi, bởi lúc này nó chứa một lượng lớn chất solanine và chaconine rất độc. Chất này kích thích tương đối mạnh đến niêm mạc dạ dày, ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương. Ăn khoai tây mọc mầm có nguy cơ bị đau bụng, ỉa chảy, nôn mửa, thậm chí bị suy hô hấp.

Ở điều kiện bình thường hàm lượng chất solanine và chaconine trong củ khoai tây rất ít, trong 100 gr khoai mới có 10 mg nên không gây ngộ độc. Khi khoai tây mọc mầm thì hình thành lượng chất này cao, có khả năng gây ngộ độc cho người nếu ăn phải. Đặc biệt những chất này tập trung vùng vỏ khoai có màu xanh, tím. Khi bị trúng độc khoai tây, người có biểu hiện khô cổ họng, khó thở, nôn mửa, tê lưỡi, đau bụng tiêu chảy, chóng mặt… Trường hợp nặng thì nhiệt độ cơ thể tăng cao đột ngột, sau đó co giật, hôn mê, suy hô hấp, thậm chí tử vong.

Uống chè mốc

Chè là thức uống vô cùng quý giá cho sức khỏe con người. Nhưng nếu chè bị mốc tức là nó đã nhiễm penicillin và aspergillus. Nếu uống trà bị mốc, nhẹ cũng cảm thấy chóng mặt, tiêu chảy.

Chế biến món đậu xanh chưa chín

Đậu xanh nấu chín có chứa saponin và lectins, saponin, một chất gây kích thích mạnh mẽ đối với đường tiêu hóa của con người, có thể gây ra viêm xuất huyết, giải thể các tế bào máu đỏ. Trong đậu cũng chứa hemagglu tin in với tập hợp tế bào máu đỏ gây ra ngộ độc sau khi ăn. Vì vậy nếu ăn đậu xanh chưa nấu chín dễ bị ngộ độc. Chính bởi vậy nên dân gian thường lưu truyền miệng là dùng đậu xanh sống, nhai kỹ đắp lên chỗ vết thương giời leo có thể cũng khỏi bệnh vì lý do này.

Bắp cải thối

Bắp cải có nhiều tác dụng cho sức khỏe con người và được dùng để chế biến trong bữa ăn hàng ngày. Tuy nhiên, nếu để bị thối loại rau này có chứa nitrite, chất này đóng vai trò trong sự hình thành methemoglobin trong máu người. Khi ăn vào, làm cho máu mất các chức năng oxy, làm cho ngộ độc oxy, chóng mặt, đánh trống ngực, nôn mửa, tím môi… bị nặng có thể gây bất tỉnh, co giật, khó thở, không kịp thời cứu hộ có thể đe dọa tính mạng.

Mộc nhĩ trắng biến chất

Mộc nhĩ trắng (còn gọi là ngân nhĩ hay nấm tuyết) đã biến chất, biểu hiện dưới các dấu hiệu như màu ngả vàng, kém tươi, không đàn hồi, … chứng tỏ nó đã bị nhiễm khuẩn flavobacterium. Sau khi ăn có thể xuất hiện các triệu chứng ngộ độc như chóng mặt, đau bụng, tiêu chảy…

Trứng gà sống

Trứng gà là một loại thực phẩm rất giàu dinh dưỡng và có lợi cho sức khỏe con người. Tuy nhiên, nếu chế biến không đúng cách có thể sẽ gây hại cho sức khỏe. Trứng gà chưa nấu chín có hai hợp chất rất khó phân giải, gây ảnh hưởng không tốt đến việc cơ thể hấp thụ và tiêu hóa protein có trong trứng gà. Trong quá trình hình thành, trứng gà đã mang một số vi khuẩn gây bệnh nên khi chưa được nấu chín, các vi khuẩn này sẽ không bị tiêu diệt, rất dễ gây nên bệnh tiêu chảy.

Ngoài ra, các protein trong trứng gà sống có kết cấu hóa học rất chặt chẽ, cơ thể con người hầu như không thể hấp thụ. Các protein này gây ức chế cho trung khi thần kinh và cản trở cơ thể tiết nước bọt, dịch vị dạ dày và dịch vị của ruột, khiến ăn không ngon và tiêu hóa kém.

Bí ngô để lâu

Bí ngô già để lâu khiến bên trong bí ngô xảy ra quá trình hô hấp kỵ khí – lên men, và biến chất, vì vậy khi ăn sẽ gây nguy hiểm tới sức khỏe.

Mộc nhĩ tươi

Mộc nhĩ tươi chứa chất nhạy cảm với ánh sáng - chất Porphyrin. Sau khi ăn, với sự chiếu rọi của ánh nắng mặt trời, chúng ta rất dễ bị viêm da, xuất hiện trạng thái ngứa, chứng phù thủng, đau nhức; có người bị phù nề thanh quản sẽ dễ gây nên tình trạng khó thở. Vì vậy, chỉ nên ăn mộc nhĩ khô, ngâm trong nước nấu lên thì mới an toàn.

Rau cải chín để qua đêm

Trong rau cải chứa nhiều chất nitrat. Nếu để rau cải qua đêm, do tác dụng của vi khuẩn, muối nitrat chuyển thành muối nitrit, sau khi ăn có thể làm cho tổ chức trong cơ thể thiếu ôxy, xuất hiện triệu chứng trúng độc, đau đầu, chóng mặt, nôn mửa. Ngoài ra, chất nitrit có nguy cơ cao gây ung thư đường ruột.

Khánh Phương
theo Xây dựng

Từ khóa: