Sự kiện hot
13 năm trước

Cấp Sở duyệt ngành đào tạo đại học: Có quá sức?

Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quyết định giao quyền thẩm định mở một ngành đào tạo mới ở bậc đại học cho các Sở Giáo dục và Đào tạo.

Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quyết định giao quyền thẩm định mở một ngành đào tạo mới ở bậc đại học cho các Sở Giáo dục và Đào tạo.
 

Việc quyết định mở ngành đào tạo ở các trường đại học tới đây sẽ giao cho các sở giáo dục và đào tạo. (Nguồn: Internet)

Ngay sau đó xuất hiện các băn khoăn, lo lắng về sự quá tải về công việc cho cấp cơ sở. Liệu các Sở Giáo dục và Đào tạo có đủ năng lực và nhân lực để thực hiện nhiệm vụ mới mẻ này hay không, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn giáo sư-tiến sỹ Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

- Thưa Thứ trưởng, được biết, hiện nay, Bộ Giáo dục Đào tạo có chủ trương sẽ phân cấp mạnh hơn việc quản lý giáo dục nói chung, trong đó có quản lý bậc đại học cho các địa phương? Xin thứ trưởng cho biết cơ sở pháp lý của việc thực hiện sự phân cấp này?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Việc phân cấp, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho cơ sở giáo dục đại học, trong đó có các địa phương là thực hiện đúng Nghị quyết 50 của Quốc hội khóa 12 về thực hiện chính sách pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học; Nghị định số 115 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục và Chỉ thị số 296 của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010-2012. Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng để chúng tôi triển khai việc phân cấp mạnh về quản lý giáo dục đại học cho các địa phương, trong đó có việc giao cho các sở giáo dục và đào tạo thực hiện kiểm tra, xác nhận một số điều kiện để các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn được phép mở một mã ngành đào tạo mới.

- Thưa Thứ trưởng, việc giao thêm quyền thẩm định, mở ngành bậc đại học có phù hợp thực tế hiện nay không? Có “quá sức” với các sở giáo dục và đào tạo không?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Thực tế hiện nay cho thấy có nhiều tỉnh, thành chỉ có 1, 2 hoặc không có trường đại học, cao đẳng nào. Riêng Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng là ba thành phố tập trung nhiều trường thì Chính phủ và Bộ Giao dục và Đào tạo đã phân cấp giao quyền tự chủ cho 2 đại học quốc gia và 3 đại học vùng được tự chủ quyết định mở ngành cho các trường thành viên.

Bên cạnh đó không phải tất cả các trường đều đồng loạt mở ngành. Nhiều trường có truyền thống, có kinh nghiệm, thì ngành nghề của họ đã ổn định, nên rất nhiều năm không mở thêm ngành đào tạo. Chỉ còn lại một số trường mới thành lập hoặc mới nâng cấp, hoặc cá biệt có một số ngành nghề mới của các trường.

Vì vậy không có trình trạng các sở giáo dục và đào tạo phải chịu quá tải khi được giao kiểm tra và xác nhận các điều kiện thực tế về đội ngũ giảng viên cơ hữu và cơ sở vật chất, thiết bị, thư viện tại các cơ sở đào tạo.

- Thứ trưởng có thể nói cụ thể hơn về nhiệm vụ của các sở giáo dục-đào tạo khi thực hiện quyền thẩm định cho phép mở mã ngành đào tạo mới của bậc đại học?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Nhiệm vụ của sở giáo dục-đào tạo là kiểm tra và xác nhận thực tế hai điều kiện cơ bản đó là đội ngũ giảng viên cơ hữu và cơ sở vật chất, thiết bị, thư viện, giáo trình phục vụ đào tạo. Để tiến hành kiểm tra, cơ sở đào tạo phải gửi hồ sơ cho sở giáo dục-đào tạo, căn cứ hồ sơ, Đoàn kiểm kiểm tra của sở giáo dục và đào tạo tiến hành kiểm tra thực tế tại trường và lập biên bản xác nhận. Kiểm tra về danh sách dội ngũ giảng viên cơ hữu, Đoàn kiểm tra do giám đốc sở giáo dục và đào tạo quyết định thành lập, sẽ kiểm tra sổ lương, sổ bảo hiểm, kèm theo các minh chứng về văn bằng, chứng chỉ, hợp đồng lao động và các minh chứng khác… của từng giảng viên cơ hữu.

Việc kiểm tra cơ sở vật chất cũng tương tự, tên máy móc, thiết bị, số lượng, năm sản xuất, số lượng từng giáo trình, tài liệu.. . Đoàn kiểm tra chỉ đi kiểm tra hiện trạng thực tế của cơ sở đào tạo muốn mở ngành, xem thực tế có đúng những gì khai trong hồ sơ hay không và lập biên bản kiểm tra, giám đốc sở giáo dục-đào tạo ký, đóng dấu xác nhận và chịu trách nhiệm về tính xác thực của các dữ liệu trong hồ sơ kiểm tra.

Như vậy các sở giáo dục và đào tạo chỉ thực hiện các công việc kiểm tra thông thường, không đi sâu về chuyên môn của ngành nghề đào tạo. Các Sở giáo dục và đào tạo hoàn toàn có đủ nhân lực, đủ trình độ để thực hiện việc này.

- Thưa Thứ trưởng, nếu các sở giáo dục và đào tạo chỉ thực hiện các công việc kiểm tra thông thường trên thì đã đủ để đảm bảo điều kiện cho một trường đại học, cao đẳng mở một ngành đào tạo mới hay chưa ?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Điều kiện cần thiết nhất để các trường đại học mở một mã ngành đào tạo mới là phải có đủ nội dung chương trình, giáo trình, cơ sở vật chất và cán bộ giảng dạy phù hợp mã ngành đào tạo mới.

Đoàn kiểm tra của sở giáo dục và đào tạo không kiểm tra chương trình, nội dung, phương pháp, hay việc phân công giảng viên giảng dạy các môn học có đúng chuyên ngành hay không … Việc đó do hội đồng chuyên môn thẩm định chương trình thực hiện. Hội đồng chuyên môn này do chính các trường đại học đủ năng lực chịu trách nhiệm thành lập. Thông tư 08 đã nêu rõ cơ sơ đào tạo được phép tự thẩm định chương trình đào tạo, nếu đủ điều kiện theo quy định về kinh nghiệm đào tạo, số lượng giáo sư, tiến sỹ… Nếu trường chưa đủ điều kiện theo quy định, thì Bộ sẽ chỉ định một trường đủ điều kiện để tiến hành thẩm định chương trình đào tạo cho trường khác.

Để thẩm định chương trình đào tạo, Trường được tự thẩm định hoặc thẩm định cho trường khác, phải thành lập hội đồng thẩm định và tổ chức họp Hội đồng đúng quy trình theo hướng dẫn tại TT38 hoặc TT08. Hội đồng chuyên môn này mới chịu trách nhiệm về mặt chuyên môn như: chương trình đào tạo có đúng quy định không, có đảm bảo khoa học và phù hợp với thực tiễn không, mục tiêu đào tạo có rõ ràng, cụ thể, đạt chuẩn đầu ra hay không, có đảm bảo kết cấu, khối lượng kiến thức, tỷ lệ về thời lượng giữa lý thuyết và thực hành có hợp lý không? Các điều kiện bảo đảm chất lượng có đủ, đúng yêu cầu theo quy định không? Việc phân công giảng viên đảm nhiệm giảng dạy môn học có phù hợp với chuyên ngành được đào tạo không ?… Hiệu trưởng nhà trường ký quyết định thành lập hội đồng thẩm định và chịu trách nhiệm về kết quả thẩm định, ký xác nhận, đóng dấu biên bản thẩm định chương trình đào tạo

Hiện nay, cả nước có 5 đại học (2 đại học quốc gia và 3 đại học vùng) tự chịu trách nhiệm trong việc mở ngành cho các trường thành viên. Bộ cũng đã có quyết định thí điểm giao cho Đại học Bách Khoa Hà Nội tự chủ trong mở ngành. Các trường đại học đủ điều kiện đã được tự thẩm định chương trình và thẩm định cho trường khác.

Trong thời gian tới, lộ trình phân cấp giao quyền tự chủ cho các trường đại học sẽ được mở rộng nhưng không phải đồng loạt mà từng bước, có lộ trình và phù hợp năng lực của các trường, vì trình độ quản lý ở các trường khác nhau. Mặt khác nhà nước vẫn phải quản lý giám sát việc mở ngành của các trường vì còn phải điều chỉnh để phù hợp với cơ cấu nguồn nhân lực quốc gia. Nếu để các trường tự mở sẽ xảy ra tình trạng chạy theo những ngành dễ đào tạo mà không đáp ứng được cơ cấu nguồn nhân lực phù hợp nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
 
Hoàng Hoa (Vietnam+)
Từ khóa: